Ngày 22.4, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử phúc thẩm Nguyễn Trần Hoàng Phong (33 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) – tài xế Mercedes chạy xe 84km/h tông nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường (31 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) thương tật 79% và ông Lê Mạnh Thường (64 tuổi, tài xế GrabBike tử vong tại bệnh viện) vào sáng 30.1.2020.
8 giờ sáng, nữ tiếp viên Bích Hường đến tòa. Khác với phiên tòa sơ thẩm, lần này chị đã có thể tự mình bước đi, những bước đi chấm phẩy vì di chứng của vụ tai nạn hơn 1 năm trước. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Hường) vội ra đón chị Hường vào trong phòng xét xử.
Hôm nay, trời TP.HCM âm u, chuẩn bị chuyển mưa, những vết sẹo sau 3 ca mổ ở chân nữ tiếp viên lại đau nhức khiến chị thỉnh thoảng khó chịu. Dù vậy, chị vẫn mỉm cười vì có tia hy vọng hôm nay chị sẽ đòi được công bằng cho bản thân mình, cho những đau đớn về cả thể xác và tinh thần mà hơn 1 năm qua chị phải chịu đựng.
Ai tiếp tay cho bị cáo tẩu tán tài sản?
Hồi giữa tháng 12.2020, Phong đã bị TAND Q.Phú Nhuận đưa ra xét xử sơ thẩm và kết án 7 năm 6 tháng tù, buộc bồi thường 1,4 tỉ đồng cho nữ tiếp viên và hơn 400 triệu đồng cho gia đình tài xế GrabBike đã mất.
Sau phiên tòa sơ thẩm, nữ tiếp viên hàng không đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án vì cho rằng bản án này quá nhẹ, trong khi Phong có nhiều tình tiết tăng nặng chưa được làm rõ.
|
Tại phiên tòa hôm nay, khi được chủ tọa hỏi về những yêu cầu kháng cáo, chị Bích Hường xúc động nói, hơn 1 năm qua, bản thân là nạn nhân chịu nhiều đau đớn phải chờ đợi sự công bằng nhưng chị chưa thấy công bằng ở đâu.
"Tôi muốn tòa làm rõ những người giúp bị cáo tẩu tán tài sản là ai, xin giảm nhẹ án cho Phong nhưng phải tăng mới đúng. Mong tòa xử lý nghiêm minh, hợp tình vì Phong mắc nhiều lỗi nhưng tòa sơ thẩm không xét hết mà bỏ lọt nhiều tình tiết, có kết án mà áp dụng tình tiết giảm nhẹ là không hợp tình hợp lý. Tôi cũng xin tòa kê biên căn nhà để đảm bảo bồi thường", chị Bích Hường nói.
Chia sẻ với Thanh Niên, nữ tiếp viên hàng không kể, sau phiên tòa sơ thẩm, rất nhiều người có người thân bị tai nạn đã hỏi chị cách giải quyết như thế nào. "Đây thực sự câu hỏi này vượt quá khả năng của tôi, bản thân tôi vẫn đang đấu tranh tìm công bằng cho mình và bác tài xế GrabBike đã mất nhưng chưa thấy đâu. Ai đã tiếp tay để tài xế Mercedes sang tên căn nhà để tránh bồi thường cho nạn nhân. Tại sao tòa sơ thẩm không hủy hợp đồng công chứng sang tên căn nhà từ bị cáo cho mẹ bị cáo. Nguyễn Trần Hoàng Phong đồng ý bồi thường là nói miệng, vậy nạn nhân đòi tiền bằng niềm tin sao?", chị nói.
|
Theo nữ tiếp viên, tài xế Mercedes là người sang tên căn nhà cho mẹ rồi Phong không còn tài sản nào nữa để bồi thường được cho nữ tiếp viên và tài xế GrabBike đã mất thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho những mất mát của các nạn nhân.
Tại phiên tòa phúc thẩm này, HĐXX đã mời đến dự đại diện chủ đầu tư căn hộ chung cư mà Phong đã sang tên cho mẹ mình để làm rõ một số thông tin. Người này cho biết căn hộ hiện đang đứng tên bà Trần Hoàng Họa Mi - mẹ của Phong như hợp đồng sang tên nhà trước đó. Tuy nhiên, tòa đã phân tích để đại diện chủ đầu tư chia sẻ với những người bị hại trong vụ tai nạn này và yêu cầu chủ đầu tư không để xảy ra chuyển nhượng căn hộ của mẹ Phong cho một bên thứ 3 nữa.
Nghe đến đây, nữ tiếp viên thở phào...
Chưa có bằng lái đã chạy xe
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong - tài xế Mercedes xuất hiện sau cùng, đôi mắt Phong sâu hơn, mặt phờ phạc hơn, nhưng Phong không dám nhìn về phía những người bị hại.
Trả lời HĐXX, Phong thừa nhận chưa có bằng lái đã điều khiển xe gây ra tai nạn. Trước đó, để thuê xe, Phong chụp lại bằng lái, CMND của H.T.S, lên mạng tìm nơi làm bằng giả, gửi hình qua Zalo để làm bằng lái giả. Khi có bằng lái, bên làm giả đặt xe ôm gửi sang cho Phong.
|
"Bị cáo tự học lái xe ở trung tâm bên Q.12, chưa có bằng nhưng biết chạy nên thuê Mercedes với giá 2,5 triệu/ngày để rủ 2 bạn gái đi Phan Thiết chơi. Lần thuê này bị cáo không đưa bằng lái cho bên thuê xe vì trước đó họ đã lưu hồ sơ rồi", tài xế Mercedes trình bày.
Nghe Phong nói tới đây, chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: "Thầy dạy chạy 50km/h, ngã ba ngã tư trong khu dân cư phải giảm tốc độ chứ sao lại chạy tới 84km/h gây mất an toàn, hậu quả gay tai nạn 1 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về xe Mercedes, xe máy của bác tài xế, cây xanh?". Phong chỉ im lặng...
Trình bày lại diễn biến khi xảy ra tai nạn, Phong cho biết mình có gọi cấp cứu, thấy xe cấp cứu đến thì Phong mới chạy ra Bến xe Miền Đông bắt xe đi Phan Thiết. Tới đây, nghe tin tài xế GrabBike đã mất nên Phong sợ quá đi Đà Lạt, vứt hết giấy tờ, sau đó được gia đình động viên ra đầu thú.
|
Nói về việc xét nghiệm máu dương tính với ma túy đá sau khi đầu thú, Phong giải thích khi ra Phan Thiết có đi uống với bạn, rồi "ai đó cho ma túy vào ly" mà Phong không biết, chứ không phải Phong sử dụng ma túy đá trước khi gây tai nạn.
Cũng trong phiên tòa hôm nay, chị Lê Thường Vân (con gái tài xế GrabBike đã mất) cho biết chị cũng kháng cáo bản án của tòa sơ thẩm vì muốn xem xét tăng trách nhiệm hình sự với tài xế Mercedes do khi xảy ra tai nạn Phong rời khỏi hiện trường. Đồng thời, chị Vân yêu cầu tòa xem xét trách nhiệm liên đới của những công ty có liên quan.
Về phía nữ tiếp viên hàng không, chị Bích Hường khẳng định sau tai nạn chị nằm đó rất lâu, đau đớn không thể cử động được nhưng vẫn tỉnh táo để biết diễn biến xung quanh. Do vậy, chị Hường khẳng định không có ai gọi cấp cứu, cho đến khi mẹ và sếp của chị xuất hiện tại hiện trường và cho rằng chỉ có dùng ma túy đá trước đó thì tài xế Mercedes mới chạy xe tới 84km/h, lấn cả sang làn đường ngược lại mà gây tai nạn như vậy.
Bình luận (0)