Nữ tướng duy nhất của Quân đội cách mạng Việt Nam

16/01/2020 09:00 GMT+7

“Phó tổng tư lệnh quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu như vậy tại lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.

Thuyền trưởng đầu tiên đưa vũ khí về chiến trường miền Nam

Theo tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15.3.1920 tại xã Lương Hòa, H.Giồng Trôm, Bến Tre. Nữ tướng tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi và chỉ 2 năm sau đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, khi mới sinh con được 3 ngày thì bà và chồng mình đều bị địch bắt, bản thân bà bị biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước), phải gửi con trai về nhờ gia đình nuôi. Trong 3 năm sống trong sự hà khắc của nhà lao, bà vẫn nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất của người cách mạng. Bị giam cầm đến năm 1943 thì bà lâm bệnh nặng, kẻ địch buộc phải thả bà về quản thúc tại địa phương. Trong khi sức khỏe chưa hồi phục thì bà hay tin chồng hy sinh ngoài Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong thời gian này, bà đã liên lạc được với tổ chức đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh Bến Tre và trực tiếp tham gia giành chính quyền ở TX.Bến Tre (nay là TP.Bến Tre) trong Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945.
“Một phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng”

Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Tháng 3.1946, tuy còn nhỏ tuổi nhưng ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên bà Nguyễn Thị Định được Tỉnh ủy Bến Tre chọn tham gia vào “Đoàn tàu không số huyền thoại” vượt biển ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình cách mạng miền Nam sau Hiệp định sơ bộ 6.3. Bà là thuyền trưởng đầu tiên chỉ huy tàu “không số” chở 12 tấn vũ khí từ miền Bắc cập Bến A101 (xã Thạnh Phong, H.Thạnh Phú, Bến Tre) để chi viện cho chiến trường miền Nam, tạo tiền đề cho sự hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này.
Chị Ba ạ! Ngày xưa người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị “Sống làm tướng, chết thành thần”

Cố Giáo sư Trần Văn Giàu

Từ năm 1947 - 1951, bà Nguyễn Thị Định là Tỉnh ủy viên, Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc, Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ cứu quốc Nam Bộ, Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch Mặt trận Liên Việt H.Mỏ Cày.
Từ năm 1952 - 1960, bà Nguyễn Thị Định được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giữ chức Hội trưởng Phụ nữ tỉnh, Phó bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Nhà lãnh đạo phong trào Đồng khởi Bến Tre

Theo ông Trần Ngọc Tam, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, tháng 12.1959, Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam bộ triệu tập Hội nghị đại biểu các tỉnh tại căn cứ Tam Thường, Hồng Ngự, Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) triển khai tinh thần Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 15 và chủ trương mới của Trung ương. Bà Nguyễn Thị Định, Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre được cử dự hội nghị này. Sau khi tiếp thu, bà trở về quán triệt tinh thần chỉ đạo tại Hội nghị Liên Tỉnh ủy trong Tỉnh ủy Bến Tre. Và từ ngày 1 - 3.1.1960, bà Nguyễn Thị Định đã họp với một số cán bộ chủ chốt trong Tỉnh ủy và cấp ủy Đảng ở địa phương bàn kế hoạch thực hiện Nghị quyết 15 và chủ trương của Khu ủy Khu VIII thống nhất triển khai với phương châm “Đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt”. Sau khi phân tích rõ tình hình địch, những khó khăn, thuận lợi của ta, Tỉnh ủy Bến Tre đã quyết định phát động một tuần lễ đồng lòng nổi dậy, đồng loạt tấn công địch trong toàn tỉnh với điểm khởi đầu tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh (H.Mỏ Cày), mở đầu cho phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960.
Tấm gương Cô Ba Định là động lực rất lớn cho phụ nữ Bến Tre
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phụ nữ Bến Tre đã kế thừa và luôn phát huy truyền thống tốt đẹp từ tấm gương Cô Ba Định, “Đội quân tóc dài” trong các phong trào “Đồng khởi mới”. Ý chí kiên trung, mạnh mẽ, bất khuất của Cô Ba Định luôn là động lực tinh thần rất lớn giúp các thế hệ phụ nữ Bến Tre hăng say thi đua lao động, sản xuất, khai hoang phục hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh... Và từ sau năm 1986 đến nay, phong trào phụ nữ Bến Tre tiếp tục có bước phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới. Hội LHPN Việt Nam tỉnh Bến Tre tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới; thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; phấn đấu thực hiện đạt các chuẩn mực của người phụ nữ Bến Tre “đẹp người, đẹp nết, đẹp gia đình, đẹp sự nghiệp và đẹp xã hội” để xứng đáng là người đồng hương với Cô Ba Định…

Bà Phạm Thị Thanh Thảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre

Từ phong trào Đồng khởi đã khai sinh “Đội quân tóc dài” với thủ lĩnh là bà Nguyễn Thị Định và tên tuổi của bà đã gắn liền phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công”, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ, của Đội quân tóc dài gắn liền với phong trào du kích chiến tranh của nhân dân miền Nam.
Từ năm 1961 - 1975, bà Nguyễn Thị Định là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Khu VIII với các chức vụ quan trọng như Chủ tịch Hội LHPN Giải phóng miền Nam, Phó tư lệnh các lực lượng Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1974, bà được phong quân hàm thiếu tướng.
“Đồng chí Nguyễn Thị Định đã có công rất lớn trong việc xây dựng và phát huy tác dụng “Đội quân tóc dài” làm cho quân thù vô cùng run sợ. Là người có tài thao lược, ý chí cao, nghệ thuật điều hành “Đội quân tóc dài” tác chiến trong chiến trường vô cùng phức tạp vừa hình thành tổ chức mới đem lại chiến thắng vẻ vang”, thượng tướng Trần Văn Trà nói về Nữ tướng lúc sinh thời.
 
Sau Giải phóng, bà Nguyễn Thị Định là Ủy viên Trung ương Đảng các Khóa IV, V, VI, Đại biểu Quốc hội các Khóa VI, VII, VIII, đồng thời giữ nhiều chức vụ như Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Bí thư Đảng đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước, Chủ tịch Hội Hữu nghị VN - Cu Ba. Bà đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới toàn diện Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là đổi mới hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước.
Ngày 30.8.1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau 56 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, bà Nguyễn Thị Định qua đời vào ngày 26.8.1992, hưởng thọ 72 tuổi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.