Khi chuông đồng hồ điểm đúng 12 tiếng, mùi khói nhang tỏa hương thơm thiêng liêng, đất trời như giao hoà, thời gian như ngưng đọng. Hình dáng người mẹ già lâm râm cầu khấn, trước sân nhà có bàn thờ thiên. Bên kia góc sân là cội mai già (hay cành đào) trong ánh sáng lờ mờ đã lóe lên vài bông hoa hy vọng.
Trong không gian tĩnh lặng và tinh khiết đến độ ta nghe được tiếng dế nó hay biết nhường nào, giọt sương đêm nó đẹp lạ lùng ra sao, thì bỗng một bài hát vang lên xuyên thẳng vào tâm hồn ta từ những mùa xuân đẹp như thơ năm nào:
"Nửa đêm nghe xuân về
Nghe đời lên rất trẻ..."
Tôi vẫn cứ hay có thói quen yêu thích một cụm, một câu hay một đoạn ca từ của một bài hát nào đó, như yêu một cọng cỏ, một nét cọ của bức tranh tổng thể vậy. Đôi khi tôi thấy nó đẹp kỳ lạ, tâm đắc kỳ lạ. Ở các bài trước là Văn Cao và Trịnh Công Sơn, thì đến bài viết này là Tôn Thất Lập, với Tình ca mùa xuân:
"Nửa đêm nghe xuân về..."
Tại sao không là buổi sáng, trưa hay buổi chiều, mà là "nửa đêm nghe xuân về"?
Khi một năm sắp qua đi, khoảng thời gian từ ngày ông Táo về trời (23 tháng chạp) cho đến ngày cuối cùng của một năm, tâm trạng bạn luôn xao động như từng cơn gió bấc ngoài vườn, làm tả tơi những bụi chuối. Rồi cứ thế ta bị cuốn theo những con đường xôn xao hai bên đỏ rực những câu đối, phụ kiện trang trí tết, màu bánh mứt xanh đỏ vàng tím, cho đến khi "nửa đêm nghe xuân về" trong đêm ba mươi, ta chợt tỉnh ra khi kim đồng hồ vừa bước qua những giây đầu tiên của một vòng quay mới.
Ta tỉnh ra trong mùi khói hương như sờ mó được cái không gian mờ đục sau đêm giao thừa. Ta tỉnh ra trong tiếng chuông chùa đi hái lộc đầu năm. Ta tỉnh ra bởi bài ca của chú dế nhỏ khiến ta cảm nhận sự sống thật thiêng liêng. Và cuối cùng, ta tỉnh ra bởi mái tóc bạc phơ của mẹ già đứng khấn nguyện trong thời khắc giao thừa để rồi khiến ta càng cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết: Ta yêu quý từng phút giây cuộc đời này. Ta rũ bỏ hết những lo toan phiền muộn đeo bám suốt những tháng ngày. Đây là thời khắc mà ta lắng nghe từng bước chân mùa xuân rõ ràng nhất, như chính nhịp đập con tim ta giữa bốn bề tĩnh lặng, trong cái mùa duy nhất từ bốn mùa của đất trời mang sinh lực đến cho tâm hồn ta:
"Nửa đêm nghe xuân về
Nghe đời lên rất trẻ
Gọi tên anh thầm nhớ
Lời ru em dạt dào..."
Nếu âm nhạc cần thời gian để thẩm thấu, thì những bài hát về mùa xuân lại rất cần ký ức để sống cuộc đời bất tử. Khi bạn viết một bài hát xuân mới, đừng thất vọng nếu người nghe bàng quan, bởi vì chúng chưa phải là ký ức. Chúng cần thêm thời gian để hóa thành ký ức. Nếu bài hát thật sự chạm đến trái tim người nghe, ký ức sẽ nuôi sống nó. Điều này lý giải vì sao người ta thích nghe những bài xuân xưa cũ phủ bụi thời gian hơn là những bài xuân thơm mùi “giấy mới ra lò”. Và mỗi thế hệ sẽ có những ký ức riêng để nuôi dưỡng một bài hát xuân. Nhưng cũng có những bài hát xuân thật sự xuyên không! Đi xuyên qua mọi ký ức.
Tôi nhớ hoài một thời bao cấp, lúc tôi còn là cậu học sinh phổ thông, cứ mỗi khi xuân về là tôi lại được nghe Tình ca mùa xuân. Tôi nghe bài hát qua những chiếc loa phường chứ đâu được nghe từ dàn máy nghe nhạc. Hễ cứ tới tối giao thừa là bài hát ấy vang lên. Và những lời ca vẫn còn đọng mãi trong tâm trí tôi, cho tới khi tôi bước chân vào làng âm nhạc với vai trò biên tập và hòa âm, tôi vẫn luôn nhớ tới Tình ca mùa xuân. Không những tôi vẫn nghe nó mỗi khi giao thừa đến, mà đích thân tôi hòa âm, rồi thu âm cho ca sĩ Quang Dũng bài hát này trong một album xuân năm 2003 của Phương Nam Phim.
"Xuân xanh tình kết nụ
Xuân hồng giấc em ngủ
Đời vui khoác áo mới
Phố phường hát tình ca"
Tình ca mùa xuân (sáng tác: Tôn Thất Lập, ca sĩ: Quang Dũng, hòa âm: Võ Thiện Thanh)
Có cái gì đó thật khoan thai, ung dung, và thật bình an, nhưng cũng thật nôn nao khi nghe bài hát này mỗi dịp xuân về. Rõ ràng là nó mang cho ta cảm giác thật hạnh phúc, nhưng niềm hạnh phúc ấy không vội vã, không ồn ào, mà nhẹ nhàng thong dong ngồi nhấp với nhau từng ngụm rượu, chén trà chờ giao thừa tới. Lúc đó mới hiểu cái gì giá trị trong cuộc sống quá bề bộn này.
“Xuân đến khắp mọi nhà
Hát mừng báo tin lạ…”
Có phải rằng ai trong chúng ta cũng đều mong chờ một điều gì đó khác hơn, mới hơn năm cũ. Một công việc mới, một tình yêu mới, một hy vọng mới, một ước mơ mới.
Âm nhạc của Tôn Thất Lập là thế, rất nhẹ nhàng như con người anh. Dù di sản của anh còn rất nhiều điều đáng nói tới. Nhưng tôi không thuộc thế hệ đủ trải nghiệm để nói về Hát cho dân tôi nghe. Tôi chỉ biết và yêu Tình ca mùa xuân của anh thôi!
Tôi yêu Tình ca mùa xuân đặc biệt ở những dòng ca từ như thế này:
“Vì yêu con sông dài
Yêu rừng xanh núi đỏ
Và yêu bao đồng lúa
Chợt yêu anh lính trẻ”
Một tình yêu nghe thật mênh mông, thứ tình yêu rộng lớn, yêu con sông dài, yêu rừng xanh núi đỏ, những đồng lúa. Rồi thương cảm cho những người lính xa nhà canh giữ bình yên cho mọi người.
Có lẽ vì thế mà Tình ca mùa xuân vẫn mãi là một khúc ca đẹp. Mỗi khi nghe nó, tâm hồn ta khoáng đạt hơn, êm đềm hơn, và mênh mông hơn. Vì thông điệp giá trị nhất mà nó mang đến cho chúng ta là: Hạnh phúc và sự bình yên mà chúng ta đang có được là sự hy sinh từ biết bao nhiêu đời của vô vàng những con người, từ thế hệ này đến thệ hệ khác, từ những chiến binh cho tới người nông dân, từ người thầy giáo cho tới những y bác sĩ… và mọi con người trong cuộc đời này, đến vô cùng tận. Nó vượt lên trên tất cả với một ý nghĩa thuần khiết: Người Việt Nam! Chúng ta biết ơn vì điều đó:
“Anh đi về cuối trời
Giữ mùa xuân còn mãi…”.
Bình luận (0)