Nửa thập kỷ ổn định cuộc sống với việc chạy xe công nghệ, khó hay dễ?

20/10/2023 14:35 GMT+7

Từng là quản lý nhà hàng, vì hoàn cảnh khách quan, chú Nguyễn Thanh Quang buộc phải nghỉ sau 10 năm cống hiến. Những tưởng chật vật để "làm lại" ở độ tuổi U60, chú Quang bén duyên với nghề tài xế xe công nghệ. Sau 5 năm gắn bó với những cuốc xe, bác tài Nguyễn Thanh Quang không những ổn định cuộc sống, có "của để dành" mà cảm thấy tuổi xế chiều thêm phần ý nghĩa.

Bác tài ổn định cuộc sống với việc chạy xe công nghệ

Chú Nguyễn Thanh Quang (58 tuổi) là một trong những đối tác tài xế kỳ cựu của Gojek, gắn bó với hãng từ những ngày đầu Gojek có mặt ở Việt Nam. Trước đây, chú Quang có 10 năm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng - khách sạn, là quản lý của một nhà hàng Hàn Quốc. Năm 2016, việc kinh doanh của nhà hàng gặp khó khăn, người đàn ông U60 buộc phải thôi việc. Giữa lúc chật vật tìm công việc mới, chú Quang được người quen giới thiệu về công việc chạy xe công nghệ.

"Năm 2018, tôi là một trong những tài xế đầu tiên cầm hồ sơ đến Gojek, lúc bấy giờ vẫn còn là GoViet. Thời đó, loại hình chạy xe công nghệ còn mới mẻ, tôi cũng thấy ngại vì trước giờ mình đi làm quản lý, nay lại chạy xe, có gì đó ngại ngùng. Nhưng để thời gian "chết" cũng chẳng được gì, tôi cũng cần tiền để trang trải cuộc sống. Tôi quyết định thử và không ngờ mình gắn bó với công việc này được hơn 5 năm. Giờ tôi tự tin làm tài xế xe công nghệ toàn thời gian, số tiền kiếm được 5 năm qua bằng việc này không những đủ lo cho gia đình 3 người mà còn giúp tôi có được một khoản tích lũy", bác tài Nguyễn Thanh Quang kể lại.

Chú Quang chia sẻ làm tài xế xe công nghệ tất nhiên không hề nhàn nhưng chỉ cần nghiêm túc, siêng năng và chịu học hỏi thì việc ổn định cuộc sống là chuyện không quá khó khăn. Tuy thời thế có lúc này, lúc khác nhưng sau 5 năm, chú Quang vẫn chọn gắn bó với những cuốc xe đón đưa khách xuôi, dọc đường phố Sài Gòn. Ở thời "đỉnh cao", chú tiết lộ mình có thể kiếm vài chục triệu mỗi tháng bằng việc chạy xe công nghệ 2 bánh, sau khi đã trừ đi các chi phí phát sinh và chưa tính tiền "tip" đến từ khách hàng.

Bác tài Nguyễn Thanh Quang nhận định, làm tài xế xe công nghệ "bấp bênh" hay "ổn định" cũng là tùy người, và cũng như các công việc khác, phụ thuộc vào cách nhìn và thái độ đối với công việc của mỗi người. "Nhiều bạn mới chạy xe nghĩ rằng công việc này thoải mái giờ giấc nên làm việc theo kiểu tùy hứng. Như thế thì tất nhiên khó mà ổn định được vì số lượng cuốc xe lên xuống thất thường. Tôi và các anh em chạy lâu năm đều biết, chạy xe công nghệ cũng cần có tính kỷ luật, chuyên cần, nghiệp vụ và sự nghiêm túc".

Mỗi ngày, đúng 6 giờ sáng, chú Thanh Quang bắt đầu bật ứng dụng và lên xe, chở khách đến 13 giờ về nghỉ trưa, khoảng 15 giờ sẽ tiếp tục và chạy đến chiều tối. "Tôi quan niệm chạy đều đặn và siêng năng nhưng không "bào" sức. Vì mình cũng lớn tuổi rồi, phải giữ sức mới đi được đường dài. Để duy trì số lượng cuốc đều đặn, đảm bảo thu nhập thì anh em cũng cần có bí quyết. Quan trọng là hiểu được nhu cầu khách hàng, đúng thời gian và địa điểm. Phục vụ tốt, giữ thái độ niềm nở, lịch sự với khách hàng, thu thập nhiều cuốc xe 5 sao thì tự khắc mọi thứ sẽ ổn".

Bác tài Thanh Quang cho biết thêm, tài xế xe công nghệ cũng cần có những "khoản đầu tư" để tự cải thiện dịch vụ. Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi biết được trong vòng 5 năm chạy xe, chú Quang đã đổi 5 chiếc "chiến mã". Đối với chú, đây là khoản "đầu tư" cần thiết. "Xe mình "êm", sạch sẽ, ít hư thì mặc nhiên sẽ bớt được những rủi ro khi gặp đường xấu, thời tiết xấu, khách cũng thoải mái hơn khi lên xe. Bán cũ rồi mua mới cũng không tốn kém của tôi quá nhiều", chú thổ lộ.

Nửa thập kỷ ổn định cuộc sống với việc chạy xe công nghệ, khó hay dễ?  - Ảnh 1.

Gojek vinh danh các đối tác tài xế trong sự kiện sinh nhật 5 tuổi

Mới đây, Gojek đã tổ chức chương trình "Hành trình 5 năm cùng Gojek'' để kỷ niệm 5 năm hãng đi vào hoạt động tại Việt Nam và tri ân các đối tác tài xế. Chương trình cũng là dịp giao lưu, gặp gỡ, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm khi hoạt động trên nền tảng Gojek của các đối tác tài xế ở mọi lứa tuổi. Tại đây, bác tài Nguyễn Thanh Quang được vinh danh "Chiến binh cống hiến" vì những thành tích nổi bật thời gian qua.

Và những chuyến xe với nhiều trải nghiệm ý nghĩa

Chú Quang thừa nhận sau đại dịch Covid-19, mọi thứ khó khăn hơn, thu nhập giảm nhưng "nhìn chung vẫn đủ cho anh em trang trải cuộc sống, chúng tôi hiểu đây là tình hình chung". Dù sắp đến tuổi hưu nhưng chú Quang cho biết sẽ tiếp tục chạy xe miễn còn sức khỏe; bởi nghề này không những mang đến cho chú thu nhập tốt mà còn mở ra nhiều niềm vui, sự hứng khởi với cuộc sống cũng như nhiều trải nghiệm đáng quý ở tuổi xế chiều.

Chú nhớ lại: "Lần đó, có một vị khách đặt tôi ship thức ăn đến Bảo tàng chứng tích chiến tranh và khăng khăng nhờ tôi gửi xe vào tận trong bảo tàng để giao món. Ban đầu, tôi có hơi khó chịu vì yêu cầu kỳ lạ này. Nhưng khi đến nơi, vị khách là một cô bé ngồi xe lăn. Cô bé ấy xin lỗi tôi vì bản thân di chuyển bất tiện nên không thể tự ra cổng nhận hàng. Sau một hồi trò chuyện, tôi mới biết cô bé là nạn nhân chất độc màu da cam, hôm đó đến làm khách mời cho một chương trình của bảo tàng. Cô bé nói chuyện rất lễ phép. Khi ấy tôi bỗng cảm thấy bản thân có lỗi nhiều lắm! Song, vị khách đặc biệt này cũng khiến tôi thay đổi cách nhìn nhận sự việc, biết hiểu cho người khác hơn và cảm thấy công việc của mình thực sự có ý nghĩa".

Chú Quang còn chia sẻ thêm về nhiều cuốc xe đáng nhớ với những vị khách nước ngoài. Vì từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn nên chú Quang tự tin giao tiếp với khách du lịch và người nước ngoài. "Khách du lịch sang đây bắt được tài xế biết nói tiếng Anh họ vui lắm. Mình tán gẫu, gợi ý những chỗ đi chơi hay ăn uống ngon, và có chút tự hào khi giới thiệu được văn hóa Việt Nam với mọi người. Nghề lái xe cho tôi nhiều niềm vui như thế. Thế nên tôi rất vui vì mình vẫn còn gắn bó với Gojek, với công việc này đến tận giờ", chú bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.