TNO

Nửa thế kỷ “giọng nữ cao từ Hà Nội”

17/08/2008 17:15 GMT+7

“Chương trình ca nhạc theo thư yêu cầu thính giả” của Đài tiếng nói Việt Nam (TNVN) lần đầu tiên lên sóng phát thanh vào tháng 8.1958 - cách đây đúng 50 năm. Cứ đúng 7 giờ 30 mỗi sáng chủ nhật, khi còn là học trò, tôi lại chực chờ dưới một chiếc loa phóng thanh ở các phố phường Hà Nội hồi bấy giờ để được nghe.

Và cũng có thể nói, đó là chương trình ca nhạc hay nhất của Đài TNVN suốt bao nhiêu năm, khi người dân miền Bắc chưa biết ti vi là cái gì, và hầu hết chỉ nghe ca nhạc qua sóng phát thanh. Những nghệ sĩ - ca sĩ tuyệt vời mà chúng tôi yêu thích ngày ấy như Quốc Hương, Trần Khánh, Trần Thụ, Kim Oanh, Bích Liên ... dường như đều nổi tiếng là những giọng hát hay qua sóng phát thanh, trước khi người nghe có dịp nghe họ hát trực tiếp trên sân khấu ca nhạc. Chương trình ca nhạc theo thư yêu cầu thính giả có lẽ là chương trình phát thanh tương tác đầu tiên của Đài TNVN, là chương trình mà những lời yêu cầu hồn nhiên và nhiều khi cảm động của đông đảo người dân yêu âm nhạc và của riêng tư từng người yêu âm nhạc được giới thiệu và đáp ứng một cách ân cần.

Suốt những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, tôi nghĩ, nếu không có những chương trình ca nhạc vừa chất lượng cao vừa thỏa mãn tới yêu cầu của từng người yêu nhạc như thế, có khả năng khơi dậy những xúc cảm, những tình yêu lớn lao và nhỏ bé như thế nơi mỗi người VN đang xả thân cứu nước, thì chưa biết chúng ta đã có một đất nước thống nhất vào đúng ngày 30.4.1975 hay không. Những ai đã từng vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam những năm tháng ấy đều biết, âm nhạc cách mạng, bây giờ các thế hệ em cháu của họ hay gọi là "nhạc đỏ", thực sự đã là "món ăn tâm hồn" của người dân và người chiến sĩ như thế nào. Tôi còn nhớ, thời gian hành quân trên Trường Sơn, lính chúng tôi có "sáng kiến" là cứ đến mỗi trạm nghỉ lại thay nhau viết thư gửi về "Ban ca nhạc Đài TNVN" yêu cầu bài hát mình yêu thích. Vừa để thỏa mãn nhu cầu nghe nhạc của mình, vừa "tranh thủ" nhắn gửi với người thân, với gia đình, cả với người yêu ở ngoài Bắc là mình còn sống đây, đang hành quân trên Trường Sơn đây!

Nhịp cầu âm nhạc của chương trình "ca nhạc theo yêu cầu thính giả" lúc ấy đã cùng lúc làm nhiệm vụ kép: giới thiệu bài hát được nhiều người yêu thích, và làm "trạm nhắn tin" giữa tiền tuyến với hậu phương. "Đôi khi là một giọng nữ cao nghe từ Hà Nội", tôi đã có một câu thơ như vậy trong bài thơ "Thử nói về hạnh phúc" viết năm 1972 trong một cánh-rừng-B52 ở Nam Bộ. Đó là bài hát trong chương trình "ca nhạc theo yêu cầu thính giả" tôi nghe qua chiếc radio cũ, và "giọng nữ cao" là giọng hát của nữ ca sĩ Bích Liên mà có lẽ không người lính "Việt Cộng" nào không từng nghe và từng yêu thích suốt những năm tháng ấy.

Cuối năm 1972 đầu năm 1973, khi đang bám chiến trường ven lộ Bốn-Mỹ Tho, tôi đã khóc khi một sáng chủ nhật tình cờ được nghe ở chương trình ca nhạc mình yêu thích bài hát về "Điện Biên Phủ trên không" của nhạc sĩ Phạm Tuyên: "B52 tan xác rơi trên bầu trời/Hùng khí Thăng Long sáng lên ngời ngời...". Tôi khóc vì tự hào về Hà Nội, lại khóc vì cha mẹ tôi ở Hà Nội cũng phải đội bom B52 như đứa con lầm lũi đang ở chiến trường.

Trong chiến tranh, những bài hát, những giọng hát nhiều khi không chỉ đơn thuần là âm nhạc. Nó còn là thông tin, siêu thông tin của những trái tim xa cách mịt mờ gửi cho nhau.  

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.