Gần 4.000 năm trước, đảo Santorini có lẽ không khác gì mấy so với hiện tại, là khu ẩn cư tuyệt đẹp của những người Minoan giàu có và đầy quyền lực. Và lịch sử có thể chuẩn bị lặp lại một lần nữa, khi một bong bóng khổng lồ chứa đầy mắc ma đang phình to dần bên dưới hòn đảo ở Hy Lạp, chuẩn bị cho đợt phun đầu tiên từ năm 1950. Giới khoa học gia vừa cảnh báo về sự lớn dần của “bong bóng” trên bên dưới đảo Santorini, và nó mạnh đến nỗi có thể đủ sức đẩy hòn đảo phía trên lên thêm 14 cm trong vòng 14 tháng, từ tháng 1.2011 đến tháng 4.2012. Nó cũng kích hoạt một loạt các vụ động đất nhỏ, hoạt động địa chấn đầu tiên trong 25 năm qua ở khu vực này, làm dấy lên lo ngại rằng núi lửa khét tiếng sẽ quẫy mình thức giấc sau khi ngủ yên từ hơn 60 năm qua.
|
Hồ chứa đá tan chảy bên dưới núi lửa đã nở rộng từ 10 đến 20 triệu m3, tức gấp 15 lần kích thước của sân vận động Olympic ở London kể từ tháng 1.2011, theo kết quả khảo sát do nhóm chuyên gia của Đại học Oxford (Anh) dẫn đầu. Cuộc nghiên cứu trên được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu môi trường tự nhiên của xứ sở sương mù. Theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Geoscience, các chuyên gia đã dùng hình ảnh vệ tinh và hệ thống thu phát định vị toàn cầu (GPS) cực nhạy, có thể phát hiện chuyển động khoảng vài mi li mét trên bề mặt trái đất. Phát hiện này đã giúp giới khoa học gia hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động nội tại của núi lửa từng có đợt phun trào khủng khiếp cách đây 3.600 năm, chôn vùi đảo Santorini dưới hàng mét đá bọt.
Cuộc nghiên cứu được công bố sau một số báo cáo hồi đầu năm nay cho thấy sự tái diễn của hoạt động địa chấn bên dưới núi lửa. Tuy nhiên, chẳng ai biết được khi nào nó sẽ thực sự thức giấc. Santorini là hòn đảo nằm ở phía nam biển Aegean, cách đất liền khoảng 193 km về hướng đông nam. Nó là đảo lớn nhất của một nhóm đảo nhỏ hình tròn, cũng gọi là Santorini, tàn tích còn sót lại của một miệng siêu núi lửa. Đây là thủ phạm quét sạch nền văn minh Minoan, và có thể đã sản sinh ra huyền thoại của thành phố mất tích Atlantis. Khi núi lửa bùng nổ vào năm 1620 trước Công nguyên, nó tạo ra các cơn sóng thần cao 12 m đủ sức cuốn sạch nền văn minh đang đơm hoa kết trái ở Địa Trung Hải. Hầu hết phần đảo Santorini trước đây đã bị hủy hoại hoặc chìm xuống nước, tạo nên một cụm vòng đảo nhỏ hơn nằm lọt thỏm trong các đảo lớn của Hy Lạp tại vùng biển trên.
Theo dự đoán của các chuyên gia, họ hy vọng rằng nếu núi lửa một lần nữa hoạt động, nó sẽ không gây nên thảm cảnh như thời Minoan, do nhìn bề ngoài có vẻ như núi lửa hiện tại chỉ còn là “chú lùn” của quá khứ. Tuy nhiên, đâu ai biết được bên dưới thực sự là những gì.
Hạo Nhiên
>> Núi lửa San Cristobal phun hàng ngàn tấn tro lên bầu trời
>> Hàng ngàn người sơ tán do núi lửa
>> Núi lửa San Cristobal phun tro bụi, 3.000 người di tản
>> Phát hiện siêu núi lửa ở Hồng Kông
>> Núi lửa ở New Zealand "thức giấc" sau 115 năm
>> Siêu núi lửa nguy hiểm hơn vẫn tưởng
Bình luận (0)