Đêm 8.8 và rạng sáng 9.8, nhiều vụ cướp phá, hôi của và bạo động tiếp diễn ở nhiều khu vực đông dân nhập cư tại thủ đô London. Bất ổn cũng nổ ra ở thành phố Birmingham (miền trung), Liverpool (tây bắc) và Bristol (tây nam), theo tờ Le Figaro.
Tại khu ngoại ô Croydon phía nam London, một người bị bắn đã thiệt mạng sau khi được đưa vào bệnh viện. Nhiều tòa nhà bị đốt ở các khu Peckham, Lewisham phía nam London. Cùng lúc đó, nhiều cửa hàng, siêu thị ở những khu ngoại ô khác như Hackney, Clapham, Camden và Ealing bị các nhóm thanh niên cướp phá dữ dội. Tại Birmingham, cảnh sát đã bắt giữ 87 thanh niên đập bể kính nhiều cơ sở kinh doanh và hôi của ở khu vực trung tâm. Một trạm cảnh sát ở thành phố này đã bị đốt trụi. Các vụ bạo loạn, đốt xe cũng diễn ra tại Liverpool.
|
Tính đến rạng sáng 9.8, khoảng 1.700 cảnh sát đã được tăng cường để đối phó làn sóng bạo động tồi tệ nhất từ 20 năm qua ở London. Tờ The Guardian mô tả tình hình tại một số quận ở trung tâm và ngoại ô thủ đô Anh “vẫn còn rất hoảng loạn”. Giới chức Anh ước tính 3 đêm bạo động liên tiếp gây thiệt hại hơn 16 triệu USD. Đến hôm qua, tổng cộng 525 người đã bị bắt giữ, trong số đó có 3 người bị khởi tố với tội “mưu sát” vì cố ý đâm xe vào một cảnh sát.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, Thủ tướng Anh David Cameron phải rút ngắn kỳ nghỉ tại Ý để trở về London họp khẩn cấp với Bộ Nội vụ cùng các cơ quan an ninh. AFP dẫn lời ông Cameron tuyên bố “sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tái lập trật tự”. Theo đó, 16.000 cảnh sát sẽ được bổ sung để duy trì an ninh tại London và Quốc hội Anh cũng được triệu tập để mở phiên họp đặc biệt vào ngày 11.8 dù đang trong kỳ nghỉ thường niên. Một nguồn tin của BBC cho biết Chính phủ Anh vẫn chưa có kế hoạch điều động quân đội để vãn hồi tình hình.
Bạo động bùng nổ sau vụ một thanh niên bị cảnh sát bắn chết ngày 4.8. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân sâu xa của bất ổn. Tình trạng thất nghiệp gia tăng do khủng hoảng kinh tế khiến giới trẻ, đặc biệt tại những vùng nghèo nảy sinh tâm lý nổi loạn. Ngoài ra, các biện pháp cắt giảm ngân sách phần lớn nhằm trực tiếp vào chế độ phúc lợi xã hội cũng khiến người thu nhập thấp bất mãn.
Tình hình người Việt tại London Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại ngày 9.8, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại London cho hay vẫn chưa ghi nhận trường hợp người Việt bị thương do bạo động nhưng có một cửa hàng Việt Nam ở phố Mare Street thuộc khu Hackney bị đập phá. Đại sứ quán khuyến cáo người Việt tránh những nơi đông người để đảm bảo an toàn và nhanh chóng thông báo nếu gặp khó khăn để được hỗ trợ kịp thời. Bạn Phan Đăng Phước Duy, sinh viên trường London College of Communication kể với Thanh Niên: “Bạo động từ ngoại ô phía bắc đã lan đến nhiều quận trung tâm và các khu khác của London. Phần lớn những kẻ gây rối đều còn rất trẻ”. Phước Duy sống ở phía nam thủ đô nhưng may mắn quanh nhà bạn không có nhiều cơ sở kinh doanh nên không xảy ra cướp phá. |
Lan Chi
Bình luận (0)