Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Palestine - Ảnh: Reuters |
Dự luật định nghĩa Israel là “Nhà nước quốc gia của dân tộc Do Thái”. Thực chất, từ năm 1947, LHQ đã đề cập Israel theo định nghĩa là “Nhà nước Do Thái” và khi tuyên bố độc lập năm 1948, Israel cũng tự xác nhận điều này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì dự luật mới sẽ dẫn đến phân biệt đối xử giữa người Do Thái với người Ả Rập ở Israel và ngăn cản sự hồi hương của hàng triệu người Palestine từng sinh sống trong lãnh thổ Israel nhưng phải tị nạn ở bên ngoài do chiến tranh ở Trung Đông.
Sự hồi hương và quy chế pháp lý cho những người tị nạn này là một trong những vấn đề nan giải nhất trên bàn hòa đàm giữa Israel và Palestine. Nếu dự luật được quốc hội Israel thông qua thì tiến trình hòa bình sẽ còn trắc trở hơn, thù hận và bạo lực sẽ tiếp tục gia tăng, an ninh của Israel sẽ bị đe dọa còn mạnh hơn.
Cả viễn cảnh này cũng hiện diện trong suy tính của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Dự luật giúp ông tranh thủ những lực lượng cánh hữu và cực hữu, đẩy phe ôn hòa trong liên minh cầm quyền vào tình thế tự phải rời bỏ liên minh và tạo điều kiện cho ông tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn và gạt họ ra khỏi liên minh chính phủ mới.
Còn nếu quốc hội Israel bị phân hóa vì dự luật này thì ông Netanyahu sẽ đứng ra đóng vai trò chữa cháy. Xem ra, bước đi này rất tinh vi nhưng không kém phần mạo hiểm.
Thảo Nguyên
>> Israel cảnh báo Pháp thừa nhận Palestine là sai lầm nghiêm trọng
>> Israel đáp trả các vụ tấn công khủng bố của người Palestine
>> Israel nhắc Mỹ: 'Iran là kẻ thù
>> Người Israel đổ xô mua vũ khí phòng thân
Bình luận (0)