Hơn 2.500 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non hợp đồng ở Thừa Thiên-Huế đang “gồng mình” vượt qua bão giá với đồng lương chỉ vỏn vẹn trên dưới 1 triệu đồng/tháng.
Mỏi mòn với nghề
Vào ngành từ năm 1981, cô giáo Hoàng Thị Lành và cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh (Trường mầm non xã Quảng Thọ, H.Quảng Điền) vẫn là cô giáo hợp đồng. 29 năm công tác phấn đấu cũng là chừng ấy thời gian mỏi mòn hy vọng được vào biên chế. “Đợt xét biên chế năm ngoái (tức năm 2010 - PV), với tấm bằng cao đẳng vừa hoàn thành, và với thâm niên công tác lâu năm, tôi cứ nghĩ mình sẽ được vào biên chế. Thế nhưng, khi xem hồ sơ của tôi, họ lại bảo không được vì tôi đã quá 1 tuổi. Bao nhiêu hy vọng sụp đổ, tôi giống như một người không hồn không vía, suốt ngày chìm trong nước mắt khóc cho cái nghề nghiệt ngã mà mình đã theo đuổi gần 30 năm qua” - cô Hoàng Thị Lành tâm sự.
|
Trường hợp như cô Lành, cô Oanh... không phải là cá biệt. Thực tế, với mức lương 830 ngàn đồng nhà nước hỗ trợ cho giáo viên mầm non hợp đồng hiện nay, cộng với các khoản hỗ trợ thêm từ phụ huynh, tổng mức thu nhập của các cô chỉ đạt trên dưới 1 triệu đồng/tháng. “Với mức lương chừng ấy, dè xẻn lắm chúng tôi mới có thể đi chợ được khoảng 15 ngày. Mà cuộc sống này đâu chỉ có tiền chợ, nên nỗi lo cơm áo gạo tiền cứ thế quấn lấy chúng tôi. Thành ra, mỗi lần ai nhắc tới chuyện lương tiền, chuyện xét vào biên chế là chúng tôi lại thấy chạnh lòng” - cô Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ.
Vì lương thấp nên kinh tế gia đình của đa phần giáo viên mầm non đều rất khó khăn, luôn trong cảnh phải “vay trước, trả sau”. Đã có lúc, họ tưởng chừng từ bỏ nghề này để tìm lấy một công việc khác với nguồn thu nhập cao hơn để lo cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng, chính vì lòng yêu nghề mến trẻ, coi trẻ như con, trường như nhà nên các cô đều chấp nhận và vượt qua. “Cái số mình sinh ra đã gắn với nghề này, nên dù biết vất vả, thiếu trước hụt sau mà vẫn không thể nào bỏ nghề được. Lo lắng nhất của giáo viên hợp đồng chúng tôi là liệu khi đến tuổi nghỉ hưu mà vẫn chưa đóng đủ bảo hiểm thì không biết có nhận được chế độ gì không. Cả đời mình cống hiến cho nghề, rồi đến khi nghỉ hưu mà không có chế độ gì thì xót xa lắm”, cô Hoàng Thị Lành cho biết.
Cần quyết sách nhân văn
Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, toàn tỉnh hiện có 4.180 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của ngành học mầm non; trong đó có 1.641 người trong biên chế, chiếm tỉ lệ 39,26% và 2.539 người hợp đồng, chiếm tỉ lệ 60,74%. Thu nhập của những giáo viên trong biên chế và hợp đồng chênh lệch khá lớn (3.138.000 đồng/tháng đối với biên chế; lương hợp đồng là 1.012.000 đồng/tháng, chênh lệch lên tới 2.126.000 đồng/tháng). Thấy được những khó khăn bất cập ấy của các giáo viên mần non hợp đồng, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trong nhiệm kỳ này đã chỉ đạo quyết liệt Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT tỉnh nhanh chóng lập đề án chuyển đổi loại hình trường và biên chế cho giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch trường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: “Lãnh đạo tỉnh rất trăn trở với những khó khăn mà các giáo viên mầm non diện hợp đồng hiện nay đang phải gặp phải. Vì vậy, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT nhanh chóng hoàn thành đề án để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp tới”.
Mục tiêu của đề án là tăng cường đội ngũ giáo viên trong biên chế cho các trường, vừa cải thiện chế độ tiền lương cho các cô, đồng thời cũng là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, góp phần thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015. Nếu đề án này được HĐND tỉnh thông qua, dự kiến sẽ có hơn 2.500 chỉ tiêu biên chế được bổ sung, tương ứng với khoảng chừng đó cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên bậc học mầm non được đổi ngạch từ hợp đồng sang biên chế.
Mặc dù đề án được thông qua thì gánh nặng ngân sách của tỉnh sẽ rất lớn, nhưng với một quyết sách nhân văn như vậy, hy vọng HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ đồng thuận trong kỳ họp diễn ra vào tháng 12 tới.
Hỗ trợ Theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng có hiệu lực từ ngày 15.12.2011, giáo viên (gồm cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập được nhà nước hỗ trợ ngân sách để các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non, được nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác... Trước đó, tại Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố cùng với ngành GD-ĐT đã sớm triển khai chế độ hỗ trợ cho giáo viên mầm non dạy hợp đồng nhiều năm nay. Theo bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó giám đốc sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, đến năm 2011 này, toàn thể giáo viên mầm non dạy hợp đồng ở các trường trên địa bàn TP, đã được trả lương ngang bằng với giáo viên biên chế, và được hưởng tất cả các chế độ phụ cấp như giáo viên biên chế. Số tiền hỗ trợ này được trích từ ngân sách của địa phương, để hỗ trợ, bù lương, với mong muốn tạo điều kiện cho các giáo viên mầm non khắc phục khó khăn, yên tâm công tác. Diệu Hiền |
Bùi Ngọc Long - Minh Phương
Bình luận (0)