Lao đao vì 2 năm 2 đợt dịch
Bà Phạm Thị Năm (68 tuổi, thôn Đồng Rồi, xã Ngũ Đoan, H.Kiến Thụy, Hải Phòng) rất xót xa khi cả đàn lợn giống đến kỳ xuất chuồng bị mắc dịch lợn tả châu Phi lăn ra chết. Đây là lần thứ 2 trong 2 năm liên tiếp, gia đình bà gánh chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh nguy hiểm này.
Bà Năm cho biết, năm 2023, dịch tả lợn châu Phi càn quét qua địa bàn xã, khiến nhiều hộ gia đình nuôi lâm cảnh khốn đốn. Có hộ thiệt hại hàng trăm triệu đồng, gia đình bà mất trắng trên dưới 100 triệu đồng.
Dịch qua, các gia đình nhận tiền hỗ trợ của nhà nước, thành phố rồi bắt đầu khởi động lại việc chăn nuôi. Chưa được 1 năm thì dịch lại xuất hiện, càn quét qua nhiều trại chăn nuôi lợn.
Năm 2024, gia đình bà không nuôi lợn thịt mà nuôi 2 con lợn sề để bán giống. Một con lợn sề đẻ được lứa đầu tiên 10 con. Cả đàn lợn con đến kỳ xuất bán và thương lái đã xuống hỏi mua, trả giá 1,3 triệu đồng/con, rồi hoãn mua do dịch tả lợn châu Phi ập đến. Con lợn sề thứ 2 của gia đình bà Năm cũng chuẩn bị đến ngày, đến tháng sinh đàn lợn con.
"Nhanh quá, chỉ trong vài ngày, chúng lăn ra chết hết… Hai năm 2 lần đại dịch càn quét thì còn sức đâu người nông dân nhiệt huyết chăn nuôi nữa?", bà Năm ngậm ngùi nói rồi đưa tay lau những giọt nước mắt.
Rồi cũng chỉ 1 - 2 ngày sau, con lợn sề thứ 2 cùng đàn lợn con có triệu chứng tương tự, bà Năm cùng chồng là ông Vũ Hữu Hải hốt hoảng gọi cán bộ thú y xã tới kiểm tra, tìm cách chữa trị nhưng đành bất lực vì lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi.
Về nguyên nhân lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, bà Năm và các hộ chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề, đang chờ cơ quan chức năng địa phương của TP.Hải Phòng kết luận. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi lợn ở xã Ngũ Đoan cho rằng, nhiều khả năng từ nguồn nước, vì gần đầu nguồn nước - nhánh sông Đa Độ, nơi giáp ranh giữa xã Thanh Sơn và xã Ngũ Lão (H.Kiến Thụy) trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, thi thoảng người dân phát hiện xác lợn chết và nội tạng lợn.
Trong khi đó, nhánh sông Đa Độ là nguồn cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời là nguồn nước được các hộ chăn nuôi lợn lấy nước vào ao nuôi cá, tắm rửa cho đàn lợn.
Khẩn cấp dập dịch
Theo cơ quan chức năng, tính đến ngày 7.6, trên địa bàn xã Ngũ Đoan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng ghi nhận dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 4/6 thôn, 9/99 hộ có lợn bị dịch, tổng cộng hơn 2 tấn lợn được đưa đi tiêu hủy.
Ổ dịch xuất hiện đầu tiên tại trại lợn của gia đình bà Vũ Thị Bông (thôn Đồng Rồi) vào ngày 5.5, khiến đàn lợn 15 con có biểu hiện sốt, bỏ ăn, táo bón, phát ban đỏ rồi chết rải rác. Sau đó, dịch lây lan và xuất hiện tại trại lợn của các hộ chăn nuôi khác với các triệu chứng tương tự.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã này thực hiện khử trùng tiêu độc khu vực xung quanh ổ dịch và đào hố chôn hủy đúng quy định; tổ chức thường trực tại chốt kiểm dịch ra vào các thôn xuất hiện ổ dịch. Đồng thời, thực hiện thống kê đàn lợn nuôi và tổ chức giám sát chặt chẽ đàn lợn tới tận các hộ chăn nuôi cũng như triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng vừa chỉ đạo Sở NN-PTNT và chính quyền các địa phương chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch; đồng thời yêu cầu tập trung giám sát dịch đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ lợn, chợ buôn bán thực phẩm có nguồn gốc từ lợn trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh, chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy lợn ốm, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ phát tán dịch bệnh…
Đối với các hoạt động vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn, các địa phương thực hiện chặt chẽ, căn cứ diễn biến dịch bệnh, xem xét thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các bến phà, bến đò, đầu mối giao thông tiếp giáp với các địa phương đang có dịch, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn. Các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm.
Bình luận (0)