Nước mắt người nuôi bò

07/01/2006 23:05 GMT+7

Chỉ chưa đầy 2 tháng 11 và 12/2005, giá rét, ngập úng và tình trạng thiếu cỏ đã “khai tử” hơn 4.900 con bò của người dân ở các địa phương trong tỉnh Phú Yên. Hàng ngàn hộ chăn nuôi bỗng chốc lâm vào cảnh “bại sản”. Thậm chí có người quá xót của và tuyệt vọng cứ đòi... chết theo đàn bò của mình.

Đại họa

Đến Phú Yên trong những ngày cuối năm, trong khi khắp nơi đang rậm rịch chuẩn bị đón năm mới thì ở đây, một không khí buồn bã đang bao trùm khắp các làng quê. Mặc dù cái lạnh cuối đông vẫn còn se se nhưng Phú Yên lại đang "nóng" chuyện bò chết như ngả rạ.

Mặc dù thảm họa bò chết xảy ra đã khá lâu rồi nhưng đến nay dư âm của nó vẫn chưa chịu lắng lại. Con số thống kê số lượng bò chết tại cơ quan chức năng vẫn "liên tục phát triển". Nếu như vào ngày 26/12, số bò chết ở Phú Yên chỉ mới gần 4.000 con thì 2 hôm sau (ngày 28/12), con số này đã tăng vọt đến hơn 4.900 con. Không một địa phương nào là không có bò chết nhưng chịu thiệt hại nặng nề nhất là các huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An và Sông Cầu.

Thế nhưng con số "tử vong" của bò sẽ chưa dừng lại ở đó vì theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, đó chỉ mới là con số thống kê trong các hộ chăn nuôi gia đình chứ chưa có con số thống kê của các trang trại chăn nuôi bò trên toàn tỉnh. Bà Hà Thị Sương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết: "Huyện có số bò chết cao nhất là Sông Hinh với 3.000 con. Tiếp đến là huyện Sơn Hòa: 1.160 con; Tuy An: 308 con và huyện Sông Cầu: gần 100 con". Chiếm đa số trong đàn bò chết là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn miền núi. Tại các địa phương này, hầu hết các hộ chăn nuôi bò đều theo phương thức nuôi quảng canh. Bò được thả rông tự kiếm ăn ở những cánh rừng và những đồng cỏ tự nhiên. Thậm chí có hộ còn cho bò "định cư" luôn tại bãi chăn. Sáng thả bò đi ăn, chiều lùa về tập trung trong những cái rông được làm sơ sài chẳng che chắn gì. Đến mùa bão lũ thì "di dời" chúng lên những vùng đất cao.

Năm nay thời tiết quá bất thường nên không ai ngờ là sẽ có mưa muộn và kéo dài nên bà con chủ quan cứ chăn thả bò tại các vùng trũng sâu. Khi mưa lớn xảy ra, nước từ các con suối tuôn xuống gây lũ rất nhanh làm ngập các bãi chăn thả và các đồng cỏ. Đàn bò không còn gì ăn, lại phải chịu ngâm bụng dưới nước, dang lưng ngoài mưa trong suốt nhiều ngày giữa cái đói và rét.

Nước mắt tuôn rơi

Sáng 29/12, tôi đi dọc 70km tỉnh lộ 645 đến huyện Sông Hinh. Đây là huyện miền núi xa nhất tỉnh với hơn 80% dân số là người đồng bào các dân tộc thiểu số. Và đây là địa phương có tổng đàn bò lên đến hơn 43.000 con. Số hộ nuôi từ 20 con đến 70 con chiếm đến 30% trong tổng số hộ nuôi, có hộ nuôi đến 150 con (hộ ông Ma Bay ở Buôn Ly). Và tại huyện này có một xã hầu như đã bị "xóa trắng" đàn bò là xã Sông Hinh (3.000 con).

Anh Ma Rái - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Sông Hinh cho biết: "Xã Sông Hinh là địa bàn xa nhất của huyện Sông Hinh và là nơi có nhiều hộ nuôi bò nhất huyện. Vào mùa khô, nước của Thủy điện sông Hinh khô, bà con lùa toàn bộ bò qua bên kia sông chăn thả, chỗ "trọ" của lũ bò chủ yếu là những tàn cây to chứ không chuồng trại gì nên khi mưa lũ kéo về lũ bò đành "bó chân" tại chỗ chịu đựng mưa, lạnh. Đồng cỏ thì bị ngập nước nên không có gì để gặm. Vì vậy đàn bò ở đây hầu như bị "tiêu" hết!".

Dù có mong muốn đến với vùng đất "nóng" ấy đến mấy tôi cũng chẳng thể bắt chiếc xe honda "cà tàng" chiều theo ý mình vì con đường đến đó vẫn còn bị chia cắt do mưa lũ tàn phá. Xã Sông Hinh vẫn trong tình trạng "ngoại bất nhập, nội bất xuất". May sao, tôi được những người có trách nhiệm ở đây hứa sẽ đưa tôi đến những nơi không kém phần "nóng bỏng" là Buôn Diêm và Buôn Bách.

Ở Buôn Diêm có 615 con bò chết và Buôn Bách có 147 con. Mặc dù là những địa phương nằm "sát nách" với thị trấn Hai Riêng nhưng để sang được bên ấy, tôi đã phải đi trên một "con thuyền" được làm bằng 4 cái thùng phuy rỗng nằm trong một cái rọ sắt, bên trên lát ván rộng khoảng 1,5m2. Hai bên bờ sông Ea bia (nối thị trấn Hai Riêng với Buôn Diêm) có 2 thanh niên giữ 2 sợi dây thừng loại lớn. Và họ chính là "động cơ" đưa "con thuyền" qua, lại.

Sau gần 10 phút vượt sông Ea Bia, tôi thả bộ trên con đường bê tông dẫn vào Buôn Diêm. Đi cạnh tôi, anh Ma Rái nói với vẻ buồn buồn: "Trước đây, trên con đường này, cứ mỗi sáng sớm và mỗi chiều tối (thời điểm thả bò đi ăn và chăn bò về nhà) là con người chẳng thể chen chân được với lũ bò. Hầu hết đồng bào chúng tôi xem bò là tài sản "hộ thân". Có hộ cứ chịu sống kham khổ chứ không chịu bán bò mua sắm những vật dụng tiện nghi vì... tiếc! Vì vậy từ ngày giải phóng đến giờ, bò ông đẻ bò cha, bò cha đẻ bò con... cứ như vậy mà nhà nào cũng nhiều bò lắm. Nhưng nay thì chắc là không còn như thế nữa rồi".

Có lẽ là không còn như thế thật, vì lũ bò ở Buôn Diêm đã bị mưa lạnh "cướp" sạch. Hai bên con đường, dưới những ngôi nhà sàn mà những tấm ván vách còn ẩm nước xuất hiện lác đác vài con bò gầy trơ xương đang đứng liêu xiêu "nhá" những sợi rơm khô. Ma Rái đưa tôi đến nhà Ma Quyn. Hết bò, Ma Quyn đã vào rẫy bắp xem mưa lũ còn chừa lại gì để thu hoạch "mót" mang về cho gia đình... ăn tết. Con gái Ma Quyn, cô Hơ Rum than thở: "Nhà tôi nuôi được 30 con bò. Đó là toàn bộ tài sản dành dụm được từ mấy chục năm nay của gia đình tôi. Bây giờ đã chết mất 22 con, 8 con còn lại cũng đã kiệt sức không biết có sống nổi không. Làm mùa có bắp, có lúa nhiều nhưng gia đình 11 nhân khẩu chúng tôi luôn phải nhịn ăn để mua bò về tăng đàn, để dành cho lúc ốm đau, cho lũ em học hành... Bây giờ coi như là không còn gì, nếu bò sống thì bán được đến từ 4 đến 8 triệu đồng/con, nhưng khi chết thì chỉ bán được có vài chục ngàn đồng/con. Ba tôi tiếc bò lắm nên cứ đòi chết theo bò".

Cô Hơ Rum ở Buôn Diêm, thị trấn Hai Riêng đang than thở với ông Ma Rái - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Sông Hinh. Ảnh: V.Đ.T

Lời than thở của người láng giềng nhà Ma Quyn, bà Don Doanh (75 tuổi) nghe còn đẫm nước mắt hơn: "Thằng con tôi là Ma Doanh nuôi được 70 con bò. Nó không dám bán để tiêu mà "dành dụm" bò để đổi máy cày, máy cắt. Nhưng giờ đã chết mất 50 con. Từ có trong tay vài trăm triệu giờ chỉ cầm được vài trăm ngàn đồng!". Vừa kể lể, Don Doanh vừa dắt chúng tôi xuống phía dưới nhà sàn, chỉ tay vào một con bò đang nằm rũ dưới đất nói: "Con này cũng sắp chết nữa rồi, không biết chiều nay thằng Ma Doanh có "vác" con nào về nữa không...".

Đến 19h tối ngày 29/12, trên đường từ Sông Hinh về TP Tuy Hòa, dọc hai bên tỉnh lộ 645, tôi vẫn còn thấy nhiều hộ gia đình thắp đèn mổ thịt bò chết. Được biết, ngành chức năng ở Phú Yên đang khắc phục bằng cách tổ chức về những vùng có bò chết để truyền đạt cho bà con cách tận dụng những quả bắp bị ngập lũ đã lên mộng và dùng tảng liếm (thức ăn tinh) làm thực phẩm cho những con bò còn sống sót khi những đồng cỏ tự nhiên còn chưa "hồi sinh", đồng thời hỗ trợ tấm bạt cho họ che chắn chuồng bò. Thế nhưng chuyện "nước đến chân mới nhảy" này chỉ có thể giúp hạn chế phần nào thiệt hại quá lớn của hàng trăm người nông dân nơi đây.

Không chỉ thiệt hại về tài sản, có người nuôi bò ở đây còn bị thiệt mạng. Ở huyện Sông Hinh có 3 người chết trong đợt mưa lũ vừa qua mà nguyên nhân dẫn đến cái chết cũng chính vì... bò! Đầu mùa mưa, ông Cha Kip và con là Y Đới ở xã Sông Hinh đi kiểm tra bò, trên đường về bị nước lũ cuốn trôi. Tiếp đến, vào ngày 11/12, ông Ma Rung ở xã EaBia cũng bị nước lũ nhấn chìm trên đường đi thăm đàn bò ở núi Hòn Đen trở về, mãi đến 15 ngày sau, người làng và gia đình mới tìm thấy xác...

Vũ Đình Thung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.