(TNO) Sáng ngày 8.11, trong buổi tọa đàm về nghề giáo (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức tại Hội trường TP.HCM), nhiều giáo viên đã lặng lẽ khóc...
Chủ đề của buổi tọa đàm là “Người thầy - Nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo”. Đã có lúc, buổi tọa đàm giữa các giáo viên ấy trở nên trầm lắng với tiếng khóc sụt sùi rất nhẹ của ai đó. Mà thực ra, nếu nghe những câu chuyện cảm động có thật ấy, không thể không khóc...
Vay tiền cho trò đi học
Anh Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi, TP.HCM) đến bây giờ vẫn nhớ mãi hình ảnh cô giáo thời tiểu học đã giúp anh được đến trường, được học hành như bạn bè trang lứa, dù bản thân cô giáo ấy cũng gặp không ít khó khăn.
|
Ngày ấy, đứa trẻ lớp 4 nằm ở nhà khóc sưng mắt vì mẹ bệnh, chị thất nghiệp, nhà nghèo không có cơm ăn cả tuần lễ và không thể đến trường. Đang lúc ấy, người bạn học cùng lớp cũ chạy đến nhà nói lớn: “Cô Hằng kêu bạn đi học đi, cô giúp cho”.
Sáng thứ hai, tuần đầu tiên của năm học mới, câu bé ấy đến Trường tiểu học Trung Lập Hạ với chiếc quần đùi, áo vá lưng, trên vai là chiếc cặp vỏn vẹn vài viên phấn (phần thưởng cuối lớp 3), không sách vở, không bút viết.
Cô chủ nhiệm Trần Thị Hằng đón nhận cậu bé như đứa con của mình. Cô dẫn sang quầy bán dụng cụ học tập trong trường tặng tập, bút và các vật dụng học tập. Một điều đặc biệt là khi mua, cô phải mua thiếu vì bản thân cô cũng không có đủ tiền để trả ngay lúc đó.
Sau này, cô Hằng vẫn mượn sách giáo khoa cho cậu học trò ấy, đóng học phí và các khoản tiền trong năm học...
Anh Cải cố ngăn dòng nước mắt, kể tiếp: “Thời ấy, cô vừa đi dạy một buổi, buổi còn lại đi làm thuê mà vẫn không đủ nuôi cả gia đình. Vậy mà, trong lúc khó khăn vất vả nhất, cô lại mở rộng vòng tay bằng tình thương và trách nhiệm để sẻ chia, nâng bước tôi đến trường”.
Nghe anh Cải kể đến đây, cả hội trường như lắng lại, nhiều giáo viên rút khăn tay lau nước mắt.
|
Làm sao qua khỏi “Cơm áo, gạo tiền”?
Ngày nay, tưởng cái nghèo với nghề giáo đã qua đi, nhưng cảnh giáo viên vất vả “chạy bữa” từng ngày để lo cho cuộc sống vẫn tồn tại
NGND-GS Trần Thanh Đạm và NSƯT Châu An lại nói về thời gian làm việc của một giáo viên mầm non dạy ở TP.HCM. Sáng 6 giờ 30 đến lớp, suốt hai buổi phải đứng lớp, trừ bữa trưa và ngủ trưa, dạy hát, múa, hướng dẫn trò chơi. Trưa cô thức chăm sóc các em ngủ. 14 giờ cô dậy, cho các em ăn nhẹ rồi tiếp tục giờ lên lớp. Đến 18 giờ, cha mẹ mới đến đón hết các con về nhà. Mỗi ngày làm việc của cô là 12 giờ nhưng tiền lương là 85% lương trong 6 tháng đầu, khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.
Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng kể câu chuyện về người giáo viên đã phải nghĩ đến việc dạy một buổi, ra chợ một buổi để bán hành tỏi; có người tính buổi tối xin đi làm nghề phục vụ nhà hàng hoặc “chuyển địa bàn” để chạy xe ôm; có người nhận làm gia sư chuyên dò bài cho học sinh…
|
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM, ngày nay, vấn đề lương bổng, thu nhập của nghề giáo đang được xã hội đem ra để bàn luận và tính toán. Một bộ phận trong giới trẻ không lựa chọn nghề giáo nói riêng và những nghề có đồng lương thấp để làm phương tiện lập nghiệp, lập thân bởi với họ, sự giàu có luôn là nỗi ám ảnh lớn trong cuộc sống.
Với nhịp sống đòi hỏi cao chuyện “cơm áo gạo tiền”, đồng tiền nhiều lúc được xem như là thước đo thành công, vai trò và hình ảnh người thầy bắt đầu có dấu hiệu bị xem nhẹ.
Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng nhận xét: “Do phải sống mẫu mực, mô phạm để làm gương nên nhà giáo chân chính luôn vượt lên chính mình để sống “đói cho sạch, rách cho thơm”".
Khi khẳng định lại một lần nữa lựa chọn nghề giáo của mình, anh Nguyễn Văn Cải chia sẻ: “Nếu được chọn lại nghề nghiệp, tôi vẫn chọn nghề giáo vì ở đó tôi có những người thầy, đồng nghiệp tận tụy với nghề bằng tất cả tình thương và trách nhiệm; vì ở đó, tôi có thể sẻ chia trọn vẹn nhất với học trò của mình; vì ở đó đầy ắp tình yêu thương”.
Đó có lẽ cũng là lí do nhiều giáo viên, dù sống vất vả với đồng lương nhưng vẫn gắn bó với nghề như lời PGS-TS. Nguyễn Tấn Phát: “Một người bình thường nếu bước vào nghề chỉ vì một sự toan tính nhỏ nhen, không thật tâm muốn khám phá và cống hiến cho vẻ đẹp của nghề mình chọn thì không bao giờ biết tin, biết yêu và biết có trách nhiệm với nó. Điều ấy lại càng đúng với ngành sư phạm”.
Lương giáo viên thấp nhất Theo bảng thiết kế lương do tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng tổng hợp từ nhiều nguồn cho thấy lương giáo viên từ tiểu học đến THPT từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, quá nửa số giáo viên lãnh dưới mức này. Trong khi lương các ngành nghề khác ở doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, theo Báo cáo của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội năm 2011, tối thiểu là 3,9 triệu đồng. Theo Nghị định 204 của Chính phủ ban hành ngày 20.12.2004 thì lương lái xe cơ quan, nhân viên đánh máy cao hơn lương giáo viên mầm non. |
Xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, dạy nghề (Ban Tuyên giáo trung ương): Để phát triển đội ngũ nhà giáo, cần xây dựng và hoàn thiện một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ nhà giáo; Xây dựng chế độ lương và phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo đúng với tính chất đặc thù lao động của họ... Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút đội ngũ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, sinh viên các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao làm giáo viên ĐH, CĐ; xây dựng chính sách thu hút cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy trong các cơ sở đào tạo của Việt Nam. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ nghiên cứu để có các chính sách hợp lý nhằm cải thiện rõ rệt đời sống cho đội ngũ giáo viên của ngành như: hỗ trợ nhà công vụ, hỗ trợ giáo viên mua nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, kiến nghị trung ương có chính sách trợ cấp “đắt đỏ” cho giáo viên công tác tại các thành phố lớn. |
Bài, ảnh: Hoàng Quyên
>> Giáo viên nghề “chạy bữa”
>> Dự báo nhu cầu giáo viên trong tương lai
>> Giáo viên hoang mang vì luân chuyển
>> Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học thi tài
>> Huế tuyển 250 giáo viên và nhân viên giáo dục
>> Để giáo viên sống được với nghề
Bình luận (0)