Nước mắt Păk Kú
Anh Lê Văn Hà, người chăm sóc cho voi, đau lòng đếm từng nhát chém trên cơ thể Păk Kú như để kể tội ác của bọn trộm voi.
Theo quan sát, đầu Păk Kú bị chém 12 nhát, hai chân sau bảy nhát lòi cả xương, mông trái bị chém rơi cả mảng thịt to, khắp vùng bụng và lưng chi chít những nhát chém sâu 3-4cm. Mắt phải voi cũng bị mù.
Đêm đó anh Hà dắt voi buộc ngoài rừng (cách nhà khoảng 1,5km) để voi ăn. Sáng hôm sau khi vào khu buộc voi thì thấy máu chảy đầy nền đất, dây xích bị đứt...
Tại hiện trường nhiều can nhựa, vỏ nhựa còn bốc mùi xăng, theo phán đoán của những người bản địa, bọn trộm đã lợi dụng đặc tính sợ lửa của voi để ra tay. Chúng dụ voi đi vòng thân cây để bị dây xích siết chặt khiến voi không thể chống trả, dùng xăng tẩm lên người voi đốt cho mềm da rồi chém tới tấp nhằm giết voi cưa ngà.
Bảo tồn voi ở Thái Lan Viện Voi quốc gia Thái Lan thành lập năm 2002 với mục tiêu chính là bảo tồn voi theo hướng bền vững và duy trì tín ngưỡng địa phương cho các thế hệ tương lai. Viện mở trường huấn luyện voi và quản tượng, trung tâm đào tạo nghiệp vụ thú y cho voi, bệnh viện voi, ngân hàng tinh trùng voi và phòng khám lưu động cho voi... Voi được tạo điều kiện tối đa phóng thả vào tự nhiên. Viện Voi quốc gia có chương trình hỗ trợ những người nuôi voi cá nhân. Voi con mới sinh cho đến bốn tuổi sẽ được khoản hỗ trợ 30.000 baht/năm, voi từ bốn tuổi trở lên hoặc mang bệnh tật sẽ được hỗ trợ 60.000 baht/năm. Khoản hỗ trợ này sẽ được cấp theo từng đợt hoặc một lần |
Theo công an địa phương, đây là lần thứ hai voi Păk Kú bị “đạo chích” truy sát. Trước đó không lâu, Păk Kú đã bị một toán trộm voi bao vây và dùng chích điện gí chết để cưa ngà nhưng voi đã trốn thoát và bọn trộm bị bắt.
Khi chúng tôi tiếp cận chú voi tội nghiệp này để ghi hình, voi đã chảy nước mắt. Dù năm ngày trôi qua nhưng Păk Kú vẫn rất sợ hãi và cảnh giác với con người. Người quản tượng cho biết: “Kể từ lúc bị chém voi ăn được rất ít, đêm không còn dám nằm xuống ngủ. Giờ voi đang được chữa trị bằng các loại thuốc từ cây rừng của bà con dân tộc và đuổi ruồi bu”.
Ông Nguyễn Trụ (giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn) - chủ của voi Păk Kú - nói: “Tôi không ngờ bọn trộm ra tay một cách ác độc, bất nhân như thế với Păk Kú. Tôi đoán sau lưng bọn trộm này có kẻ đặt hàng cặp ngà của voi Păk Kú...”.
Không riêng gì Păk Kú mà nhiều chú voi nhà khác cũng đã và đang bị truy sát dã man.
Cuộc chiến với “đạo chích” voi
Anh Đàn Năng Long, người có nhiều voi nhất huyện Lắk, tỏ ra chán nản và buồn bã khi nhìn vào đàn voi nhà bị cụt đuôi và gầy gò.
Anh nói: “Giờ chúng tôi không còn dám thả voi vào rừng ăn dẫu biết điều đó sẽ làm đàn voi chết dần, vì chỉ có vào rừng voi mới tự kiếm được đủ chủng loại thức ăn, cây thuốc. Nhưng giờ thả voi vào rừng thì bọn trộm voi sẽ không tha nên chúng tôi cột voi gần nhà rồi đêm đi canh. Có nhà còn phải dùng kéo cắt ngắn lông đuôi voi để tránh kẻ trộm nhổ”.
Gia đình anh Long có bảy con voi thì ba con đã bị chặt cụt đuôi, một con bị chém bể ngà.
Ở huyện Lắk có tới chục voi nhà bị chặt trộm đuôi lấy lông: voi Bắc Lăn của nhà Y Phong, voi của nhà H’ang Rơ Dam... Những con voi bị chặt đứt đuôi đều gầy gò, ốm yếu hơn những voi khác. Chủ voi Y Phong cho biết: “Sau khi bị chặt đuôi voi xuống sức rất nhanh, vì đuôi liền với cột sống giúp voi xua đuổi côn trùng. Những con voi bị cụt đuôi sẽ giảm tuổi thọ 15-20 năm”.
Chúng tôi đi vào buôn Jun, nơi những chú voi nhà của Đàn Năng Long, Y Phong, H’ang Rơ Dam... đang chở khách du lịch.
Trong cơn mưa chiều tầm tã và lạnh buốt, những chú voi đang ì ạch di chuyển. Trên lưng voi là ba người khách Tây to lớn con. Nhiều chú voi sau một ngày cõng khách mệt nhọc đứng giữa đám ruộng đầy mưa gió. Nhìn hình ảnh đó tôi lại nhớ đến con voi nhà có tên H’Tum, mới 25 tuổi nhưng đã bị chết tại khu du lịch sinh thái Buôn Đôn vì kiệt sức...
Ông Đàn Năng Long nói: “Trước giờ chuyện bảo tồn voi của chúng ta chỉ dừng lại ở sách vở, giấy tờ. Tôi là chủ hộ kinh doanh voi du lịch nhưng cũng là người yêu voi. Để bảo tồn đàn voi nhà Đắk Lắk tôi luôn sẵn sàng, tôi nghĩ trong chuyện này tư nhân không làm nổi nhưng đối với chiến lược của một quốc gia thì không có gì khó”.
Hiện nay đàn voi nhà ở Đắk Lắk chỉ còn khoảng 50 con, những con trẻ nhất đã 20 tuổi. Riêng ở huyện Lắk còn khoảng 23 con tập trung ở Yang Tao, Đắc Ly, Liên Sơn, trong đó voi ở độ tuổi sinh sản khoảng sáu con.
Ngày 4-10-2010 Công an Đắk Lắk khởi tố vụ án và bắt tạm giam bốn đối tượng liên quan đến vụ trộm, chặt đuôi voi nhà: Lê Viết Dũng (34 tuổi, trú Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), Đàm Văn Nội, 24 tuổi và Y Bia Hwing, 20 tuổi cùng ngụ huyện Buôn Đôn, Phạm Văn Huy, 31 tuổi, trú Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Ngày 1-3-2010, Phạm Văn Huy và Đàm Văn Nội rủ nhau xuống huyện Lắk trộm voi. Trên đường đi họ mua một con dao (loại dao chặt xương) dài 50cm, một đèn pin. Đúng 21 giờ cả nhóm dùng dao chặt nhiều nhát đứt đuôi con voi H’Tuk rồi mang đi bán được 20 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 8-7 Huy cùng Y Bia Hwing và Lê Viết Dũng xuống huyện Lắk khống chế voi H’Na Tuk dùng kìm sắt nhổ khoảng 200 sợi lông đuôi voi bán với giá 6 triệu đồng. Thượng úy Trần Minh Đức - đội điều tra Công an huyện Lắk - cho biết: “Đây là vụ án trộm voi đầu tiên mà chúng tôi xử lý nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc định giá tài sản. Voi là tài sản quốc gia nhưng cũng là tài sản của cá nhân. Còn nếu xử theo tội buôn bán động vật hoang dã thì sợ xử lý không xuể”. Hiện các bị can đang bị khởi tố về tội “trộm cắp tài sản” được quy định tại khoản 1, điều 138 Bộ luật hình sự. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)