Theo AFP, ngày cuối cùng của kỳ bầu cử tổng thống Mỹ quyết liệt, khó lường và cũng nhiều tranh cãi nhất trong nhiều thập niên qua bắt đầu tại Connecticut (7 phiếu đại cử tri), Indiana (11 phiếu), Kentucky (8 phiếu), Maine (4 phiếu), New Hampshire (4 phiếu), New Jersey (14 phiếu), New York (29 phiếu), Vermont (3 phiếu) và Virginia (13 phiếu).
“Ứng viên” Romney
Đi bỏ phiếu sớm nhất trong ngày bầu cử chính thức hôm qua 8.11 là cư dân làng Dixville Notch, thuộc bang New Hampshire, với tổng cộng 8 phiếu bầu. Kết quả cho thấy ứng viên Clinton giành được 4 phiếu, còn ông Trump thu về 2 phiếu. Ứng viên tự do Gary Johnson giành được 1 phiếu. Đặc biệt, như để thể hiện sự giễu cợt đối với kỳ bầu cử nhiều bi hài và tranh cãi năm nay, một cử tri nào đó đã cắc cớ bỏ vào thùng một lá phiếu viết tay đề tên Mitt Romney, ứng viên Cộng hòa thất bại trước Tổng thống Obama hồi năm 2012, dù ông không hề ra tranh cử.
Trong khi đó, ứng viên Hillary Clinton đã cùng phu quân - cựu tổng thống Bill Clinton, đi bầu tại thị trấn quê nhà Chappaqua, bang New York và dĩ nhiên bà bỏ phiếu cho chính mình. Phát biểu với các phóng viên sau đó, cựu Ngoại trưởng Clinton nói: “Tôi cảm thấy mình nhỏ bé vì trách nhiệm sẽ rất lớn. Tất cả đang trông chờ kết quả cuộc bầu cử này và tác động của nó đối với đất nước chúng ta”.
Cùng ngày, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump cũng bỏ phiếu tại bang New York, khu vực Manhattan. Fox News dẫn lời người đã khuấy động chính trường và xã hội Mỹ thời gian qua tuyên bố “sẽ rất lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc” nếu ông thất bại. Theo ABC News, lần đầu tiên trong 70 năm, 2 ứng viên hàng đầu đều có mặt tại New York trong đêm bầu cử để tổ chức tiệc theo dõi kết quả. Để bảo đảm an ninh, chính quyền New York triển khai 5.000 cảnh sát tại các điểm bầu cử cùng những khu vực tụ tập của 2 phe Dân chủ và Cộng hòa.
Sau 9 bang bờ đông, cử tri ở 41 bang còn lại và thủ đô Washington D.C cũng lần lượt đi bỏ phiếu qua 6 múi giờ trong ngày bầu cử.
Kịch chiến đến phút chót
Sát thời điểm bầu cử chính thức, hai đối thủ vẫn tất tả vận động tại những bang “chiến trường”, tức những nơi nhiều phiếu đại cử tri và không thể đoán định trước sẽ nghiêng về Dân chủ hay Cộng hòa. Tổng cộng trong ngày vận động cuối cùng, ông Trump và bà Clinton đã dừng chân tại 9 bang. Ở Philadelphia, bà Clinton xuất hiện trong tiếng reo hò của khoảng 33.000 người bên cạnh hai đồng minh hùng mạnh nhất là vợ chồng Tổng thống Barack Obama.
Trong khi đó, tỉ phú Trump tham dự 5 sự kiện tại 5 tiểu bang trong vòng 12 giờ. Không có bất kỳ người nổi tiếng nào tháp tùng nhưng ông Trump vẫn có những màn xuất hiện ấn tượng với đèn chiếu laser và máy tạo khói. Trong khi đối thủ có ưu thế là cỗ máy tranh cử đã vững mạnh của đảng Dân chủ từ thời ông Obama, ông Trump đặt vận mệnh của mình trong bàn tay của những người ủng hộ nhiệt thành nhất. “Để đạt được mọi giấc mơ mà bạn muốn cho đất nước này, cũng như cho gia đình của chính mình, các bạn đang nắm trong tay cơ hội tuyệt hảo. Sẽ chẳng bao giờ có thể diễn ra một cuộc chạy đua như thế này trong tương lai”, tờ The Wall Street Journal dẫn lời ông Trump tuyên bố.
Bên lề:
* Ngày bầu cử không phải chỉ để chọn tổng thống như đa phần dư luận bên ngoài nước Mỹ vẫn tưởng. Thực chất, trong ngày này, tùy nhu cầu mà từng bang có thể đưa ra mọi vấn đề cần sự quyết định của cử tri tại bang mình. Vì thế, sẽ có bang, phiếu bầu “dài như lá sớ” trong khi cũng có nơi chỉ có duy nhất phần bầu tổng thống. Kỳ này, nhiều bang sẽ bầu bổ sung thượng nghị sĩ (34/100 ghế) trong khi toàn bộ 435 ghế Hạ viện đều được bầu lại. Tại California, ngoài chuyện quốc gia đại sự, cử tri cũng sẽ bỏ phiếu cho dự luật yêu cầu nam diễn viên phim khiêu dâm phải mang bao cao su khi hành nghề, còn bang Washington đưa thêm dự luật kiểm tra nhân thân người mua súng vào lá phiếu.
* Cho đến giữa tháng 10, các chiến dịch vận động của các ứng viên tiêu tốn hơn 1 tỉ USD, chủ yếu đến từ các tổ chức và cá nhân tài trợ. Theo tờ The Wall Street Journal, chiến dịch của bà Clinton ngốn khoảng 450 triệu USD, gần gấp đôi so với ông Trump.
* Mỗi tiểu bang đều có những quy định riêng và quá trình bỏ phiếu, kiểm phiếu lẫn kiểm phiếu lại khi cần. Tại Florida, tâm điểm của cuộc tranh cãi về kết quả bầu cử giữa 2 ứng viên George W.Bush và Al Gore vào năm 2000, việc kiểm phiếu lại sẽ được tự động tiến hành nếu số phiếu của 2 ứng viên chênh nhau không đầy 0,5%. Tại Wisconsin, ứng viên có thể yêu cầu kiểm phiếu lại nhưng phải chi trả toàn bộ phí tổn liên quan trong trường hợp kết quả vẫn không thay đổi.
|
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Đức Cảnh, nhà đầu tư và chuyên gia về giáo dục đào tạo tại California cho biết thời tiết khu vực nam California rất đẹp, mát mẻ, rất thích hợp để xếp hàng bỏ phiếu. “Ở Mỹ không được may mắn như ở VN (tức không được làm nghĩa vụ công dân vào ngày nghỉ như ở VN - PV). Người ta vẫn đi làm, buổi sáng họ thường đi bầu trước khi đến sở hoặc buổi chiều về sớm. Những người làm gần điểm đầu phiếu thì tranh thủ đi vào buổi trưa, hoặc có người lấy nửa ngày phép”, ông cho biết.
Theo ông, điều đặc biệt của cuộc bầu cử năm nay là thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân trong nước và khắp thế giới do có quá nhiều điểm khác nhau giữa 2 ứng viên về ngôn ngữ, cách trình bày, cách đặt vấn đề. Những vấn đề đặt ra nếu được người thắng cử thực hiện sẽ mang lại thay đổi ghê gớm cho nước Mỹ. “Cá nhân tôi chọn bà Clinton vì tính cách cá nhân thoải mái và dễ chấp nhận hơn, cùng việc bà đã đến VN nhiều lần với những vai trò khác nhau. Bà cũng là người tham gia vào quyết sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Barack Obama”, thạc sĩ nói.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Cảnh từng tham gia ban vận động tranh cử tổng thống của các ứng viên Michael Dukakis năm 1988, Robert Kerrey năm 1992 và John Kerry năm 2004. Ông cũng có nhiều năm kinh qua các chức vụ quản lý, lãnh đạo trong chính quyền bang Massachusetts.
|
*Mời bạn đọc theo dõi trực tiếp cập nhật thông tin về diễn biến và kết quả bầu cử tại thanhnien.vn
Bình luận (0)