Trước mắt, giới quan sát đang hướng mắt về kế hoạch bộ máy sắp tới của ông Trump. Nhiều ý kiến của các chuyên gia về chính trị Mỹ ở thủ đô Washington D.C đều dự báo sau những biến cố cấp dưới "quay lưng" sau lần bầu cử năm 2020, việc lựa chọn "bộ sậu" sắp tới ở Nhà Trắng sẽ được ông Trump ưu tiên dựa trên khả năng trung thành. Một cựu quan chức cấp cao Mỹ và là thành viên đảng Cộng hòa dự báo kế hoạch nhân sự của nội các mới sẽ được hoàn thiện trước Giáng sinh năm nay.
Tương lai đối ngoại của Mỹ
Tất nhiên, ông Trump đã vạch ra một số định hướng cơ bản cho chính sách đối ngoại nhưng chi tiết hành động, kế hoạch thực thi sẽ là một dấu hỏi mà "bộ sậu" sắp tới của Nhà Trắng sẽ là nhân tố quan trọng quyết định rất lớn đối với câu trả lời. Một số chuyên gia tại Washington D.C đã chia sẻ nhận định với Thanh Niên như sau.
Đối với khu vực Indo-Pacific, Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ và nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục gia tăng sức ép kinh tế đối với Bắc Kinh. Việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc gần như sẽ chắc chắn, và thậm chí có thể kèm theo một số biện pháp để áp dụng cho một số quốc gia ở khu vực đang xuất siêu lớn vào Mỹ. Một thỏa thuận với Trung Quốc để cân bằng thương mại song phương sẽ là điều mà ông Trump nhắm đến để đáp ứng nhu cầu đối nội.
Bên cạnh đó, có thể ông Trump còn tạo sức ép để Trung Quốc phải phối hợp "hạ nhiệt" CHDCND Triều Tiên.
Trong khi đó, mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gặp thách thức nhất định vì dưới thời ông Trump, Washington có thể yêu cầu Tokyo và Seoul chia sẻ gánh nặng nhiều hơn. Tương tự, sự bảo trợ của Mỹ dành cho Đài Loan có thể khiến Đài Bắc phải "đổi chác" nhiều hơn.
Cũng tại Indo-Pacific, ông Trump có thể vẫn sẽ tiếp nối chính sách của người tiền nhiệm về việc đẩy mạnh các hợp tác đa phương ở quy mô nhỏ như "Bộ tứ" hay thỏa thuận AUKUS (gồm Mỹ - Úc - Anh) vì đây là cách thức phù hợp với quan điểm của ông Trump và đặc trưng của khu vực này - vốn khó hình thành các mạng lưới đa phương lớn như NATO.
Đối với cuộc xung đột ở Ukraine, dự báo ông Trump sẽ gây sức ép với Tổng thống Volodymyr Zelensky phải chấp nhận một số điều kiện, mà lâu nay Kyiv quyết không thỏa hiệp, đàm phán với Nga nhằm đi đến giải pháp hòa bình. Trong khi đó, việc giải quyết xung đột ở Trung Đông có thể là một thách thức lớn đối với ông Trump sau khi làm chủ Nhà Trắng.
Dấu hỏi về Project 2025 ?
Bên cạnh đó, một tổ chức báo chí điều tra có trụ sở tại Anh là CCR (The Centre for Climate Reporting) vào tháng 8 vừa qua đã công bố đoạn phim có chứa hội thoại của ông Russell Vought - một đồng tác giả của Dự án 2025 (Project 2025). Đây cũng là người từng lãnh đạo Cơ quan Quản lý hành chính và ngân sách của Mỹ (trực thuộc Nhà Trắng) dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Theo đó, nhóm thực hiện Dự án 2025 đã lên kế hoạch chính sách nếu ông Trump quay lại làm chủ nhân Nhà Trắng, với điểm nhấn là mở rộng quyền lực tổng thống, đồng thời siết chặt nhập cư. Thậm chí, nhóm thực hiện Dự án 2025 còn soạn thảo hàng trăm mệnh lệnh hành pháp, quy định và bản ghi nhớ nhằm đặt nền tảng cho hành động nhanh chóng đối với các kế hoạch của ông Trump.
Thế nhưng, Dự án 2025 bị chỉ trích mạnh mẽ do tăng cường quyền lực quá lớn cho chủ nhân Nhà Trắng. Vì lẽ đó, ông Trump đã lên tiếng bác bỏ sự liên quan với Dự án 2025.
Tuy nhiên, đây là kế hoạch được bảo trợ và thực hiện bởi Quỹ Di sản (Heritage Foundation) - một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách đầy ảnh hưởng tại Mỹ đồng thời có quan hệ gắn bó khá mật thiết với ông Trump. Giai đoạn đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Quỹ Di sản đã có ảnh hưởng rất lớn trong việc Nhà Trắng định hình và thực thi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), hướng đến hình thành nhóm "Bộ tứ" (Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ).
Chính vì thế, giới quan sát vẫn đặt dấu hỏi về việc liệu ông Trump sau khi tiếp quản Nhà Trắng vào đầu năm 2025 thì có theo đuổi Dự án 2025 hay không? Đáp án của câu hỏi này có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai nước Mỹ trong thời gian tới.
Bình luận (0)