Nước Mỹ giữa cuộc đua vào Nhà Trắng - Kỳ 2: Kỳ bầu cử nhiều đổi thay

Ngô Minh Trí
(từ Washington D.C)
02/11/2024 06:00 GMT+7

Từ một tháng trước, người bạn ở Washington D.C chia sẻ rằng không khí xung quanh cuộc bầu cử Mỹ năm nay không còn như những lần trước. Đặt chân đến Washington D.C khi chỉ còn 5 ngày sẽ đến "giờ G", tôi mới thấy rõ sự đổi thay đó.

Còn nhớ trước thềm cuộc bầu cử năm 2016, tôi đến Mỹ vào giữa tháng 10 thì những ngôi nhà xung quanh khu vực Ballston (bang Virginia, thuộc vùng đô thị Washington D.C mở rộng) đã "cờ xí rộn ràng", rất nhiều gia đình không ngần ngại để các bảng tên ứng viên mình ủng hộ.

Thủ đô tĩnh lặng

Nhưng lần này, ngoại trừ một số ít khu vực có một số bảng kêu gọi bỏ phiếu cho ứng viên này ứng viên khác ở những vị trí khác nhau, còn lại các gia đình hạn chế "show hàng" sự ủng hộ dành cho cựu Tổng thống Donald Trump hay đương kim Phó tổng thống Kamala Harris.

Nước Mỹ giữa cuộc đua vào Nhà Trắng - Kỳ 2: Kỳ bầu cử nhiều đổi thay- Ảnh 1.

Quảng cáo trên thân xe buýt tại Washington D.C kêu gọi bỏ phiếu bầu cử năm nay

ẢNH: NGÔ MINH TRÍ

Dù cuộc bầu cử Mỹ với lượng thông tin khổng lồ được cập nhật liên tục là tâm điểm của truyền thông khắp thế giới và tất nhiên cả truyền thông Mỹ, nhưng tại thủ đô của Mỹ, không khí chẳng hề chộn rộn như vậy. Ngay tại khu vực trung tâm của Washington D.C, ngoài hình ảnh kêu gọi đi bỏ phiếu vào ngày 5.11 thỉnh thoảng xuất hiện thì gần như không có bất cứ sự rộn ràng nào liên quan bầu cử Mỹ. Chỉ những lúc ngồi trên xe Uber để đi lại, tài xế mở radio phát thông tin về bầu cử, có lẽ đó là những lúc hiếm hoi cảm nhận được ồn ào của cuộc bầu cử năm nay.

Không những vậy, mặt phía bắc của Nhà Trắng vốn là nơi thường tập trung đông đúc du khách tìm đến thì nay cũng im lìm do đang phong tỏa để sửa chữa, càng làm cho khu vực trung tâm không huyên náo như trước đây.

Nước Mỹ giữa cuộc đua vào Nhà Trắng - Kỳ 2: Kỳ bầu cử nhiều đổi thay- Ảnh 2.

Thông điệp “Hãy làm cho nước Mỹ hân hoan trở lại” trước cửa một ngôi nhà ở Arlington

ẢNH: NGÔ MINH TRÍ

Chia rẽ sâu sắc

Dù không ồn ào nhưng cuộc bầu cử lần này được dự báo sẽ gay cấn bởi theo các cuộc khảo sát mới nhất, cả 2 ứng viên đều không có được sự vượt trội so với đối thủ, mức chênh lệch chỉ nằm trong khoảng sai số.

Từ hơn một tháng nay, người dân đã đi bỏ phiếu sớm chứ chẳng chờ đến ngày bầu cử. Theo kết quả khảo sát của Gallup, có đến 54% cử tri đăng ký bỏ phiếu sẽ tiến hành bỏ phiếu sớm. Tỷ lệ này tuy có thấp hơn mức trên 64% của năm 2020 nhưng vẫn cao hơn tất cả các kỳ bầu cử Mỹ trước đại dịch. Ước tính, đến ngày 31.10 đã có hơn 44 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm. Thực tế, hầu hết những người quen biết hay các tài xế Uber mà tôi nói chuyện đều trả lời đã đi bỏ phiếu.

Nước Mỹ giữa cuộc đua vào Nhà Trắng - Kỳ 2: Kỳ bầu cử nhiều đổi thay- Ảnh 3.

Rất ít gia đình công khai sự ủng hộ ứng viên như thế này

ẢNH: NGÔ MINH TRÍ

Thế nhưng, như đã nói, người Mỹ không còn hồ hởi công khai quan điểm ủng hộ ứng viên nào trong cuộc bầu cử năm nay, bởi sự chia rẽ quá lớn dẫn đến những lo ngại bị phiền toái vì sự ủng hộ của mình. Với nhiều người, sự hỗn loạn xảy ra sau cuộc bầu cử năm 2020, đỉnh điểm là vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ vào ngày 6.1, thể hiện sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội Mỹ và đe dọa nền dân chủ nước này. Những vụ bạo động vẫn xảy ra ở Mỹ nói chung hay thủ đô Washington nói riêng. Nhưng vụ việc ngày 6.1.2021 lại xảy ra ở Điện Capitol - nơi vốn được xem là thiêng liêng, bất khả xâm phạm vì đóng vai trò như biểu tượng nền móng của nền dân chủ Mỹ.

Nước Mỹ giữa cuộc đua vào Nhà Trắng - Kỳ 2: Kỳ bầu cử nhiều đổi thay- Ảnh 4.

Khu vực phía bắc Nhà Trắng đã bị rào chắn

ẢNH: NGÔ MINH TRÍ

Từ đó đến nay, nỗi bất đồng trong lòng nước Mỹ vẫn chưa thể giải quyết, khiến giới quan sát lẫn truyền thông nước này phải liên tục cảnh báo về những rủi ro có thể xảy đến từ sự chia rẽ này. Thế nhưng sự chia rẽ càng lúc càng có nguy cơ nghiêm trọng hơn khi đảng Dân chủ liên tục xác định cựu Tổng thống Trump là mối đe dọa trung tâm đối với nền dân chủ, còn đảng Cộng hòa không ngừng chỉ trích đương kim Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris gây hại cho nền dân chủ. Cứ thế, sự chia rẽ thêm sâu sắc!

Chính vì thế, nhiều người dân Mỹ chỉ mong chờ đất nước sớm đoàn kết, cùng nhau giải quyết các khó khăn về kinh tế. "Cứ tranh cãi, bất đồng hoài thì kinh tế sẽ còn khó khăn", là sự ca thán của anh Mahmut - người tài xế chở tôi từ sân bay Ronald Reagan về nơi tá túc. Hay một ngôi nhà ở hạt Arlington (bang Virginia) đã không công khai sự ủng hộ dành cho ứng viên nào, mà chọn thể hiện kỳ vọng tương lai tốt đẹp khi sửa thông điệp "Make America great again" (Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) thành "Make America joyful again" (tạm dịch: Hãy làm cho nước Mỹ hân hoan trở lại).

Ghi nhận từ thủ đô Washington D.C: Cuộc bầu cử chưa từng có

Niềm tin bị lung lạc

Cuối tháng 10, tờ The New York Times công bố kết quả một cuộc khảo sát thì có đến khoảng 75% người được hỏi đã cho rằng nền dân chủ đang bị đe dọa. Bên cạnh đó, 58% người được hỏi đánh giá hệ thống tài chính và chính trị của đất nước cần có những thay đổi lớn hoặc một cuộc cải cách hoàn toàn, có 62% nói rằng chính phủ chủ yếu làm việc để phục vụ lợi ích một nhóm người và các tầng lớp tinh hoa hơn là bất kỳ mục đích rộng lớn nào của lợi ích tập thể.

Không những vậy, theo kết quả khảo sát, người dân cũng không đặt niềm tin vào các kênh thông tin. Cụ thể, khoảng 21% người được hỏi cho rằng truyền thông chính thống tốt cho nền dân chủ, nhưng có đến 55% cho rằng truyền thông chính thống đang gây hại cho nền dân chủ. Về mạng xã hội, 21% người tham gia khảo sát cho rằng đây là nền tảng hữu ích cho nền dân chủ nhưng cũng có đến 51% lại đánh giá tiêu cực.

Chính trị định danh

Mới đây, trang Eurasia Review đặt ra khái niệm "chính trị định danh" cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.

Theo đó, bài viết cho rằng sự thu hút của ông Trump về một cơ sở dân tộc chủ nghĩa đã dựa vào những bất bình sâu sắc, định hình các vấn đề như nhập cư qua lăng kính của tội phạm và lo âu kinh tế. Cách tiếp cận của ông đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong khi cử tri đã bị phân cực, khai thác những căng thẳng chủng tộc tiềm ẩn làm phức tạp con đường của nước Mỹ hướng tới bình đẳng. Cách ông Trump định hình những người di cư Trung Mỹ như những tội phạm đã thổi bùng nỗi sợ hãi, gây thêm sự chia rẽ chủng tộc sau cuộc bầu cử.

Ngược lại, bà Harris ủng hộ sự đa dạng và công bằng. Chiến dịch của bà nhấn mạnh sự đoàn kết và các giá trị chung, nhưng trong một quốc gia bị chia rẽ bởi chủng tộc, giai cấp và bản sắc văn hóa, những lý tưởng này phải đối mặt với sự kháng cự. Những người ủng hộ Phó tổng thống Harris xem bà như một biểu tượng của sự tiến bộ trong một đất nước đang tìm cách vượt qua những chia rẽ chủng tộc.

Bài viết cảnh báo nền chính trị "định danh" như thế có thể là "con dao hai lưỡi" khi làm xa lánh những người trung dung, trong khi chỉ củng cố các khuôn mẫu định kiến ở cả hai bên. Nếu vấn đề không được giải quyết thì có thể "xé toạc" sâu hơn cấu trúc của xã hội Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.