Nước Mỹ giữa cuộc đua vào Nhà Trắng - Kỳ 4: Lo ngại bất ổn hậu bầu cử

Ngô Minh Trí
(từ Washington D.C)
04/11/2024 06:00 GMT+7

Song hành sự hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay là sự lo lắng về rủi ro bất ổn nếu phía cựu Tổng thống Donald Trump không chấp nhận kết quả chung cuộc.

"Nếu kết quả được công bố là ông Trump thua cuộc, ông ấy sẽ bác bỏ kết quả, đồng thời bằng mọi cách có thể nhằm đảo ngược kết quả. Năm 2020, ông Trump đã từng làm như thế và lần này khó có thể khác nếu ông ấy lại thất bại". Đó là chia sẻ của một chuyên gia tại một cơ quan nghiên cứu chính sách được hậu thuẫn bởi Quốc hội Mỹ.

Về nguyên tắc, vị chuyên gia này không được đưa ra nhận định với truyền thông về bầu cử, nhưng ông không khỏi lo ngại khi nêu vấn đề với người viết.

Nước Mỹ giữa cuộc đua vào Nhà Trắng - Kỳ 4: Lo ngại bất ổn hậu bầu cử- Ảnh 1.

Lực lượng an ninh bảo vệ xung quanh Nhà Trắng (ảnh chụp ngày 1.11)

ẢNH: Ngô Minh Trí

Trận chiến quyết định vận mệnh của ông Trump

Theo một khảo sát được tờ The New York Times công bố mới đây, 80% cử tri tham gia khảo sát, đến từ cả 2 đảng chính và độc lập, trả lời rằng họ tin tưởng kết quả tuần tới sẽ chính xác. Trái ngược với điều đó, nhiều tuần trước ngày bầu cử, ông Trump vẫn đặt câu hỏi về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử lần này và cả lần ông thua trước Tổng thống Joe Biden vào năm 2020.

Trong khi đó, có một thực tế là với cựu Tổng thống Donald Trump, kết quả cuộc bầu cử lần này không đơn thuần là việc có quay lại làm chủ nhân Nhà Trắng một lần nữa hay không, mà còn là "sinh mệnh" sắp tới của ông. Cụ thể, cựu Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với 1 trong 2 kịch bản: trở lại Nhà Trắng để nắm quyền lực hoặc sống dưới áp lực kiện tụng hình sự, thậm chí có thể ngồi tù.

Nước Mỹ giữa cuộc đua vào Nhà Trắng - Kỳ 4: Lo ngại bất ổn hậu bầu cử- Ảnh 2.

Khách sạn quốc tế Trump ở TP.New York

ẢNH: Ngô Minh Trí

Các rắc rối pháp lý mà ông Trump đang gặp phải có thể được giải quyết gọn gàng nếu ông chiến thắng. Bởi nếu trở thành tổng thống Mỹ được hưởng nhiều quyền miễn trừ, các vụ án hình sự liên bang chống lại ông có thể bị bác bỏ, với các vụ án hình sự tiểu bang có thể bị tạm dừng cho đến khi ông hết nhiệm kỳ. Thêm vào đó, các vụ kiện dân sự nhằm vào ông cũng có thể được trì hoãn.

Ngược lại, việc thất bại trước Phó tổng thống Kamala Harris có thể khiến ông Trump đối mặt với nguy cơ bị án tù vì bản án hình sự ở tòa New York dự kiến cuối tháng này sẽ có phán quyết sau cùng về hình phạt dành cho ông. Không những vậy, còn một số phiên tòa hình sự khác nhằm vào ông dự kiến được tiến hành vào năm 2025. Về tài chính, ông đã kháng cáo việc bị tuyên bồi thường gần nửa tỉ USD trong các vụ án dân sự đang nhằm vào vị cựu tổng thống này, mà nếu không thể quay lại Nhà Trắng thì viễn cảnh khá tiêu cực dành cho ông.

Nhiều viễn cảnh đáng lo

Thực tế, cuộc bầu cử năm nay chưa đến "giờ G" nhưng đã căng thẳng với hàng loạt vụ kiện liên quan bầu cử. Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đang tiến hành hàng chục vụ kiện nhằm "bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử" bằng cách "đảm bảo rằng các lá phiếu được đếm đúng cách" và "mọi người không bỏ phiếu bất hợp pháp". Hầu hết các vụ kiện tụng này của phía Cộng hòa đều thất bại. Nhưng cả đảng Cộng hòa lẫn đội ngũ của ông Trump đã không từ bỏ nỗ lực và đến nay vẫn theo đuổi nhiều động thái pháp lý.

Trong khi đó, các khảo sát mới nhất đều cho thấy cả 2 ứng viên đều không có dấu hiệu dành ưu thế vượt trội trước đối thủ. Vì thế, khả năng kết quả chung cuộc thì người thắng có số phiếu hơn người thua sẽ không đáng kể. Điều này ẩn chứa khả năng tranh cãi bất tận, mở đường cho những cuộc xung đột pháp lý không có hồi kết.

Không chỉ tranh chấp kiện tụng mà viễn cảnh bùng phát bạo lực cũng là thực tế khiến nhiều người lo lắng. Một đánh giá của Economist Intelligence Unit (trực thuộc nhóm tạp chí The Economist) dự báo xác suất xảy ra bất ổn chính trị và bạo lực vì tranh cãi kết quả bầu cử của Mỹ lên đến 70%.

Tương tự, một phân tích mới đây của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR - một tổ chức nghiên cứu chính sách tại Mỹ) đã đặt ra nhiều vấn đề về lo ngại vừa nêu.

Điểm lại từ trước bầu cử, phân tích của CFR chỉ ra đã có những tác nhân thù địch khi xảy ra 2 vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ đang ở trong một môi trường đe dọa gia tăng khi bước vào ngày bầu cử, với nhiều nhóm cực đoan đe dọa làm gián đoạn quá trình bầu cử. Đồng thời, ngôn từ chính trị bạo lực làm tăng mức độ rủi ro. Một tác nhân tiềm ẩn khác là một số lực lượng bên ngoài nước Mỹ, bao gồm cả các nhóm cực đoan, có thể tìm cách tận dụng khoảnh khắc chia rẽ này của nước Mỹ để khơi dậy hoặc phát động các hành động bạo lực.

Phân tích của CFR cũng lo ngại những ngày (hoặc tuần) sau cuộc bầu cử có thể là những ngày quan trọng nhất, đặc biệt nếu không có một ứng viên tranh cử tổng thống đạt được chiến thắng với số phiếu vượt trội. Nếu không chiến thắng vượt trội và chắc chắn thì sẽ tạo điều kiện cho các thuyết âm mưu phát triển và lan truyền làm gia tăng đáng kể sự bất ổn chính trị hoặc thậm chí bạo lực trong các cộng đồng địa phương. Vào năm 2020, các trung tâm kiểm phiếu ở Arizona, Philadelphia và Detroit đã bị các cuộc biểu tình cực đoan hoặc âm mưu khủng bố nhắm đến.

Bộ An ninh nội địa Mỹ thậm chí đã cảnh báo rằng "rủi ro gia tăng" về bạo lực có thể bao gồm các phần tử cực đoan cố gắng phá hoại phiếu bầu - một hành động có thể đưa đất nước vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Những lo ngại trên không hề là xa vời nếu xét đến những gì đã từng xảy ra trong năm 2020, với đỉnh điểm sau đó là vụ bạo loạn vào ngày 6.1.2021 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Vệ binh quốc gia nhiều bang ở trạng thái sẵn sàng

Trước khả năng xảy ra bất ổn dân sự do cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5.11, lực lượng vệ binh quốc gia đang trong tình trạng sẵn sàng để phòng ngừa ở một số bang, bao gồm bang Washington và Oregon, nơi hàng trăm lá phiếu đã bị hư hại hoặc bị phá hủy sau khi ít nhất 3 thùng phiếu gần đây đã bị đốt cháy, theo CNN. Bộ An ninh nội địa Mỹ đã cảnh báo rằng các mối đe dọa đối với "cơ sở hạ tầng bầu cử" vẫn ở mức cao.

Ông Jay Inslee, Thống đốc bang Washington, cho biết: "Khu vực tây nam của bang Washington đã trải qua những trường hợp bất ổn liên quan bầu cử". Đó là lý do khiến cho lực lượng vệ binh quốc gia của tiểu bang này được đặt trong tình trạng sẵn sàng. Trước mắt, tại Washington, vệ binh quốc gia sẽ hỗ trợ lực lượng hành pháp từ ngày 4 - 7.11.

Tại Oregon, Thống đốc Tina Kotek mới đây thông báo vệ binh quốc gia đang sẵn sàng khi các nhà lãnh đạo chính trị kêu gọi các cuộc biểu tình. "Văn phòng thống đốc đang theo dõi chặt chẽ và phối hợp với các cơ quan địa phương, tiểu bang và liên bang để đảm bảo cử tri Oregon có thể an toàn bỏ phiếu", theo thông báo vừa nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.