Nước Mỹ, tháng 9.2001

10/09/2011 23:41 GMT+7

Sau sự kiện 11.9 vài ngày, chúng tôi là những nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại Mỹ.

Khi đó, Mỹ đóng không phận và mãi đến ngày 15.9.2001 mới bắt đầu cho các chuyến bay quốc tế đầu tiên vào nước này. Chúng tôi may mắn là những hành khách đầu tiên và hiếm hoi có mặt trên một trong những chuyến bay đó.

Bước ra khỏi máy bay để vào nhà ga, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cờ. Cờ trên các lối đi, cờ trên các quầy bán hàng, cờ trên các quầy kiểm soát nhập cảnh, cờ trên các cửa hàng lộng lẫy, cờ trên các băng chuyền trả hành lý, cờ trên tất cả các loại xe đưa đón khách ở sân bay. Trên đường vào trung tâm để về khách sạn, cờ phủ trên nhà dân và các cao ốc hai bên đường, cờ tung bay rợp trời trên các luồng xe ken kín đường phố, thậm chí cờ phủ trên mũ nón, trên áo quần, trên cà vạt, trên giày dép của những người dân Mỹ ở khắp mọi nơi. Trong những ngày đau thương ấy, hầu như toàn dân Mỹ đều mang cờ trên người và treo cờ trên bất cứ chỗ nào có thể để biểu thị lòng yêu nước.

Trên vài đường phố trung tâm hoặc tại một số công viên, chúng tôi thỉnh thoảng gặp các nhóm biểu tình mang đầy cờ Mỹ và khẩu hiệu đả đảo bọn khủng bố sát nhân. Nhưng rồi chúng tôi cũng gặp vài nhóm biểu tình khác, ít hơn, cũng mang cờ Mỹ nhưng khẩu hiệu lại phản đối chính phủ giúp Israel đàn áp người Palestine, vì nước Mỹ làm vậy nên mới bị tấn công. Đúng là Mỹ, họ yêu nước theo nhiều cách mà những người Việt Nam như chúng tôi thời đó không thể nào hiểu nổi.

Thấy cờ xí khắp mọi nơi, máu nghề nghiệp lại đẩy lệch tôi theo một hướng khác, tôi hỏi làm sao có đủ cờ để treo và đủ trang phục có hình cờ để phục vụ kịp thời cho toàn dân Mỹ như thế này? Người hướng dẫn trả lời: “Trung Quốc, không hiểu sao họ nhanh như vậy?”. Họ ào ạt xuất cờ và áo quần in cờ sang Mỹ. Bây giờ tôi hiểu rằng Trung Quốc không chỉ hưởng lợi khi Mỹ lâm vào các cuộc chiến nhùng nhằng Afganistan và Iraq về sau này mà họ còn chớp nhanh thời cơ hưởng lợi từ Mỹ ngay những ngày đầu tiên nước này bị khủng bố tấn công.

Chúng tôi gồm ba nhà báo ở TP.HCM và một giáo sư khoa báo chí ở Hà Nội được mời sang tham quan và làm việc với báo chí Mỹ. Chúng tôi được bay đến khoảng 15 thành phố trên 6 tiểu bang. New York có trong lộ trình nhưng sau sự kiện 11.9 thì bị cắt vì lúc đó chính quyền vẫn chưa cho mở lại các đường bay nội địa đến thành phố này. Chúng tôi xin tách khỏi lộ trình vài ngày và tự tìm đường đến New York.

New York trong những ngày tang thương ấy vẫn có sức sống mãnh liệt. Trường học vẫn chưa mở cửa trở lại, các cửa hàng, các cao ốc văn phòng trên các đại lộ dẫn vào Ground Zero (nơi tòa tháp đôi WTC bị đánh sập) vẫn còn đóng cửa im ỉm. Đường phố New York cũng nhuốm màu tang thương bởi những điểm tưởng niệm tự phát do người dân lập ra. Đó là những cái bàn hoặc bệ thờ đặt bên vệ đường thắp đầy nến và hoa tang bên cạnh hình ảnh của những người bị chết hoặc còn mất tích. Các điểm công cộng và các trụ đèn ở New York thời ấy phủ kín ảnh và tên tuổi những nạn nhân mất tích do người thân dán lên để kiếm tìm trong vô vọng.


Khu tưởng niệm Reflecting Absence sẽ được khánh thành vào ngày 11.9 - Ảnh: AFP
 

Tuy nhiên, khi đó, New York vẫn không mất đi sức sống mãnh liệt của thành phố giàu có số một thế giới. Những con phố bên ngoài khu Ground Zero vẫn tràn ngập người và xe cộ suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Những chàng trai và cô gái xinh đẹp vẫn rào rào đi lại trên đường phố thâu đêm suốt sáng.

Anh Lê Đình Bì, Trưởng ban Quốc tế Báo Thanh Niên thời đó là nhà báo nước ngoài hiếm hoi cũng có thể nói là duy nhất được bước chân vào tận khu Ground Zero còn bốc khói sau những phóng viên của CNN.

Ở New York, chúng tôi được nhà triệu phú gốc Việt Trần Trường đón tiếp. Ông là một trong những cá nhân đầu tiên trợ giúp cho New York 2 triệu USD. Gia đình ông rất mừng rỡ khi hay tin có những người Việt Nam đầu tiên đến sau vụ 11.9. Ông mời chúng tôi về nhà riêng dùng cơm tối. Do chúng tôi muốn được vào Ground Zero nên ông mời ông Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ New York cùng dùng cơm. Sau bữa cơm, ông nói nguyện vọng của bọn tôi với ông chủ tịch ấy. Phải qua nhiều sắp xếp và đích thân ông chủ tịch đưa đi thì mới có thể vào được khu Ground Zero. Tuy nhiên, cũng chỉ được hai người thôi, một là ông Trần Trường và một là trong chúng tôi. Chúng tôi nhất trí nhường suất ấy cho anh Lê Đình Bì. Anh đã có một bài tường thuật rất chi tiết đăng trên Báo Thanh Niên vào tháng 9.2001.

Hồi đó nước Mỹ rộ lên chuyện tấn công Aghanistan. Tấn công là đương nhiên rồi, vấn đề là như thế nào và vào lúc nào. Ở chỗ nào chúng tôi cũng nghe bàn tính về chuyện này. Thỉnh thoảng cũng có nghe những ý kiến khác nhưng yếu ớt và lạc lõng.

Ở Cincinnati hoặc Connecticut gì đó (lâu quá tôi đã quên tên), chúng tôi được mời dự buổi họp giao ban của ban biên tập tờ báo địa phương với các trưởng bộ phận để quyết định nội dung số báo ngày hôm sau. Chủ đề tấn công Afghanistan là chủ đề nóng. Sau khi thống nhất chủ trương ủng hộ cuộc tấn công và cách triển khai chủ đề này, tổng biên tập hỏi còn ai có ý kiến gì khác không. Không thấy ai đưa tay, tôi hơi chút e dè đứng lên. Hàng chục cặp mắt nhướng về phía tôi đầy tò mò. Tôi nói: “Tấn công Afghanistan liệu là giải pháp tốt nhất để chống khủng bố chưa?”. Ông tổng biên tập quắc mắt lên: “Thế thì theo anh có cách gì tốt hơn?”. Tôi định nói những điều đã dự định sẵn trong đầu là Mỹ nên đi từ gốc vấn đề: đó là chuyện chống lưng cho Israel áp bức các nước Ả Rập, từ đó người Ả Rập mới trả thù. Bây giờ lại tấn công vào Afghanistan là làm dấy lên một đợt căm thù mới và nặng nề hơn…

Tuy nhiên, khi nhìn vào hàng chục ánh mắt đang long lên vì lòng yêu nước, vì nôn nóng trả thù, tôi nhanh chóng chuyển câu trả lời: “Tôi nghĩ rằng nếu bình tĩnh lại thì chính các vị sẽ tìm ra giải pháp tốt hơn. Còn tôi chỉ có cảm giác là tấn công Afghanistan thì chưa phải là cách hay nhất cho nước Mỹ”.

Sau 10 năm, Mỹ vẫn đang phải vùng vẫy cố rút ra khỏi Afghanistan. 

Từ đống tro tàn

Tại Ground Zero, một khu phức hợp hiện đại đang được xây dựng. Công trình tưởng niệm rộng 6,5 ha mang tên Reflecting Absence sẽ là kiến trúc được khánh thành đầu tiên đúng vào ngày 11.9.2011 (giờ địa phương). Vượt qua hơn 5.000 ứng viên, kiến trúc sư Michael Arad đã giành quyền thiết kế với ý tưởng xây dựng 2 hồ nước kỷ niệm ngay tại 2 hố sâu mà tòa tháp đôi từng đứng sừng sững ngày trước. Trên các bờ viền bằng đồng bao xung quanh 2 hồ nước sẽ được khắc tên gần 3.000 nạn nhân của vụ tấn công 11.9. Nước sẽ chảy liên tục vào những hồ có sức chứa gần 2 triệu lít này.

Kiến trúc sư Arad giải thích về ý nghĩa của khu tưởng niệm trên tờ L’Express: “Đây là những khoảng không trống rỗng. Nước chảy vào đó quanh năm suốt tháng nhưng không bao giờ đầy, như những người đã thiệt mạng, thời gian dù có trôi qua nhưng vẫn không gì bù đắp được”. Chi phí cho khu tưởng niệm cùng bảo tàng sắp được xây dựng ngầm bên dưới khoảng 700 triệu USD.

Phần diện tích còn lại của WTC sẽ dành xây dựng 5 tòa cao ốc và một trạm giao thông công cộng với tổng chi phí lên đến 11 tỉ USD. Dự kiến toàn bộ công trình sẽ hoàn thành sớm nhất vào năm 2016. Tòa tháp số 1 hiện đã được xây đến tầng 80, dự kiến khi hoàn thành sẽ có 104 tầng và cao 1.776 bộ (541,3m), tương ứng với năm 1776 khi Mỹ tuyên bố độc lập. 

 Lan Chi

Bắt đầu các hoạt động tưởng niệm

Nước Mỹ đã bắt đầu tổ chức nhiều sự kiện tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố 11.9. Theo AFP, ngày 9.9, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder đã đặt vòng hoa ở Đài tưởng niệm quốc gia tại thủ đô Washington và đọc tên 72 nhân viên công lực thiệt mạng 10 năm trước. Ngày 10.9, hàng ngàn người thắp nến tưởng nhớ 40 hành khách cùng phi hành đoàn trên chuyến bay United 93 bị bọn khủng bố khống chế đâm xuống hạt Shanksville, bang Pennsylvania.

Tham gia sự kiện này có Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các cựu Tổng thống George W.Bush và Bill Clinton. Theo AP, lễ tưởng niệm chính diễn ra sáng 11.9 (tối nay, giờ VN) bao gồm những giây phút mặc niệm các nạn nhân khi hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi và Lầu Năm Góc. Tại buổi lễ kéo dài 2 giờ, Tổng thống Barack Obama và ông Bush sẽ cùng gia đình các nạn nhân nghe đọc tên từng người thiệt mạng.

Minh Trung

Nỗi niềm sau 10 năm

Sau mười năm, sự kiện 11.9 vẫn khắc khoải trong tâm trí những người may mắn sống sót qua cơn đại nạn ngày nào. Giờ đây, khi kể lại trên kênh truyền hình CBS, cặp vợ chồng Jean và Dan Potter vẫn tự hỏi phép lạ nào đã giúp họ thoát chết. Jean nhớ lại: “Tôi bị văng khỏi ghế, khói mù mịt khắp nơi và trần nhà bắt đầu sập xuống”. Cô chỉ biết cắm đầu tháo chạy xuống các tầng lầu và may mắn thoát ra vài phút trước khi tòa tháp phía bắc sụp đổ hoàn toàn.

 
Ảnh: The Times-Tribune

Chưa kịp trấn tĩnh, cô lại lao đi tìm chồng mình, là lính cứu hỏa đang ở trong khu vực. Cùng lúc đó, Dan không dám tin vào mắt mình khi thấy nhiều người liên tục rơi từ trên cao. Ông cố lao vào hiện trường để tìm vợ dẫu không nghĩ Jean còn sống. Khi không thể vào được đống đổ nát, ông thẫn thờ ngồi xuống dãy ghế bên đường và khoảng khắc đó đã được một nhiếp ảnh gia kịp ghi lại (ảnh). Giữa lúc hy vọng tắt ngấm, Dan Potter mừng như phát rồ khi nhận được điện thoại báo vợ ông vẫn còn sống.

Không có nhiều người may mắn như vợ chồng Jean và Dan Potter, hàng ngàn người đã ra đi mãi mãi để lại bao đau đớn. Mark Morabito, chồng một nạn nhân, nói với kênh NBC3 rằng ông vẫn chưa thể quên được nụ cười của vợ. “Cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi sau ngày hôm ấy”.  

Hoàng Đình

Huỳnh Ngọc Chênh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.