|
Không khét tiếng như các tập đoàn Cosa Nostra, Camorro hay Ndrangheta tại Ý, nhưng theo tờ L’Express, mafia Pháp tồn tại đã nhiều năm qua, từ các khu ngoại ô “phức tạp” của thủ đô Paris đến thành phố miền nam Marseille và đặc biệt là tại đảo Corse.
Bắt tay với quan chức
Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls là quan chức cấp cao đầu tiên của Pháp phá vỡ sự yên lặng khi dùng từ “mafia” trong lúc trả lời phỏng vấn Đài phát thanh France Inter về hiện trạng tội phạm có hệ thống ở nước này. Đây chỉ là sự thừa nhận muộn màng về một thực tế hiển nhiên sau hàng loạt vụ trọng án xảy ra ở các “điểm nóng” của Pháp trong thời gian gần đây.
Tính từ cuối năm ngoái, chỉ trong vòng 6 tháng đã có nhiều nhân vật nổi tiếng ở đảo Corse bị các băng nhóm sát hại, trong đó có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp địa phương Jacques Nacer và luật sư Antoine Sollacaro. Tại Marseille, thẩm phán Charles Duchaine đang phải sống dưới sự bảo vệ 24/24 của cảnh sát sau khi bị “thế giới ngầm” tuyên án tử. Ông Duchaine là người đứng đầu các vụ điều tra những băng nhóm tội phạm lớn nhất ở Marseille. L’Express dẫn lời chuyên gia Bernard Petit thuộc Cảnh sát tư pháp quốc gia Pháp nhận định: “Khác với tội phạm bình thường, mafia có quan hệ chặt chẽ với chính trường và thương trường. Một số quan chức không muốn thừa nhận sự tồn tại của mafia Pháp để phớt lờ sự thật là nhiều thành viên trong bộ máy nhà nước đã bị mua chuộc”.
Tình hình tương tự từng xảy ra ở Ý. Đến đầu thập niên 1980, nhiều thẩm phán cấp cao của nước này vẫn còn khẳng định “mafia không tồn tại”, trong lúc Cosa Nostra đã gây ra nhiều vụ thanh toán đẫm máu ở Palermo, thủ phủ vùng Sicily. Thẩm phán Giovanni Falcone là một trong những người đầu tiên vạch trần tội ác của tổ chức này và năm 1992, ông đã phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Vươn vòi bạch tuộc
Ngoài những bất ổn về chính trị do ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Corse thật sự là điểm nóng tội phạm của Pháp. Từ năm 1995 đến nay, đã xảy ra hơn 400 vụ giết người, 300 vụ ám sát hụt. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu vũ khí có khai báo ở Corse cũng cao nhất nước Pháp: 31.000 khẩu/hơn 300.000 dân. Các băng nhóm tội phạm bắt đầu bén rễ đảo Corse từ những năm 1980. Trải qua nhiều thập niên, hiện 2 mạng lưới có ảnh hưởng lớn nhất tại đây là tổ chức Brise de mer ở phía bắc và băng nhóm của “bố già” Jean-Jé Colonna ở phía nam.
Từ năm 1999, báo cáo do Ủy ban Điều tra của Quốc hội Pháp thực hiện từng cảnh báo về tội ác của những “tổ chức tương tự mafia” tại Corse, bao gồm biển thủ công quỹ và thâm nhập chính quyền địa phương. 15 năm sau, tình hình ngày càng nghiêm trọng, Corse hiện là một trong những vùng có tỷ lệ tội phạm cao nhất Tây Âu. Theo tờ Le Monde, các tổ chức tội phạm Corse ngày càng giàu có, từng bước mở rộng tầm ảnh hưởng bằng cách xây dựng mạng lưới tại Marseille, Aix, Paris và thậm chí ở nước ngoài. Tuy không theo “cấu trúc” tập trung quyền lực hình kim tự tháp như mafia Ý nhưng mafia Pháp không thiếu bất cứ đặc tính nào của loại tội phạm này: là một mạng lưới được tổ chức chặt chẽ, xây dựng tầm ảnh hưởng ban đầu ở một địa phương thông qua việc vươn vòi bạch tuộc vào hệ thống chính trị, kinh tế.
Ngoài những hoạt động “cơ bản” như bảo kê, buôn lậu vũ khí, ma túy, rửa tiền, mafia Pháp đang tiến dần vào những lĩnh vực “cao cấp” hơn như thao túng các ngành xây dựng, tái chế và xử lý rác thải, năng lượng mặt trời… Vụ án trốn thuế 1,6 tỉ euro gây chấn động hồi năm 2012 cũng do một số quan chức bắt tay với các tổ chức tội phạm.
Dù tỏ ra dè dặt khi thừa nhận sự tồn tại của mafia Pháp, nhưng từ năm 2004 chính phủ nước này bắt đầu có những động thái tích cực như thành lập 8 đơn vị tư pháp liên vùng tập trung những thẩm phán giàu kinh nghiệm ở cả hai lĩnh vực kinh tế - tài chính và tội phạm có tổ chức. Ngoài ra, Paris cũng cho thành lập Agrasc, cơ quan chuyên điều tra và xử lý tài sản tịch thu từ những tổ chức tội phạm. Đây là chiến lược tương tự như chính phủ Ý: đánh vào “hầu bao” của mafia chứ không chỉ chăm chăm phạt tù như trước đây. Năm 2012, Agrasc đã tịch thu được khối tài sản 760 triệu euro.
Hưởng lợi từ khủng hoảng kinh tế Theo thống kê của Cảnh sát châu Âu (Europol), hiện có khoảng 3.600 băng nhóm tội phạm với quy mô khác nhau tại châu lục này. Các tổ chức xã hội đen đã hưởng lợi không ít từ khủng hoảng kinh tế, chủ yếu nhờ lợi dụng việc dân chúng mất lòng tin vào chính phủ và tình hình tài chính “tranh tối tranh sáng” ở nhiều quốc gia. Từ năm ngoái, Nghị viện châu Âu quyết định thành lập một ủy ban chống mafia để tránh nguy cơ các tập đoàn tội phạm mở rộng tầm ảnh hưởng tại EU. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Ông Berlusconi bị nghi dính tới mafia
>> Trùm mafia Ý bị bắt ở Anh sau 19 năm trốn chạy
>> Ý mở chiến dịch chống mafia lớn nhất lịch sử
>> Kiện mafia Nhật đòi lại tiền bảo kê
>> Sư “mafia”
>> Mafia Nhật phát hành tạp chí riêng
>> Colombia bắt trùm mafia châu Âu
>> Bà con xa của vua Tây Ban Nha dính líu đến mafia Trung Quốc
Bình luận (0)