Được đầu tư gần 110 tỉ đồng nhưng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn ở Lâm Đồng bị hư hỏng, hiệu quả sử dụng rất thấp.
Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết toàn tỉnh hiện có 240 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (được đầu tư từ năm 2005 - 2010; quy mô cấp nước từ 50 hộ dân trở lên), trong đó có 181 công trình giếng khoan và 106 công trình tự chảy, trạm bơm. Hiện Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở NN-PTNT quản lý 36 công trình tự chảy, còn lại do các địa phương (huyện, xã) quản lý. Cơ bản các công trình do trung tâm này quản lý đang phát huy hiệu quả, còn lại đến 64 công trình giếng khoan và 3 công trình tự chảy ở 10 huyện không hoạt động.
|
Những năm qua, nhiều người dân ở khu phố M’Lọn, thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) phải tự xoay xở tìm nước sinh hoạt, bởi công trình tự chảy cấp nước sinh hoạt tập trung cho dân ở đây đã không còn hoạt động. Bà Roda Nai Vuông lắc đầu: “Gia đình tôi hiến đất để xây bể chứa nước trước nhà, nhưng đã bỏ hoang nhiều năm nay, gia đình khoan giếng sâu đến 18m nhưng không dùng được, nước máy không có nên nhiều gia đình ở đây phải đi nhờ hàng xóm có giếng khoan sâu hơn để lấy nước…”. Ông Lý Gia Đạt, Phó chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, cho biết công trình này do Trung tâm nước sạch quản lý nhưng 2 năm nay không có ai trông coi nên bị hư hỏng, tắc đầu nguồn, đường ống nghẽn; hiện địa phương cũng không nắm hồ sơ công trình này.
Trong 27 giếng khoan và 5 công trình tự chảy được đầu tư ở huyện Lâm Hà, hiện có đến 16 giếng và 2 công trình tự chảy… không chảy. Ông Đinh Tấn Bái, Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, thừa nhận: “Việc đầu tư các công trình này đang là bức tranh đáng buồn bởi hiệu quả sử dụng không cao”. Qua tìm hiểu, hàng loạt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn ở Lâm Đồng không hoạt động bởi nước bị nhiễm phèn, cháy máy bơm, hỏng dây điện, dân không đóng tiền điện, hỏng bồn nước, không có nước, bể ống chính, tắc trên nguồn, nước bơm lên bị đục… Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, nguyên nhân do hầu hết các công trình không có bộ phận chuyên trách quản lý, nên không thực hiện thu tiền nước vì vậy không có tiền trả tiền điện; không có kinh phí sửa chữa khi công trình hư hỏng; chất lượng công trình trong quá trình thi công chưa tốt; người dân đục, phá công trình… Ông Đinh Tấn Bái nói thêm: “Nguyên nhân chính chủ yếu là do cơ chế quản lý không rõ ràng nên việc quản lý, khai thác, vận hành gặp nhiều khó khăn; công trình hư hỏng không có ai sửa chữa. Cấp xã quản lý công trình còn lúng túng...”.
Gia Bình
Bình luận (0)