'Nước sâm Bà Bình' 45 năm làm mát lòng người Sài Gòn

09/05/2022 18:00 GMT+7

Giữa những trưa hè oi ả, người Sài Gòn vẫn có thói quen tấp vào quán bên đường “làm chai nước sâm giải khát”. Chẳng những đáp ứng được tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”, nước sâm còn là hương vị của ký ức, một nét văn hóa ẩm thực rất riêng của đất Sài Gòn.

Mát lành nước sâm Sài Gòn

Người Quảng Đông gọi các loại nước uống nguồn gốc thảo mộc, có tính giải nhiệt là “thanh lương trà”. Về sau, người Việt mới đọc trại chữ “thanh” thành chữ “sâm”. Theo thời gian, thứ thức uống thảo mộc này dần trở nên quen thuộc với người dân Sài Gòn - Chợ Lớn, vốn là địa bàn sinh sống của đông đảo người Việt gốc Hoa. Dù gọi chung là nước sâm nhưng thực chất, thứ nước giải khát này lại rất đa dạng về chủng loại. Ngoài nước sâm nấu bằng rễ tranh, mía lau và củ năng truyền thống, có chỗ còn bán thêm nước sâm bông cúc, sâm rong biển, sâm củ sen, nước mát 24 vị thảo mộc, nước đắng…

Đất Sài Gòn quanh năm nắng nóng, oi ả. Vậy nên không có gì lạ khi nước sâm mát lành đã nhanh chóng được ưa chuộng và phổ biến tại nơi đây. Nước sâm thường có vị ngọt thanh đi kèm với chút nhẫn đặc trưng của thảo mộc, không chỉ ngon miệng mà còn có tác dụng giải nhiệt, điều hòa khí huyết. Những xe nước sâm trên vỉa hè khu Chợ Lớn vốn là hình ảnh quen thuộc trong ký ức người Sài Gòn xưa. Về sau, nước sâm sau khi nấu, để nguội thường được người bán đóng chai và trữ lạnh để dễ bán cho người đi đường. Không ít gia đình người Hoa đã lập nghiệp tại chốn đô thị này từ việc kinh doanh nước sâm và lưu truyền lại cho thế hệ con cháu.

Gia đình cô Huỳnh Tiêu Phương (tên thường gọi là cô Bình) cũng là một trường hợp tương tự. Nhà cô Bình kinh doanh nước sâm chuẩn vị người Hoa từ năm 1977. Cô được mẹ đẻ truyền cho nghề nấu nước sâm từ năm mới 19 tuổi. Nhớ về thuở ban đầu của thương hiệu Nước sâm Bà Bình, bà chủ 64 tuổi hào hứng kể lại: “Gia đình tôi người Hoa, năm xưa đến Sài Gòn lập nghiệp cũng đã thử qua biết bao nhiêu nghề buôn bán. Rồi mẹ tôi nảy ra ý tưởng bán nước sâm do có nguồn nguyên liệu chất lượng lấy từ người quen ở quê nhà. Xe nước sâm trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình và đến nay nhà tôi đã giữ nghề nấu nước sâm chuẩn vị Hoa này được ba đời rồi”.

Quán Nước sâm bà Bình tại quận 3, TP.HCM

Nước sâm - gia tài của mẹ

Nhờ công việc buôn bán nước sâm thuận lợi, cô Bình cùng ông xã nuôi hai con khôn lớn, thành tài. Người con trưởng, anh Thái Văn Hớn (30 tuổi), sau 4 năm làm kiến trúc sư đã quyết định đổi nghề để tiếp nối cơ nghiệp của gia đình, vừa phụ đỡ cho mẹ vừa giữ cho hương vị nước sâm của gia đình không bị thất truyền.

Chàng trai trẻ tự hào cho biết nước sâm nhà anh được nấu theo công thức gia truyền bao năm vẫn giữ được hương vị chuẩn người Hoa. Toàn bộ nguyên liệu đều từ thảo mộc tự nhiên, được tuyển chọn khắt khe, không sử dụng hóa chất tạo màu hay đường hóa học. Nước sâm cũng được gia đình nấu mới mỗi ngày, hầm nguyên liệu trong nhiều giờ để tiết ra hết chất bổ dưỡng, sau đó đóng chai và bảo quản trong tủ lạnh để giữ trọn độ tươi mát. Đặc biệt, món nước đắng là đặc sản của Nước sâm Bà Bình, cực kỳ hiệu quả trong việc giải nhiệt, giải cảm, điều hòa khí huyết cơ thể. Do có vị đắng đặc trưng nên món nước này hơi kén người uống, nhưng nếu ai đã uống quen thì sẽ thấy ghiền.

Hằng ngày, hai mẹ con thức dậy từ 6 giờ sáng để bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu nấu nước sâm. Dù đã thuê thêm nhân viên nhưng cô Bình vẫn đích thân vào bếp để kiểm soát các quy trình, nguyên liệu. Trong khi đó, anh Hớn sẽ tiếp nhận các đơn hàng, đảm nhận việc kiểm soát tài chính, huấn luyện nhân viên và kết nối với các đối tác.

Hằng ngày hai mẹ con cô Bình và anh Hớn vẫn cùng nhau vào bếp, kiểm soát các quy trình, nguyên liệu

“Quán nhà tôi có nhiều khách quen, cứ mỗi sáng đi làm đều phải ghé qua mua một chai. Dạo gần đây các bạn trẻ cũng đến thưởng thức các loại nước uống truyền thống rất nhiều. Dường như họ đang muốn tìm lại những hương vị xưa cũ”, anh kể. Đó cũng là động lực để anh Hớn quyết định mạnh dạn đưa ra nhiều phương án đổi mới và cải tiến thương hiệu Nước sâm Bà Bình.

Năm 2021, anh Hớn đầu tư mở chi nhánh thứ hai cho Nước sâm Bà Bình, tự tay thiết kế logo, lên ý tưởng màu sắc, nội dung,... để tăng độ nhận diện cho thương hiệu. Chàng trai trẻ cũng đề xuất với mẹ bán thêm các “topping” như: nhãn nhục, hạt sen, củ năng, bạch quả, táo đỏ… để phù hợp với xu thế thưởng thức của giới trẻ. Đến giữa năm 2021 khi làn sóng Covid-19 bùng phát, cửa hàng phải tạm ngừng hoạt động do giãn cách xã hội, anh quyết định đăng ký trở thành đối tác nhà hàng của GoFood trên ứng dụng Gojek, mở ra một thời kỳ mới cho thương hiệu Nước sâm Bà Bình bắt đầu kinh doanh online. Ngẫm lại, anh cho biết, nhờ quyết định lên GoFood mà anh có thêm nhiều đối tượng khách hàng hơn, lượng đơn hàng tăng trưởng rất tốt. Cũng chính vì nhanh nhạy chuyển sang bán hàng online mà tiệm Nước sâm Bà Bình trụ vững và duy trì thu nhập trong thời gian dịch bệnh căng thẳng.

Việc mở rộng chuỗi cửa hàng cũng trở nên nhẹ nhàng hơn với gia đình anh Hớn nhờ những tiện ích, giải pháp kinh doanh hiện đại mà ứng dụng công nghệ Gojek cung cấp. Chỉ trong vòng 1 năm, anh Hớn đã biến xe nước sâm gia đình thành chuỗi nước sâm có tổng cộng 6 chi nhánh trải khắp thành phố. Anh Hớn tâm niệm dù có hiện đại hóa, nhân rộng chuỗi cửa hàng Nước sâm Bà Bình đến đâu thì vẫn phải giữ được nguyên bản vị nước sâm truyền thống. “Với tôi, hương vị nước sâm của người Hoa kiều tại Sài Gòn chính là ký ức, gia tài của mẹ và là tuổi thơ, là dấu ấn của nơi tôi được sinh ra, trưởng thành khôn lớn”, anh Hớn trải lòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.