Nước sông Mê Kông biến đổi bất thường theo thủy điện Trung Quốc và Lào

Chí Nhân
Chí Nhân
23/03/2022 09:41 GMT+7

Trong tuần qua, khi các đập thủy điện Trung Quốc giảm xả nước thì các đập thủy điện của Lào đóng vai trò chính trong việc gây biến đổi dòng chảy mùa khô trên sông Mê Kông.

Sáng nay 23.3, trang web của dự án MDM (Mekong Dam Monitoring) tiếp tục phát đi bản tin cảnh báo màu đỏ về sự bất thường của mực nước sông Mê Kông. Hôm nay mực nước sông Mê Kông tại Chiang Saen (Thái Lan) chạm đáy. Đến cuối ngày 23.3, nước sông sẽ dâng lên trở lại ít nhất 0,5 mét do một đập thượng nguồn tăng lượng nước xả. Trong khoảng thời gian từ ngày 19 - 23.3, việc hạn chế xả nước của các con đập ở thượng nguồn khiến mực nước sông đây giảm tổng cộng 1,3 mét.

Một đoạn sông Mê Kông chảy qua Thái Lan khô cạn


AFP

Tuy nhiên, trên toàn khu vực hạ nguồn ở các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam lại ghi nhận nhiều sự khác biệt khi có sự thay đổi về nguồn xả lũ. Tổng lượng nước xả tích lũy trong tuần từ 17/45 đập là 913 triệu mét khối. Giảm mạnh so với con số hơn 2 tỉ mét khối trong tuần từ ngày 7 - 13.3. Về nguồn xả trong tuần qua, đáng kể từ Đập Nọa Trác Độ ở Trung Quốc đạt 146 triệu mét khối, từ vị trí dẫn đầu trong những tuần trước thì tuần rồi chỉ đứng ở vị trí thứ hai. Nguồn xả lớn nhất trong tuần qua đến từ đập Nam Theun 2 ở Lào với lượng xả lên đến 168 triệu mét khối. Đứng thứ 3 cũng là một con đập khác của Lào, đập Nam Ngum 1 xả 141 triệu mét khối.

Việc xả nước các con đập thủy điện khiến mực nước sông dâng lên cao hơn mức nước của dòng chảy tự nhiên. Chiang Saen (Thái Lan) có 65% lượng nước vượt mức theo mô hình dòng chảy tự nhiên của Eyes on Earth và Viêng Chăn (Lào) có 20% lượng nước vượt mức. Trong những tuần tới các đập tiếp tục xả nước và tỷ lệ dòng chảy bổ sung từ các đập thủy điện sẽ tiếp tục tăng.

Theo các chuyên gia, sự biến đổi mực nước tại Chiang Saen (Thái Lan) cho thấy ngay bên dưới đập thủy điện sự phản ứng của dòng chảy rất nhạy với việc các đập thủy điện thượng nguồn tích hay xả nước. Còn ĐBSCL ở xa nên độ nhạy cảm của dòng chảy giảm đi và cần thêm thời gian mới ghi nhận được sự biến đổi. Bên cạnh đó, dọc theo đường đi lại có sự bổ sung nước từ các chi lưu nên mực nước sông ở hạ nguồn vẫn cao.

Trên toàn khu vực tiểu vùng Mê Kông tình trạng ẩm ướt chiếm ưu thế với một mảng độ ẩm màu xanh đậm trên khắp miền trung Lào và đông bắc Thái Lan. Nhiều vùng thượng lưu vực cũng có độ ẩm cao hơn mức trung bình, cho thấy có một lượng nước nhiều bất thường trong lưu vực sông Mê Kông vào thời điểm này trong năm. Vì có mây bao phủ và mưa nhiều, vùng hạ lưu nhìn chung mát hơn dự kiến, trong khi thượng lưu ấm hơn mức trung bình vào thời điểm này trong năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.