Nước sông Mê Kông thấp kỷ lục, Biển Hồ nhiều chỗ trơ đáy, đe dọa ĐBSCL

Đình Tuyển
Đình Tuyển
18/07/2019 17:30 GMT+7

ĐBSCL khó tránh khỏi ảnh hưởng nghiêm trọng khi mực nước sông Mê Kông đang xuống quá thấp. Ở Campuchia, diện tích mặt nước Tonle Sap (Biển Hồ), hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, đang bị thu hẹp, nhiều khu vực cạn trơ đáy.

Từ lâu Biển Hồ nổi tiếng hồ nước ngọt điều tiết nước cho khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Toàn bộ Biển Hồ tiếp giáp với 5 tỉnh của Campuchia là Siem Reap, Kampong Chnang, Kampong Thom, Patampang và Pursa. Mùa khô, diện tích hồ là khoảng 10.000 km² và thường tăng lên thành 16.000 km² vào mùa mưa. Tuy nhiên, năm nay, thời điểm này đã vào mùa mưa nhưng mực nước ở Biển Hồ đang cạn kỷ lục, gây ra nhiều khó khăn đến sinh kế người dân.

Dân Biển Hồ gạn bùn lấy nước xài

Chiều ngày 15.7, trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, Văn phòng Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia cho biết, tình trạng mực nước Biển Hồ cạn kỷ lục và kéo dài đến thời điểm này đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân; đặc biệt là các hộ Việt kiều sinh sống ở các làng nổi ở hồ nước ngọt khổng lồ này.
Tại làng nổi Chong Khneas, tỉnh Siem Reap, rất nhiều hộ dân ở đang trong tình trạng “mắc cạn” trên các bãi bùn, không thể kéo bè ra khu vực còn ngập nước để di chuyển dễ dàng hơn.

Cả làng nổi Chong Khneas gần như không thể di chuyển vì mắc cạn, người dân không có nước sử dụng phải đào hố dưới bùn để lấy nước đục lóng phèn xài

Ảnh: Trần Văn Tư

Biển Hồ nhiều đoạn trơ đáy, ghe bè mắc cạn

Ảnh: Trần Văn Tư

Ông Trần Văn Tư, hiệu trưởng của “Trung tâm giáo dục và từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo” ở làng nổi Chong Khneas, (tỉnh Siem Reap, Campuchia) cho biết, hàng trăm hộ dân gốc Việt ở khu vực này đang khốn đốn vì mực nước cạn chưa từng thấy.
“Người dân ở làng nổi mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá khi nước cạn đã không thể ra khơi. Thiếu gạo, thiếu nước sạch để xài, nhiều hộ phải đào hố để lấy nước đục lóng phèn sử dụng”, ông Tư nói và cho biết thêm: trước đó, tháng 3 năm 2016, hiện tượng El Nino cũng gây khô hạn lịch sử ở Biển Hồ nhưng sau đó, tới khoảng tháng 6, mực nước Biển Hồ đã dâng cao. Trong khi đó, năm nay tới thời điểm này đã là giữa tháng 7, nước Biển Hồ vẫn trong tình trạng cạn kiệt. Ở những nơi người dân thường giăng chài lưới trước đây hiện mực nước cũng chỉ từ 50 - 70cm.
“Tôi vừa về Việt Nam quyên góp được khoảng 1 tấn gạo và 80 thùng mì gói, hiện đã phân phát phân nửa, còn lại để phục vụ cho lớp học”, ông Tư nói.

Bè của người dân không thể di chuyển ra khu vực còn ngập nước

Ảnh: Trần Văn Tư

Hiện tại làng nổi Chong Khneas, có 537 hộ dân gồm 2.401 Việt kiều sinh sống trên những ghe, bè tạm bợ, trong đó hơn 50% là những hộ nghèo.
Trước đó, tháng 3.2019, Báo Thanh Niên đã có bài viết về ngôi trường của ông Tư, nơi dạy học và nuôi ăn ngày 3 bữa cho 265 học sinh gốc Việt ở ngôi làng này.

Trường học của ông Trần Văn Tư hiện là nơi nương tựa của người dân Việt kiều ở làng nổi Chong Khneas

Ảnh: Đình Tuyển

Nguyên nhân nước sông Mê Kông xuống thấp?

Không chỉ ở Biển Hồ, mực nước trên sông Mê Kông cũng đang xuống rất thấp. Và điều này có thể lý giải tình trạng suy giảm nguồn nước nghiêm trọng ở Tonle Sap khi một trong những nhánh chính của Mekong là nguồn cung cấp nước chính cho hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á này.
Liên quan đến mực nước trên sông Mê Kông, tờ Bangkok Post hôm 14.7 đưa tin, mực nước trên sông Mê Kông tại tỉnh Nakhon Phanom địa phương giáp với tỉnh Khammouan, Lào hiện ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Cụ thể, mực nước sông ghi nhận được là 2,60 m, thấp hơn khoảng 10 m so với điểm tràn trên bờ sông Mê Kông (cao khoảng 13 m). Cùng thời điểm này năm 2018, mực nước sông chỉ cách điểm tràn khoảng 12 m.

Khu vực ngoài khơi, nơi người dân thường đánh bắt cá hiện vắng bóng ghe xuồng, mực nước nhiều chỗ chỉ từ 50 - 70cm

Ảnh: Trần Văn Tư

Báo cáo thuỷ văn của Trạm khí tượng tại tỉnh Nakhon Phanom cho biết, lượng mưa trung bình trong năm 2019 là khoảng 90 mm, thấp hơn rất nhiều so với khoảng 300 mm được ghi nhận năm 2018.
Mưa ít, công với việc khu vực thượng nguồn Mê Kông vừa trải qua một mùa khô hạn kéo dài được xem là 2 trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mực sông Mê Kông bị xuống thấp.

Trên sông Mê Kông đoạn giáp ranh biên giới Thái Lan và Lào, mực nước sông Mê Kông cũng đang thấp kỷ lục

Ảnh: Đình Tuyển

Ngoài ra, những tháng khô hạn trước đó cũng khiến cho lượng nước ở các nhánh sông của sông Mekong như Nam Kam, Nam Oun và Nam Songkhram cũng hạ thấp, chỉ chiếm khoảng 20 - 30% so với khả năng chứa. Tình trạng này có thể tồi tệ hơn nếu tình trạng mưa quá ít tiếp diễn. Hiện tại, cơ quan thủy lợi tỉnh NaKhon Phanom đã cho trữ nước tại tất cả 13 hồ chứa trong 12 huyện của tỉnh này để chủ động nguồn nước. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân giảm các hoạt động sản xuất nông nghiệp cần tưới tiêu nhiều để tránh thiệt hại.

Nguy cơ ĐBSCL thiếu nước và mặn “tấn công”

Chiều 16.7, trao đổi với PV Thanh Niên, Ths Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Kông cho biết, một năm trung bình sông Mê Kông có tổng lượng nước là 475 tỉ mét khối, trong đó lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chỉ chiếm 11% số đó. Vì vậy, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ phía trên chảy về.
“Nước ở lưu vực Mê Kông ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 ở ĐBSCL và xâm nhập mặn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau Tết Nguyên đán”, ông Thiện nói.
Ông Thiện phân tích: Lưu vực Mê Kông có thể chia làm 2 đoạn gồm Thượng lưu vực là phần chảy trong lãnh thổ Trung Quốc và Hạ lưu vực là phần từ Lào xuống bờ biển ĐBSCL. Ở đoạn Thượng lưu vực, sông Mê Kông được gọi là sông Lan Thương. Phần Thượng lưu vựcc, với nguồn nước chủ yếu là từ tuyết tan ở cao nguyên Tây Tạng, đóng góp khá ít vào tổng lượng nước, chỉ chiếm 16%, và Myanmar đóng góp 2%, còn lại 82% lượng nước Mê Kông là do mưa ở Lào, Thái Lan, Campuchia, và ở tại chỗ ĐBSCL. Trong 82% đó, lượng mưa ở phía Lào đóng góp đến 35% tổng lượng nước. Phần lưu vực từ Thái Lan và Campuchia đóng góp 18% mỗi nơi.

Nước sông Mekong xuống thấp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ĐBSCL và một trong những nguy cơ gây thiệt hại lớn nhất là xâm nhập mặn

Ảnh: Đình Tuyển

Lượng nước mưa ở vùng Hạ lưu vực lại phụ thuộc lớn vào thời tiết, trong đó quan trọng là chu kỳ El Nino và La Nina, lặp lại theo chu kỳ từ 2 đến 7 năm. Hiểu ngắn gọn, năm nào có El Nino thì năm đó mưa ít, El Nino càng mạnh thì mưa càng ít và ngược lại năm nào có La Nina trong lưu vực thì mưa nhiều.
“Hiện nay theo bản tin dự báo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ ra ngày 15.7 thì hiện nay đang có tình trạng El Nino yếu và sẽ chuyển trang trạng thái ENSO trung tính trong 1 đến 2 tháng tới ở Bắc bán cầu. Như vậy, có khả năng lượng mưa trong lưu vực Mekong trong vòng 1-2 tháng tới sẽ thấp. Chúng tôi quan sát thấy mực nước sông Mekong tại Viên Chăn, Lào đang rất thấp kỷ lục so với tất cả các năm trước. Mực nước này có nghĩa là tình hình mùa lũ năm nay ở ĐBSCL sẽ rất thấp và về rất muộn, kéo theo sang mùa khô đầu năm 2020, sau Tết Nguyên đán, xâm nhập mặn ven biển ĐBSCL sẽ vào sâu trong đất liền”, Ths Nguyễn Hữu Thiện nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.