Khu vực thị trấn Xuân Mai và các xã lân cận trong H.Chương Mỹ vốn là điểm nóng về việc xử lý rác thải. Tại đây, có hàng loạt bãi rác lớn, gồm rác sinh hoạt, chất thải công nghiệp, rác thải bệnh viện…
Nhiều người dân đã chủ động nuôi bò trên chính những bãi rác này.
|
Theo khảo sát của Thanh Niên, chưa đầy chục cây số dọc theo quốc lộ 6 qua chợ Đông Phương Yên (xã Đông Phương Yên), chợ Gốt (xã Đông Sơn), có hàng chục bãi rác, mỗi bãi rác là các đàn bò. Chúng tranh nhau tìm thức ăn thừa bỏ đi là những phần cơm ôi thiu, những túi rau cỏ, hoa quả đã bốc mùi.
Cách đó không xa là thị trấn Xuân Mai, hình ảnh người dân ở đây “vỗ béo” đàn bò trên các bãi rác bốc mùi hôi thối nồng nặc nằm dọc đường nhựa đã trở nên quen thuộc.
Chị Bích Phượng, một người dân ở đây cho biết, trước đây mỗi hộ làm nông chỉ nuôi từ một tới hai con bò để lấy sức kéo, nhưng sau này, thấy một vài hộ chăn thả bò ở bãi rác mau lớn, không tốn công như chăn thả ngoài đồng hay trên đồi, nên nhiều gia đình đua nhau mua thêm bò về nuôi.
Nhà nuôi nhiều thì từ 7 đến 8 con, còn hộ khó khăn cũng không dưới 3 con.
“Cả ngày lũ bò lang thang hết bãi rác này qua bãi rác khác. Hễ nghe tiếng xe chở rác xuất hiện là chúng lao tới. Nhiều hôm, dân đồng nát còn không thể chen chân được với đàn bò… Ăn rác nhiều thành ra đàn bò lười đi xa gặm cỏ. Nên lắm hôm xua chúng ra đồng cho ăn cỏ non, nhưng không để ý là cả đàn lại theo con to nhất, rồng rắn tìm về bãi rác”, chị Phượng cho hay.
Cũng theo chị Phượng, vì mục đích nuôi bò tại bãi rác là để bán thịt, nên sức khỏe của chúng không được các hộ dân coi trọng.
Theo người dân trong khu vực, bò thường xuyên kiếm ăn tại bãi rác sẽ bị đau mắt, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, bụng luôn chướng hơi… |
“Nếu biết tính thời gian mà bán sớm thì còn được. Tránh để nuôi lâu như bò chăn thả ngoài ruộng, trên đồi thì không ổn. 7 - 9 tháng đầu chúng lớn nhanh như thổi, lông vàng óng mượt. Càng về sau, chúng có hiện tượng bụng chướng rất to, chững lại không tăng cân. Thậm chí có con còn gầy đi”, một người chăn thả bò tên Quang ở khu 3, thị trấn Xuân Mai cho biết.
Cũng theo anh Quang, nhiều con khi được lò mổ giết thịt, thì phần ruột gần như bị tắc, chứa toàn nilon vón cục lại với nhau. Mới đây, anh Quang phải gọi chủ lò mổ tới bán một con bò đực bỏ ăn mất gần tuần.
Những người như anh Quang, chị Bích Phượng… cho biết, họ không gặp sự ngăn cản hay cấm đoán nào từ bất cứ cơ quan nào.
Trong khi đó, không ít người tỏ ra lo lắng việc bò chăn thả trên bãi rác sẽ gia tăng nguy cơ lan truyền dịch bệnh, một số người đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng tới giờ chưa có phản hồi.
“Từ ngày thấy họ lấy bãi rác làm nơi nuôi bò, gia đình tôi ít dùng thịt bò, nếu có thì cũng chỉ mua tại những chỗ quen biết”, một người dân thị trấn Xuân Mai cho biết.
Khi xả thịt, trong cỗ lòng phát hiện nhiều vỏ túi đựng xà phòng giặt, kèm mảnh sứ, một số mảnh còn găm gần thủng ruột bò.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN và PTNT) cho biết, muốn thịt trâu, bò đảm bảo an toàn thì bắt buộc điều kiện chăn nuôi phải an toàn, trong đó thức ăn chăn nuôi phải an toàn.
“Thức ăn của gia súc trong bãi rác chứa tồn dư hóa chất, vi sinh vật gây bệnh, khi vào cơ thể gia súc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thịt”, ông Tiệp nói.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi cho hay, trâu bò ăn thức ăn ôi thiu và có chất độc thì không thể đảm bảo an toàn vệ tinh thực phẩm và Cục Chăn nuôi từng khuyến cáo các địa phương ngăn chặn hiện tượng này.
Hà An - Quang Duẩn
Bình luận (0)