Nuôi dưỡng năng khiếu của trẻ

05/10/2013 03:05 GMT+7

Ngay cả khi trẻ đoạt giải cao cuộc thi nào đó, phụ huynh cũng không thể mặc định nghề nghiệp tương lai cho trẻ. Thay vào đó, phụ huynh chỉ nên khuyến khích trẻ phát triển đúng năng khiếu.

Nuôi dưỡng năng khiếu của trẻ
Vai trò “quan sát và tham mưu” của phụ huynh rất quan trọng để giúp trẻ phát triển khả năng - Ảnh: Như Lịch


Cùng lúc có hai đứa con đoạt huy chương vàng và huy chương bạc ở Liên hoan Nghệ thuật châu Á năm 2013 diễn ra tại Singapore, chị Nguyễn Thị Liên Nam (ngụ ở Q.3, TP.HCM) không giấu nỗi vui mừng. Chị cho biết ban đầu đứa con út của chị là Tuấn Hải (9 tuổi, huy chương vàng piano) không thích học đàn piano mà chỉ mê vẽ tranh và nuôi động vật. Đến khi thấy mẹ và anh trai đi học đàn, Hải mới miễn cưỡng tham gia. Học đến tháng thứ tư, thấy mình không nằm trong đội tuyển dự liên hoan trên, Hải đã “khiếu nại” cho bằng được. Cố công luyện tập trong một thời gian ngắn, không ngờ Hải đã giành được tấm huy chương vàng!

Vui là vậy, song chị Nam chia sẻ: “Không phải thấy con mình đoạt giải cao là nhất định cho rằng đã tìm ra năng khiếu thực sự của con, rồi hướng con sau này theo nghề đó”. Hiện nay, bên cạnh việc duy trì học đàn, chị Nam còn tôn trọng những sở thích khác của các con.

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt, nêu thực trạng: một số phụ huynh khi con đoạt giải thưởng nào đấy thì hết lời tâng bốc, làm cho trẻ lúc nào cũng cảm thấy mình hơn mọi người. Theo ông Hòa An, điều này rất nguy hại, khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và cả trong tương lai. “Có những trẻ không có khả năng mà chỉ thích thôi, hoặc có khả năng nhưng lại không thích, không đam mê. Vì vậy, mọi sự áp đặt hay thổi phồng sẽ gây ra hiệu ứng không tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ, ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của trẻ”, ông Hòa An lưu ý.

Cách đây 3 năm, cô bé Phan Lê Ánh Dương (8 tuổi, ngụ ở H.Hóc Môn, TP.HCM) đã trăn trở về vấn đề môi trường liên quan đến căn bệnh ung thư. Với những sản phẩm sáng tạo, Ánh Dương đã liên tục đoạt nhiều giải thưởng sáng tạo bảo vệ môi trường. Cô bé ấp ủ ước mơ sau này sẽ trở thành đại sứ môi trường. Mẹ của Ánh Dương, chị Lê Thị Huệ cho hay gia đình chị xem những giải thưởng đó như là một sự khuyến khích con đường đi của bé là đúng. Chị Huệ phản ánh một thái cực khác có thể làm thui chột khả năng của trẻ, đó là: “Tôi thấy nhiều phụ huynh khi trẻ nói ra suy nghĩ, ước mơ nào đấy thì hay chặn lại rằng: Thôi con còn nhỏ lắm! Sau này lớn lên hẵng hay. Điều đó đã kìm hãm tư duy của trẻ ngay từ nhỏ”.

Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, phụ huynh nên đóng vai trò quan sát và tham mưu, chứ không thể quyết định về con đường mà đứa trẻ sẽ đi. “Hãy tôn trọng niềm đam mê của trẻ và tạo điều kiện, môi trường cho trẻ phát triển. Điều phụ huynh cần làm là mang đến cho trẻ một cần câu thích hợp bằng những kỹ năng, lớp học và phương pháp hiệu quả. Từ đó, giúp trẻ có thể câu được nhiều con cá ngon trong tương lai”, ông An nói.

Sau khi hai đứa con gặt hái thành công bước đầu trong liên hoan nghệ thuật châu Á nói trên, chị Liên Nam vẫn giữ vững quan niệm: “Chưa biết các cháu sau này sẽ làm gì, nhưng biết đánh đàn tức là đã có một công cụ tốt để giao tiếp, hòa đồng, kết nối các mối quan hệ. Chúng tôi mong muốn bất cứ lúc nào rảnh, các cháu cũng có thể mở đàn ra đánh, để kích thích trí não và có sự thăng bằng trong cuộc sống. Điều này sẽ khiến cho cuộc đời thú vị hơn, và như thế có thể truyền cảm hứng giúp con làm tốt những việc khác”. 

Nguyễn Như

>> Năng khiếu
>> Còn nhiều khó khăn trong đào tạo năng khiếu
>> Chọn môn năng khiếu cho con
>> Học hè ở câu lạc bộ năng khiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.