Nuôi heo ăn cơm đứng

23/06/2015 11:01 GMT+7

Chưa đầy 25 tuổi, anh Lê Nguyễn Nhân (ở thôn Lại Đức, xã Hoài Đức, H.Hoài Nhơn, Bình Định) đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi đem lại lãi ròng gần 250 triệu đồng/năm.

Chưa đầy 25 tuổi, anh Lê Nguyễn Nhân (ở thôn Lại Đức, xã Hoài Đức, H.Hoài Nhơn, Bình Định) đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi đem lại lãi ròng gần 250 triệu đồng/năm.

Anh Nhân (bên phải) và hệ thống chuồng nuôi heo lồng sắt của mình
Anh Nhân (bên phải) và hệ thống chuồng nuôi heo lồng sắt của mình - Ảnh: Hoàng Trọng
Năm 2012, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh ở một trường cao đẳng tại TP.Hồ Chí Minh, anh Nhân không về quê mà quyết bám trụ lại thành phố như bao bạn bè khác.
Sau một năm lăn lộn tìm kiếm việc làm, anh Nhân nhận ra rằng với một sinh viên mới ra trường được trả lương bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng sẽ không dư nếu sống tại TP.HCM. Trong khi đó, sách báo viết nhiều về các gương thanh niên nông thôn sản xuất giỏi đã xây dựng mô hình kinh tế đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vậy là anh Nhân nghỉ việc, đi tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, hiệu quả cao ở tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Bình Phước, Long An...
Năm 2013, anh Nhân bắt tay vào việc thiết kế lại chuồng chăn nuôi bằng xi măng của gia đình thành chuồng lồng sắt và chuồng đệm lót sinh học để đầu tư nuôi heo nái và heo thịt siêu nạc. Trái với suy nghĩ “nuôi lợn ăn cơm nằm”, anh Nhân suốt ngày anh chăm chú vào các công việc như: cho heo ăn, tắm heo, dọn vệ sinh... và đứng ngắm đàn heo của mình! Vì vậy, anh phát hiện ra rằng: mùa nắng, những chú heo của mình tìm cách tránh nóng nhưng bất lực, đành nằm thở dốc rất đáng thương. Rõ ràng, mô hình nuôi heo trên chuồng đệm lót sinh học không phù hợp do khí hậu ở địa phương quá nóng.
Anh Nhân đã chọn ra quy trình nuôi heo tối ưu như sau: heo giống từ khi cai sữa đến khi đạt 20 kg sẽ nuôi chuồng sàn nhựa; heo 20 - 40 kg sẽ ở chuồng đệm lót sinh học để heo vận động nhiều và ít tốn thời gian dọn vệ sinh chuồng trại; heo trên 40 kg thì chuyển qua chuồng sắt vì lúc này heo ít vận động, thân nhiệt lại cao. Anh cũng thiết kế lại hệ thống mái chuồng cho mát hơn và thiết kế hệ thống vòi phun nước, các máng nước xung quanh chuồng để thường xuyên tắm cho heo được dễ dàng.
“Thực tế quá trình chăn nuôi không đơn giản như nói. Tôi đã mất cả năm 2013 để thử nghiệm, ném vào chuồng trại, thức ăn, con giống... hơn 300 triệu đồng từ nguồn vốn của cha mẹ và vay thế chấp ngân hàng. Lắm khi mất ăn mất ngủ vì sợ đứt vốn nhưng may là khi bán heo cũng đã thu vào kha khá! Sang năm 2014 thì mô hình nuôi heo của tôi đã ổn định, xuất chuồng hơn 50 lứa heo giống và heo thịt, thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng”, anh Nhân nói.
Cùng với nuôi heo, anh Nhân còn thử nghiệm nuôi các loại chồn hương, kỳ đà, rắn...
Theo tính toán của anh Nhân, nuôi một con heo nái phải đầu tư chuồng trại hết 9 triệu đồng, thức ăn và thuốc men trong một năm hết 5 triệu đồng nhưng nuôi chồn thì chỉ cần đầu tư 4 triệu xây dựng chuồng và 1 triệu tiền thức ăn cho cả năm.
Vốn đầu tư cao hơn nhưng chưa chắc heo nái đẻ theo ý muốn, lại hay dịch bệnh còn nuôi chồn thì ngược lại, giá đầu ra cả chồn giống lẫn chồn thịt đều ổn định và cũng có thể sản xuất cà phê chồn. Trong năm 2014, dù chỉ nuôi thử nghiệm nhưng anh Nhân thu lãi từ nuôi chồn hơn 40 triệu đồng.
“Nuôi chồn hương có vốn đầu tư thấp, ít rủi ro, lãi cao và đầu ra ổn định hơn cả nuôi heo. Tôi đang dự trù kế hoạch để chuyển từ nuôi heo sang nuôi chồn với quy mô lớn”, anh Nhân chia sẻ.
Đáng để học hỏi
Anh Nguyễn Hữu Tâm, Bí thư Đoàn xã Hoài Đức: Thanh niên ở địa phương đa số đều đi vào các thành phố lớn để kiếm sống nên việc tự tạo ra cơ hội làm giàu ngay tại quê nhà như anh Lê Nguyễn Nhân rất đáng để học hỏi. So với các mô hình của nông dân ở xã Hoài Đức, mô hình của anh Nhân ổn định hơn, đem lại hiệu quả cao hơn là nhờ anh Nhân luôn biết tính toán, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Năm 2014, anh Nhân được Hội LHTN tỉnh Bình Định tặng bằng khen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.