Dẫn chúng tôi tham quan vườn mít và vú sữa rộng 2.000 m2 đang kỳ thu hoạch, anh Đạt chỉ về những trái mít dạt, thương lái không mua và cho biết sẽ dùng làm thức ăn cho heo rừng. Heo rừng ăn mít lớn nhanh, thịt ngon hơn so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp.
"Nghe đơn giản vậy chứ để am hiểu đặc tính, quá trình sinh trưởng của heo rừng, tôi đã mất thời gian dài đến từng trại chăn nuôi học hỏi. Đồng thời trải qua nhiều năm vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm mới thành công như hôm nay", anh Đạt chia sẻ.
Anh Đạt tốt nghiệp đại học ngành ngữ văn nhưng lại đam mê chăn nuôi, trồng trọt. Vì vậy, sau khi rời giảng đường, anh bỏ công đến các trang trại ở miền Tây học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi. Năm 2016, anh quyết định về quê nuôi heo rừng theo mô hình bán hoang dã trong vườn cây ăn trái của gia đình. Anh Đạt cho heo ăn loại có sẵn có tại vườn và dễ tìm mua ở địa phương như khoai, mít, bã đậu nành…
Ban đầu, anh chỉ nuôi hơn 20 con. Dần dần, tích lũy kinh nghiệm và áp dụng vào quá trình chăn nuôi, thấy đàn heo phát triển tốt, anh cho sinh sản và đầu tư thêm con giống. Đến nay, đàn heo có hơn 160 con.
Anh Đạt cho biết để nuôi heo rừng thành công, thịt ngon, săn chắc thì áp dụng theo kiểu bán hoang dã. Tuy nhiên, vào mùa mưa phải nuôi nhốt trong chuồng, tránh bị ký sinh trùng ngoài da. Heo rừng tuy có sức đề kháng mạnh nhưng vẫn phải phòng bệnh thường xuyên bằng cách tiêm vắc xin. Về chế độ ăn, cần tăng cường rau củ quả, không nên cho heo ăn thức ăn công nghiệp.
"Trước giờ, nhiều người nuôi cho rằng heo rừng mạnh khỏe nên ít tiêm phòng vắc xin cho chúng từ nhỏ và nuôi theo kiểu nhà có gì cho ăn nấy. Thực tế, heo rừng cần có chế độ ăn hợp lý, kết hợp từ bã đậu nành, rau, củ, xác bia để cân đối dinh dưỡng, giúp heo phát triển đồng đều", anh Đạt chia sẻ.
Heo rừng từ lúc thả nuôi đến xuất bán mất khoảng 6 tháng. Heo nuôi từ 9 - 12 tháng bắt đầu sinh sản, mỗi năm sinh 2 lứa, mỗi lứa 6 - 10 con. Để tránh heo rừng bị nhiễm bệnh, khi chúng mới sinh ra phải tiêm vắc xin phòng bệnh cho đến khi lớn.
"Do trại chú trọng uy tín, chất lượng nên tôi chỉ bán heo giống khi đã đạt từ 20 kg trở lên để người mua dễ nhận biết heo rừng chất lượng, không bị lai. Do ở miền Tây heo rừng đã bị lai rất nhiều nên mục tiêu của tôi là phải làm ra con giống tốt nhất để bán cho người dân", anh Đạt cho hay.
Hiện anh Đạt cung ứng heo rừng giống và heo rừng thương phẩm khắp các tỉnh, thành miền Tây. Heo thương phẩm có giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, heo giống 180.000 đồng/kg. Nhờ đó, anh có nguồn thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Sắp tới, anh dự tính tăng đàn, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trại nuôi của anh Đạt đã có giấy chứng nhận trại nuôi động vật rừng thông thường vì mục đích thương mại của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng và giấy xác nhận đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của UBND H.Kế Sách.
Bình luận (0)