Trong đó, có rất đông khán giả trong nước - điều còn hiếm với nhiều chương trình nhạc giao hưởng. Ngay như trong những chương trình biểu diễn định kỳ của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, chủ yếu là khán giả nước ngoài, khán giả trong nước vẫn còn thưa vắng.
Trước khi chương trình của NSND Đặng Thái Sơn diễn ra, khán giả được nhận tờ giấy giống như thường lệ - đăng ký trở thành thành viên chương trình hòa nhạc đặt vé trước với những quyền lợi như được giảm giá vé, được giữ chỗ trong cả năm. Một cách mà dàn nhạc muốn tạo ra lượng khán giả trụ cột và trung thành, cũng như thói quen thưởng thức âm nhạc hàn lâm thường xuyên cho công chúng, đặc biệt là khán giả Việt.
Cũng giống như cách để kéo khán giả đến với thứ âm nhạc vốn được coi là bác học, có chương trình nhạc giao hưởng và thính phòng được thực hiện theo con đường: phổ biến âm nhạc rộng rãi và miễn phí. Có thể kể đến như chương trình Giao hưởng hè phố - Luala đang diễn ra định kỳ theo mùa, và Câu lạc bộ thính phòng Hà Nội (CEG) của nhạc sĩ Nguyễn Cường và bạn bè ông. Những chương trình của Câu lạc bộ thính phòng được biểu diễn thường xuyên hằng tháng, không bán vé, còn nghệ sĩ không nhận cát sê.
Không quá lạc quan khi nhìn nhận, những cố gắng của những người làm nghề và có tâm huyết đã bắt đầu thay đổi cái nhìn và khoảng cách của công chúng với âm nhạc hàn lâm. Những chương trình nhạc giao hưởng không còn lo ế vé, khán giả trong nước đã đến đông hơn, những mùa diễn của giao hưởng hè phố đã được chờ đón, Câu lạc bộ thính phòng đã được nhiều người biết đến.
Bằng cách này hay cách khác, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Chương trình Giao hưởng hè phố, Câu lạc bộ thính phòng Hà Nội đang cố gắng nuôi khán giả cho âm nhạc cổ điển. Nhưng nếu nhìn xa hơn, thì đó cũng sẽ là những cách thức giúp nuôi sống trở lại chính loại hình âm nhạc này.
Minh Ngọc
>> “Kế hoạch đồ sộ nhất” của Đặng Thái Sơn
>> Đặng Thái Sơn và Ikuko Kawai phát hành album tại Việt Nam
Bình luận (0)