Nuôi lợn rừng ở miền biển

07/02/2017 13:00 GMT+7

Đó là ý tưởng của vợ chồng ông Hoàng Văn Hoan (Quảng Trị) giữa lúc hậu quả của sự cố môi trường biển vẫn đang dai dẳng tại vùng biển quê hương, qua đó mở ra một hướng chăn nuôi mới hiệu quả.

Những ngày giáp tết vừa qua, gia đình ông Hoan (43 tuổi, trú thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, H.Gio Linh) và bà Nguyễn Thị Liễn (42 tuổi) đã xuất bán lứa lợn rừng đầu tiên của mình, được nuôi ở vùng biển. Ông Hoan kể trước đó gia đình kinh doanh hải sản phục vụ khách du lịch ở bãi tắm nam Cửa Tùng. Công việc từng rất phát đạt khi khách vào ra nườm nượp. Nhưng từ sau tháng 4.2016 thì mọi việc đã khác khi sự cố môi trường biển xảy ra. “Không chỉ chúng tôi mà rất nhiều ngư dân, rất nhiều hàng quán trong khu vực đều ế khách. Hàng tháng trời chúng tôi vẫn cầm cự kinh doanh nhưng chẳng có khách nào ghé đến cả...”, ông Hoan nói.
Không ngã quỵ trước tác động khách quan, vợ chồng người ngư dân chất phác ấy đã dò dẫm tự tìm lối thoát cho mình. Nhiều đêm vắt trán nghĩ suy, ông Hoan chợt nhớ đến những ngày lang bạt làm việc trong xưởng gỗ vùng biên giới Việt Lào, ở đó người dân địa phương đã thuần chủng và nuôi một giống lợn rừng tuy nhỏ nhưng chất lượng rất cao nên bàn bạc với vợ mua chục cặp về nuôi thử.
Lạ thay, dù là chủng lợn sống ở trên rừng nhưng khi đưa về vườn nhà ông Hoan vốn là vùng biển, đầy cát, đầy gió thì chúng cũng tỏ ra thích nghi nhanh chóng. “Giống lợn này hầu như không mắc bệnh tật gì, ăn rất tạp nên dễ nuôi. Và do chúng chạy cát nên thịt càng săn, ít mỡ và ngon”, ông Hoan chia sẻ.

Giống lợn này hầu như không mắc bệnh tật gì, ăn rất tạp nên dễ nuôi. Và do chúng chạy cát nên thịt càng săn, ít mỡ và ngon

Ông Hoàng Văn Hoan (H.Gio Linh, Quảng Trị)

Thấy tiềm năng lớn, ông Hoan xin chính quyền 3 ha đất ngay cạnh đường quốc phòng chạy dọc bờ biển để mở trang trại. Đầu tư 400 triệu đồng từ tiền tiết kiệm chưa đủ, vợ chồng ông vay mượn thêm để xây dựng hệ thống chuồng trại, hệ thống dẫn nước và dựng rào chắn bằng tôn quanh khu đất.
Hiện trang trại của ông Hoan có hơn 100 con lợn bản được nuôi lấy thịt và lấy giống, một ít lợn nhà và khoảng 300 con gà, vịt. Điều đặc biệt là toàn bộ những con vật nuôi ở đây ông Hoan chỉ cho ăn các loại rau củ, lúa gạo và bột cám gạo mà không hề sử dụng thức ăn công nghiệp. Hệ thống chuồng trại của gia đình cũng rất sạch sẽ, dù nuôi cùng lúc nhiều loại gia súc gia cầm nhưng hầu như không hề có mùi hôi.
Bà Liễn cho biết thêm, chính nhờ phương pháp nuôi lợn sạch này nên mỗi khi vợ chồng bà mổ thịt bán lẻ tại nhà, rất nhiều người dân tìm đến mua. Mặc dù giá thịt lợn bản khá cao, 150.000 đồng/kg, nhưng bà con vẫn hỏi mua rất đông. Việc chuyển đổi kinh tế bước đầu đã mang lại cho gia đình chị mỗi tháng hơn chục triệu đồng, ngoài ra còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và người dân.
Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu thông tin xin liên hệ ông Hoan qua số điện thoại 0914116816 .
“Vợ chồng tôi sẽ tăng số lượng bầy lợn bản lên vài trăm con nữa. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi lo ngại là muốn mở rộng mô hình cần phải thuê được đất lâu dài, trong khi xã chỉ cho thuê thời gian ngắn hạn nên nhiều ý tưởng ấp ủ vẫn đang còn bỏ ngỏ. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất mong được chính quyền địa phương và các cấp ban ngành quan tâm, có chính sách hỗ trợ về vay vốn để chúng tôi có điều kiện phát triển kinh tế, đưa thương hiệu lợn bản sạch có mặt rộng rãi khắp trong và ngoài tỉnh”, ông Hoan chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.