Năm 2019, vợ chồng anh Trực, chị Nhi bắt tay vào thực hiện mô hình kết hợp nuôi ong dú và trồng xương rồng siêu bông. Anh chị đã xây dựng 2 trang trại ong với các hộp gỗ 3 tầng để chúng làm tổ và che nhà kính để trồng xương rồng. Chi phí đầu tư cho mô hình này hơn 1,5 tỉ đồng.
Lợi nhuận cao với mô hình kết hợp
Anh Trực chia sẻ: "Mình đã nuôi ong dú từ 10 năm trước. Chúng có ưu điểm là loài ong không ngòi nên chẳng nguy hiểm cho người nuôi. Đặc biệt, ong dú không ăn đường, chỉ tìm phấn và mật hoa để làm thức ăn. Vì thế, mật ong dú có giá khá cao trên thị trường và được nhiều người tìm mua tổ để tự nuôi".
Anh Trực cho biết ban đầu việc nuôi ong nhỏ lẻ, nguồn thức ăn hoàn toàn do chúng tự tìm. Tuy nhiên, về sau khi số lượng tổ ong tăng lên, bài toán đặt ra cho hai vợ chồng là làm sao đảm bảo đủ thức ăn để chúng không bỏ tổ. Từ đó, họ nghĩ đến việc trồng cây xương rồng để tạo nguồn phấn hoa cho ong.
Bên cạnh đó, chị Nhi còn là cử nhân công nghệ sinh học nên cũng mong muốn qua mô hình này có thể mày mò thêm phương pháp cấy ghép để tạo ra nhiều loại xương rồng siêu bông đa dạng về màu sắc, hình dáng và kéo dài được thời gian nở.
Nhiều năm liền mô hình còn mang tính chất thử nghiệm và manh mún vì để nhân giống và phát triển. Đến năm 2022, mô hình kinh doanh này mới thực sự hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cho gia đình.
Đến nay, anh chị đã có gần 1.000 tổ ong và hơn 1.000 cây xương rồng các loại. Mỗi tháng 2 vợ chồng bán ra khoảng 10 tổ ong với giá 2 triệu đồng/tổ và 20 lít mật ong cũng có giá 2 triệu đồng/lít. Về cây xương rồng siêu bông, mỗi tháng vườn xuất bán gần 300 cây với giá thành dao động từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/cây. Tính riêng năm 2023, mô hình này thu về gần 300 triệu đồng lợi nhuận.
Tạo môi trường sinh thái tốt
Nói về sự thuận lợi khi làm mô hình này, anh Trực cho biết vì ong dú có tập tính tự kiếm ăn nên không tốn công sức nhiều. Còn với xương rồng siêu bông, chị Nhi lại bỏ ra nhiều tâm sức, thời gian để nghiên cứu và lai tạo. Chưa kể việc đi tìm giống và thử nghiệm, mỗi cây con trồng từ hạt giống tốn khoảng 10 – 12 tháng, riêng ghép giống thì 2 - 3 tháng cây sẽ cho hoa. Tuy nhiên, sau khi đã lai tạo và cấy ghép thành công, việc chăm sóc vô cùng đơn giản.
Chị Nhi chia sẻ: "Xương rồng là loại cây dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu nắng gió ở Ninh Thuận. Ngoài ra, xương rồng cũng có tiềm năng kinh tế vì ra hoa quanh năm và rất được mọi người ưa chuộng. Khi kết hợp vào mô hình này, xương rồng sẽ là nguồn cung cấp thức ăn cho ong dú, còn ong dú giúp xương rồng đẩy mạnh quá trình thụ phấn, hoa phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ đó, mô hình tạo ra một môi trường sinh thái giúp 2 loài cây trồng, vật nuôi này có điều kiện phát triển thuận lợi".
Hiện, có nhiều khách đến tham quan và học hỏi mô hình của anh chị. Qua đó, hai vợ chồng còn ấp ủ ước mơ thực hiện dự án "Sa mạc nở hoa" với 2 chiến dịch là "Bảo tồn ong dú" và "Khu vườn nở hoa" nhằm hướng người nuôi trồng đến việc tạo một mảng xanh ở bất cứ đâu trong căn nhà, khu vườn của họ để góp phần tạo nên một bầu không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên.
"Chúng tôi mong muốn khách hàng khi mua tổ ong dú về có thể tạo một hệ sinh thái riêng cho chúng. Nó sẽ không phải một mô hình to lớn, chỉ đơn giản là trong khu vườn, trên sân thượng hay bất cứ nơi nào mà khách hàng nuôi ong. Điều này, giúp họ có thể trồng thêm cây hoa để chúng có môi trường sinh trưởng giống như ngoài thiên nhiên. Bên cạnh đó, tuy nhỏ thôi nhưng việc làm này còn góp phần làm môi trường sống của chúng ta trong lành hơn", anh Trực chia sẻ.
Bình luận (0)