Nuôi ong làm giàu

26/12/2014 10:51 GMT+7

Nghề nuôi ong đã mang lại cho ông Lê Thành Phương (ngụ ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, H.Cù Lao Dung, Sóc Trăng) thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Nghề nuôi ong đã mang lại cho ông Lê Thành Phương (ngụ ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, H.Cù Lao Dung, Sóc Trăng) thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Nuôi ong làm giàu
Chú thích ảnh: Ông Phương thường xuyên theo dõi các thùng ong để đảm bảo đàn ong phát triển tốt -  Ảnh: Thiên Lộc
Nuôi ong dưới tán vườn

“Nghề nuôi ong rất dễ làm giàu vì mật ong có chất lượng lúc nào cũng hút hàng và giá luôn ở mức cao”

Ông Lê Thành Phương

Ông Phương kể sau khi đi nghĩa vụ quân sự trở về, ông đã về quê vợ ở H.Cù Lao Dung lập nghiệp. Lúc đầu, do gia đình thiếu vốn, thiếu đất sản xuất lại chưa có kinh nghiệm nên thu nhập từ làm vườn chẳng được bao nhiêu. Ông cũng thử trồng mía nhưng được vài vụ đã bị lỗ do giá lên xuống thất thường. Trong lúc loay hoay tìm hướng làm ăn thì huyện có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ông quyết định chuyển qua trồng nhãn, bưởi, dừa theo phương pháp đa canh. Thấy nhiều nông dân ở ĐBSCL tận dụng vườn nhà nuôi ong đạt hiệu quả kinh tế cao, ông cũng ấp ủ kế hoạch gầy dựng đàn ong.
Cơ hội đến với ông Phương khi đầu năm 2002, Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng tổ chức chương trình hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong thử nghiệm cho nông dân. Ông cũng đã đến Bến Tre tham quan mô hình nuôi ong dưới tán vườn. Sau khi học hỏi kinh nghiệm trở về, ông bắt tay vào mua con giống gầy đàn. Thoạt đầu, ông chỉ nuôi 15 thùng ong giống VN, sau tăng dần lên 50, có lúc lên tới 150 thùng. Từ năm 2012, ông duy trì khoảng 40 thùng ong giống nội địa và chuyển sang nuôi giống ong của Ý.
Hiện nay đàn ong Ý của ông đã lên đến 200 thùng và ông vẫn đang tiếp tục tăng đàn. Theo ông Phương, ong Ý phát triển mạnh, năng suất cao hơn so với ong nội địa nhưng vốn đầu tư khá nặng, công chăm sóc cũng vất vả hơn. Ông thường xuyên phải di chuyển đàn ong qua nhiều nơi, từ rừng tràm ở Tam Nông (Đồng Tháp) đến Vĩnh Long, Trà Vinh rồi quay về Cù Lao Dung, tùy theo mùa hoa của từng loại cây như nhãn, tràm, keo, bạch đàn…
Mật không đủ bán
Để tăng thêm hiệu quả sản xuất, ông Phương còn cùng con trai tìm hiểu kỹ thuật nuôi ong qua sách vở và mạng internet. Theo ông, nghề làm vườn đã cực, nuôi ong càng cực hơn. Người nuôi phải am hiểu tập tính của ong, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào. Ngoài ra, muốn cho đàn ong phát triển mạnh, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật tách đàn, tạo ong chúa, lấy mật, khai thác sữa ong chúa và phấn hoa, đặc biệt là xử lý kịp thời hiện tượng ong bốc bay hoặc bệnh thối ấu trùng.
Ông Phương cho biết: “Nghề nuôi ong rất dễ làm giàu vì mật ong có chất lượng lúc nào cũng hút hàng và giá luôn ở mức cao. Có khi tôi làm ra không đủ giao cho mối”. Tuy nhiên, nghề này nhiều khi cũng gặp bất trắc, nhất là vào những tháng mưa liên tục do thiếu nguồn phấn hoa, đàn ong phát triển chậm. Sợ nhất là đàn ong bị nhiễm hóa chất do người làm vườn phun xịt lên cây. Muốn khắc phục tình trạng trên, đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm và luôn theo dõi sát sao từng giai đoạn, từ lúc chọn điểm đặt thùng ong cho đến lúc lấy mật và ong chúa tách đàn. Chỉ một chút bất cẩn là ong có thể bỏ đàn, vốn liếng tiêu tan.
Năm vừa qua, ông Phương đã khai thác gần 5 tấn mật, bán sỉ với giá 70.000 đồng/kg, mật loại tốt lên đến 150.000 đồng/kg. Ngoài mật ong, ông còn cung cấp ong giống, sữa ong chúa, phấn hoa và sáp ong. Tính ra, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 350 triệu đồng từ nuôi ong, trừ hết chi phí, còn lời gần 200 triệu đồng/năm. Nhờ đàn ong, ông Phương đã có cuộc sống khấm khá và trở thành nông dân sản xuất giỏi của địa phương, được chọn đi dự Hội nghị nông dân điển hình ở Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.