Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày mổ lợn dâng tế, bà Nguyễn Thị Nhung ở xóm Trần Phú sốt sắng, hồi hộp dồn sức chăm sóc cho ba "ông" lợn đang "ngự" tại nhà.
Trời rét căm căm nhưng ngày nào, hai mẹ con bà Nhung cũng thay nhau sắn quần, lội vào phun nước rửa nền chuồng cho sạch. Riêng khoản tắm gội, gia đình phải dùng chiếc nồi lớn nấu nước nóng, đem hòa với nước lạnh cho âm ấm rồi mới dùng tắm cho "ông" lợn.
“Mùa đông thì tuyệt đối không dùng nước lạnh, nhỡ "ông" cảm ốm thì lo lắm. Mùng một (âm lịch - PV) đầu tháng, tôi cũng có ra lễ đền Thượng cầu cho các "ông" mạnh khỏe hay ăn chóng nhớn”, bà Nhung cho biết.
Gia đình bà Nhung nhận vinh dự đăng cai nuôi lợn tế, nên dù nhà có xưởng sản xuất bánh kẹo với hàng chục lao động, bà chưa vội khai xuân mà tập trung trông nom "ông" lợn.
Ngoài phục vụ xóm, bà Nhung nuôi thêm hai “ông” nữa cho các xóm bên cạnh. Thi thoảng, họ vẫn cắt cử người sang theo dõi tốc độ tăng trưởng, nghe ngóng sức khỏe của “ông”.
Theo quan niệm của người dân trong xã La Phù, gia đình nào chăn nuôi thành công nghĩa là có phúc có duyên với "ông" lợn, sẽ may mắn cả năm. Để có ''ông'' lợn đẹp mã thì khâu chọn giống vô cùng nghiêm ngặt. Lợn giống phải nặng hơn 100kg; thân hình phương trượng, tai vểnh đuôi cong; da dẻ hồng hào, lông mượt và trắng.
Hội rước ông lợn ở La Phù diễn ra ngày 13 tháng Giêng hằng năm, tưởng nhớ thần hoàng làng Tĩnh Quốc - vị tướng thời Hùng Vương có công đánh giặc giữ nước. Chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, hội rước lợn năm nay ở La Phù sẽ tổ chức hoành tráng hơn thường lệ, với 17 "ông" lợn tham gia lễ tế. |
Theo ông Ngô Văn Hùng, nhà ở xóm Tiền Phong, không phải gia đình nào cũng có vinh dự được chăm nuôi lợn tế.
Đầu tiên, gia đình phải thật thành tâm, trong năm không có tang, trên dưới thuận hòa không cãi vã. Điều kiện này sẽ do các cụ cao niên trong xóm thẩm định và bầu chọn.
Chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè; ấm áp trong mùa đông. Gia chủ tuyệt đối không cho "ông" lợn ăn thức ăn ôi thiu, nấm mốc.
Ở xã La Phù, lợn tế được coi là linh vật nên hễ ốm, đau ngoài việc chạy chữa bằng thuốc thú y, gia chủ phải sắm sửa lễ vật ra cầu thần hoàng làng “độ” cho “ông” chóng khỏe. Mùng một đầu tháng, gia chủ chuẩn bị lễ vật gồm 3 quả cau tươi, vài lá trầu mang ra đền cầu mong công việc chăn nuôi thuận chèo, mát mái cho tới ngày hành lễ.
Cụ Nguyễn Viết Thìn, 71 tuổi, phụ trách trông coi di tích đền Thượng cho biết: so với ngày xưa, công đoạn chăm nuôi khác trước rất nhiều. Trước đây, thức ăn cho lợn phải là cám trộn với gạo chứ không phải là gạo tấm, rồi đem nấu nhuyễn ra thành cháo.
“Là linh vật tế thần nên trước khi giết mổ, gia chủ trải chiếu hoa từ chuồng nuôi đến chỗ giết mổ để nghênh đón "ông" lợn", cụ Thìn kể lại. Bây giờ, người dân nuôi ''ông'' lợn bằng thức ăn công nghiệp, đầy đủ chất dinh dưỡng. Hai tháng cuối cùng chuẩn bị làm lễ, gia chủ lấy gạo ninh cháo phục vụ "ông" lợn.
Quen miệng với thức ăn khô, nhiều "ông" lợn kiên quyết không chịu ăn cháo, gia chủ đành tiếp tục sử dụng đồ ăn công nghiệp. “Mấy lần nấu cháo đưa vào, “ông” không ăn, cứ đùn bỏ. Giá “ông” chịu ăn, mỗi ngày gia đình phục vụ một nồi cháo nóng thì sướng quá”, bà Nhung xuýt xoa, tỏ vẻ tiếc rẻ.
Lợn tế là của chung của cả xóm nên trước hội rước, các gia đình tự nguyện góp tiền lễ cho gia chủ nuôi lợn hoặc đăng cai lễ tế. Số tiền dùng trang trải chi phí mua sắm lễ vật và thịt lợn tính theo thời giá thị trường, chưa bao gồm kinh phí mua thức ăn chăn nuôi.
Không nặng về yếu tố thiệt hơn, lễ hội là phong tục đẹp góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các gia đình trong thôn xóm.
Phan Hậu - Bích Thủy
Bình luận (0)