“Nướng” tiền cho đồng cô, đồng bóng

10/03/2006 10:46 GMT+7

Hiền, chủ một công ty thời trang ở Phố Huế (Hà Nội), mới 27 tuổi nhưng mê đồng bóng. Cô kể, cứ 2-3 tháng lại phải làm một “đêm hầu”. Không chỉ riêng cô mà cả 3 chị em và bà mẹ già ở Thanh Oai (Hà Tây) cũng vậy. Mỗi lần cứ thấy “nặng căn”, làm ăn không gặp là cả đại gia đình cô lại chung tiền, rủ nhau đi “mua” một đêm hầu để giải hạn. Hiền “chơi” giá hầu nhiều đến nỗi, đến nay cô đã thuộc làu từng địa chỉ chuyên hầu đồng ở Hà Nội.

300 triệu đồng để vui 36 giá đồng

Giữa tháng 2/2006, chúng tôi theo mẹ Hiền lọt vào một “sới” hầu đồng nằm sâu trong khu Thuốc Bắc (Hà Nội). Hiền kể, để thuê được giá hầu đồng đêm nay, cô phải xếp hàng đặt lịch với “cô” trước cả tuần lễ.

Bắt đầu từ 17h, trong nhà “cô” đã não nuột nhạc, rực rỡ đèn, nến, lửa và mù mịt khói nhang, trầm. Giữa nhà, một ban thờ trưng bày hương án, hoành phi, câu đối cổ, cờ quạt, mũ áo, hoa quả, đồ tế lễ… Nền nhà trải kín chiếu cói.

“Cô” mà Hiền gọi lại là một anh mặt trắng đầy phấn, môi lòe loẹt son. 19h, “cô” mặc áo tế xanh đỏ, đầu thắt khăn vàng, thêu rồng phượng, lửa và lua tua bắt đầu cầm 2 cán cờ, bước đi bước lại, sang phải lùi trái, “đảo” như chong chóng trước hương án. Cứ mỗi giá 25-30 phút, “cô” lại lui vào “hậu cung” đổi sắc phục, khí cụ rồi nhảy ra “diễn” tích mới.

Đội cung văn (nhạc công) khi não nuột, khi réo rắt, khi phầm phập như rock, rap. Mẹ con Hiền quỳ trên chiếu, bên chân “cô”, sì sụp lạy và vâng, dạ nghe “cô” phán những lời được nói ra từ... miệng người cõi âm. Tranh thủ giờ giải lao giữa các giá, cô lại tất tả ôm rổ lộc (kẹo, bánh, hoa quả, mì tôm, xôi, oản) và tiền đi phân phát cho các con nhang đệ tử, nhạc công ngồi hầu chung quanh.

Cứ như vậy, giá hầu của cô được kéo dài cho đến sáng.

Theo Hiền, “giá” được hiểu là một màn, tiết mục múa và hát. Tùy theo từng “tích”, “ghềnh” mà chọn nhạc điệu, ca từ khác nhau. Một cuộc hầu đồng trọn vẹn có 36 giá. Tuy nhiên, tùy lượng tiền của tín chủ mà thỏa thuận số lượng giá. Ít thì 9, 12 giá. Nhiều thì 21, 23 giá... Thời lượng mỗi giá cũng khác nhau, ngắn chỉ khoảng 20-30 phút, dài có thể tới 1 giờ đồng hồ. Nếu diễn đủ 36 giá lớn, cả cô đồng và tín chủ phải thức suốt 2-3 đêm liền.

Hiền bảo, có đi hầu đồng mới biết bây giờ người ta đang đua nhau “chơi” đồng bóng. “Mỗi cuộc mở đồng như vậy, chúng em ít tiền, chỉ dám chơi 15-16 triệu đồng. Nhưng một giá đồng ra trò thực sự thì phải 20-30 triệu đồng”. Đắt, nhưng người ta vẫn đổ xô đi hầu đồng. Nhiều khi, vào những ngày lễ, rằm, tết, các sới hầu ở Hà Nội chật kín lịch, mẹ con cô phải dắt nhau hầu tận các điện, phủ lớn và được đồn là linh thiêng ở Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tây…

Còn Nhung, một phụ nữ khoảng 45 tuổi, chủ cửa hiệu karaoke, mát-xa thư giãn ở Thụy Khuê (Hà Nội) thì bảo: “tôi đi hầu đồng nhiều đến nỗi bây giờ nghiện”.

Cứ hễ đâu mở giá đồng, Nhung lại bỏ nhà cửa đến xem giá, thức thâu đêm để xin lộc. “Không một tụ điểm đồng bóng nào ở Hà Nội tôi không thuộc. Tôi còn thuộc làu cả tên, tuổi, tiểu sử của các “cô”, “cậu” và đám cung văn đàn hát”, cô kể. Thậm chí, cô còn quen và thuộc tên của nhiều vị khách sộp là quan chức, nhà doanh nghiệp, dân chơi...

Theo cô, phần lớn các vị “con nhang đệ tử” chịu chơi, khách sộp ít khi muốn hầu ở nhà thầy, mà thường thuê hẳn “cô”, “cậu” về tư dinh, lập điện, mở phủ nguy nga, tráng lệ để múa. Họ thuê cả dàn cung văn nổi tiếng về đàn, hát suốt canh thâu. Mỗi cuộc như vậy, chi phí bỏ ra khoảng gần 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, mức chơi trên vẫn chưa bằng một vị quan chức ở Hà Nội, mới đây đã chi tới 300 triệu đồng, thuê cả một chiếc du thuyền ở Hồ Tây để đưa “cậu” đồng và đám cung văn, con nhang, tín chủ… lên say sưa nhảy múa suốt 3 ngày đêm giữa mênh mông sóng nước, nhảy múa đủ 36 giá. Trong đó, “cô” đồng được thuê là một giáo sư tên T. rất nổi tiếng trong giới hầu đồng hiện nay. Còn cung văn được tuyển từ những nghệ sĩ hát chèo, quan họ, diễn viên sân khấu… đang nổi. Tiền “cát-xê” chi cho “cô” sau 3 ngày đêm khoảng 120 triệu đồng. Gần 70 triệu đồng trả cung văn và hàng chục triệu tiền “lộc” cho quan khách.

Bùng nổ cung văn, hầu bóng, điện thờ tư

“Ngồi hát ăn bát vàng” là câu mà các cung văn đồng bóng thường bảo nhau. Bởi vậy, hiện nhiều người đang đua nhau đi làm cung văn. Trong đó, 2 làng Tam Sơn và Phù Lưu Tế (thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng là đất quan họ với những giọng ca vang, rền, nền, nảy. Nhưng không mấy ai còn tha thiết hát quan họ nữa.

Cứ sau hội Lim, hơn 20 đàn ông ở đây lại xách sáo, nhị, đàn nguyệt theo phục vụ các giá hầu. “Nay ở Hà Nội, nhưng mai đã ngồi tận Thanh Hóa, Nghệ An rồi”, Nguyễn Đức Hải, 41 tuổi, một tay đàn nguyệt kiêm hát chầu văn mới nổi, quê ở Tam Sơn, tiết lộ.

Dẫu vậy, Hải vẫn chỉ là bậc đàn em của các tay chuyên hát đồng nức tiếng, chỉ nghe tên đã khiến dân nghiện đồng bóng mê mẩn, như X.H, Q.A, Q.Tr… “Cát-xê” của họ tiềm tiệm cũng 15-20 triệu đồng/tháng, cao có thể tới 40-50 triệu đồng/tháng. Món hời từ nghiệp hầu bóng cũng lôi kéo nhiều sinh viên khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện Hà Nội ra trường đi làm cung văn.

Cung văn nhiều, “cô” đồng cũng lắm. Ở các huyện Mỹ Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín (Hà Tây) gần đây xuất hiện nhiều “làng cô đồng”. Trong đó, hoạt động sôi động hơn cả là làng Hòa Nam và khu chùa Hương, thuộc huyện Mỹ Đức.

Ban đầu, họ chỉ là những thầy cúng, thầy bói, nhưng thấy nghiệp “cô” đồng nhanh “lên đời” hơn, nên chuyển sang làm đồng cô, bóng cậu, với những “cô” Kha, “cô” Tiến, “cô” Vân, “cô” Luyến… nườm nượp khách. Nhiều đêm, con nhang, tín chủ tứ xứ kéo về. Gần thì Hà Tây, Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ. Xa tận Thừa Thiên-Huế, TP.HCM. Ô tô đỗ kín đê làng.

Tuy nhiên, muốn tìm “sào huyệt” của giới cung văn, hầu bóng phải về Phủ Dầy (Nam Định), cách Hà Nội 90km. Khách muốn ngồi đồng ở đây thường phải đăng ký trước cả tuần… Ngày rằm, mùng một, có thời điểm cùng lúc 5-6 đám nhảy đồng cùng múa may, thu hút hàng trăm con nhang, đệ tử. Họ đến từ khắp các tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Yên Bái, thậm chí từ TP.HCM, Bình Dương, Nha Trang… Giá hầu mỗi “sô” ở đây đắt nhất khoảng 20-30 triệu đồng, rẻ cũng 3-4 triệu đồng.

Theo giáo sư Trần Lâm Biền, một người chuyên nghiên cứu về Phật giáo, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, thì thời phong kiến, tệ nạn hầu đồng, hầu bóng đã bị cấm khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khởi thủy của lễ hầu đồng lại mang ý nghĩa khá tốt đẹp, tôn vinh phong tục thờ Mẫu, nặng về yếu tố giải trí, chữa bệnh. Thông qua “cô đồng” để người hầu được tiếp cận với vũ trụ, cõi siêu nhiên.

Nhưng gần đây, cùng với đời sống tâm linh phồn thịnh trở lại thì những hệ lụy của trò hầu đồng cũng được khơi lại, thậm chí còn trở nên ngày càng tiêu cực và lệch lạc hơn. Phần lớn người đi hầu đồng đều vì mục tiêu cầu tài, cầu lộc, giải hạn, rửa tội... hơn là nhu cầu giải trí tinh thần.

Được thời, những kẻ bói toán, tử vi, tà thuật... chớp lấy cơ hội, thi nhau mở điện thờ tư, lập phủ riêng tại gia đình để kiếm lời từ “dịch vụ” hầu đồng. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, hiện đã có tới hàng trăm điện thờ tư như vậy. Trong đó, riêng phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) có 6 điện thờ, phường Giảng Võ (quận Ba Đình) có 13 điện, phường Phúc Tân có 6 điện tư.

Chủ mỗi điện thờ tư trên là một thầy cúng kiêm “cô”, “cậu” đồng. Sở VH-TT Hà Nội đã từng yêu cầu các “thầy” ký cam kết không tổ chức lễ hầu đồng, bói toán… nhưng hoạt động này hiện vẫn vô cùng sôi động, nhất là vào các tháng đầu năm 2006.

Những tháng lễ hội mùa xuân cũng là thời điểm các giới kinh doanh, buôn bán, cán bộ, công chức, nhà doanh nghiệp đua nhau đi đến các đền, phủ, điện mở giá đồng, tiếp tục “nướng” tiền cho các đồng cô, bóng cậu... Nhiều “sào huyệt” của đồng bóng ở Phủ Dầy (Nam Định), Ứng Hòa (Hà Tây), Giảng Võ (Hà Nội) là chốn để các con nhang, đệ tử tiêu xài, lãng phí và các đồng cô, bóng cậu thỏa sức nhập hồn, xuất ngôn bừa bãi, làm cho không ít gia chủ điêu đứng, tàn lụi vì trót để hầu đồng “mê hoặc”.

Theo Văn Phúc Hậu/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.