Hiểu một cách nôm na ba từ ấy là mọi người (xã hội) cùng chung tay vào để làm một việc gì đó nhằm san sẻ bớt gánh nặng cho ngân sách nhưng không được làm khác đi mục đích ban đầu.
Nếu chỉ thực hiện đúng phương châm như vậy, ba từ trên sẽ mang một ý nghĩa cực kỳ tốt đẹp. Thế nhưng, câu chuyện về xã hội hóa hiện đã bị biến tướng hết sức méo mó. Người ta đã “núp bóng” nó để làm những việc rất khó tin.
Như chuyện Hãng phim truyện VN được “xã hội hóa”, giao cho một doanh nghiệp chẳng liên quan điện ảnh tiếp quản và tình hình sau đó không mấy khả quan. Dù đại diện Bộ Tài chính khẳng định nếu đất của hãng phim sẽ bị thu hồi nếu dùng sai mục đích, nhưng nhiều người vẫn lo ngại mặt bằng của hãng phim bị “xẻ thịt” để thu lợi!
Cũng lấy danh nghĩa “xã hội hóa” mà mới đây, Trường đại học Phạm Văn Đồng đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cho một công ty chuyên buôn bán thuốc tây và thiết bị y tế tận TP.HCM xây dựng đề án đổi mới hoạt động. Thật khó tin, một doanh nghiệp chỉ quen kinh doanh thuốc chữa bệnh nhưng được giao lập đề án đổi mới giáo dục cho một trường đại học. Vì vậy, đọc mãi cái công văn mà UBND tỉnh “giao việc” cho các đơn vị liên quan chung quanh câu chuyện “xã hội hóa” Trường đại học Phạm Văn Đồng mà không tài nào lý giải được liệu có mối liên hệ nào giữa việc buôn thuốc và đào tạo con người ở đây?
Cũng bởi “xã hội hóa” mà từ hơn một tháng nay, hàng triệu phụ huynh học sinh trên cả nước kêu trời không thấu khi các khoản phải nộp đầu năm liên tục tạo áp lực. Vì là xã hội hóa nên mức độ đóng góp của phụ huynh cũng theo đó mà co giãn cho kịp với các lời kêu gọi.
Núp bóng xã hội hóa, người ta có thể làm tất cả những điều kỳ cục nhất để đạt được mục đích là lợi nhuận, là tiền. Người dân đang kỳ vọng vào một chiếc kính chiếu yêu từ các nhà quản lý lương thiện, để có thể soi rọi vào những góc khuất tăm tối đang được nhân danh “xã hội hóa” kia.
Bình luận (0)