Để qua mắt lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19, nhiều người đã dùng xe cứu thương cho mục đích ra đường không chính đáng, cố tình vi phạm quy định, làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác phòng chống dịch chung của cả nước, đồng thời gây mất an ninh trật tự xã hội.
Ít bị khởi tố hình sự nên chưa đủ sức răn đe
Theo luật sư (LS) Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM), hành vi trên của tài xế xe cứu thương và các cá nhân trên xe đã vi phạm quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Cụ thể tại khoản 7 Điều 8 của luật này quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
|
Ngoài ra, theo khoản 2, Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Đặc biệt, nếu trong số các cá nhân trên xe cứu thương không có người mắc Covid-19, mà do hành vi đi chui, thông chốt kiểm dịch, không khai báo y tế dẫn đến lây lan dịch bệnh cho người khác thì có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử phạt tương ứng với các khung hình phạt tại Điều 240 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.
Đồng thời, LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm, việc chở quá số người quy định trên xe cứu thương thì riêng đối với lái xe còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với mức phạt từ 400 - 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Ngoài ra tài xế có thể bị tịch thu xe nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của xe cấp cứu theo điểm đ, khoản 6, Điều 16 của luật này. Về hành vi lợi dụng việc phát tín hiệu ưu tiên để vượt chốt, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 400 - 600.000 đồng theo Điểm e, Khoản 2, Điều 5.
Tuy nhiên, LS Lượng cho rằng, tính đến nay, các hành vi chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh chủ yếu là xử phạt hành chính. Những vụ bị khởi tố, bắt giam về hành vi không chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19, cố tình vượt chốt khi có hiệu lệnh dừng xe kiểm tra giấy tờ, lớn tiếng la lối ăn vạ, thậm chí tấn công lực lượng thực thi nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch... còn quá ít nên chưa khiến những kẻ manh động khác lấy đó làm gương.
“Đó là lý do vì sao liên tục xảy ra các vụ chống đối, tấn công cán bộ tại nhiều chốt kiểm dịch ở các địa phương trên cả nước. Tình hình cấp bách hiện nay đòi hỏi phải có biện pháp chế tài cứng rắn, nghiêm khắc. Mọi hành vi tấn công bằng vũ lực đối với các thành viên tổ công tác phòng dịch, phá hoại tài sản hoặc trang thiết bị tại các chốt kiểm soát, cần thiết phải xử lý về tội “chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330 bộ luật Hình sự 2015”, LS Lượng nhấn mạnh.
Theo LS Lượng, cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, rất cần sự đồng lòng, chung sức của toàn dân. Hiệu quả phòng, chống dịch không chỉ phụ thuộc vào lực lượng chức năng mà còn phụ thuộc vào chính nhận thức, trách nhiệm của mỗi người. Do đó, việc xử lý nghiêm khắc những cá nhân vi phạm lúc này chính là hành động nhân văn, vì cộng đồng, vì mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh đồng thời để bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra kỹ các phương tiện có dấu hiệu vi phạm
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết thời gian gần đây, công an toàn quốc phát hiện, xử lý nhiều trường hợp lợi dụng xe cứu thương, xe "luồng xanh", xe cứu hộ… để vận chuyển hàng cấm, vận chuyển người trái phép qua các vùng dịch. Theo thiếu tướng Trung, hành vi lợi dụng xe cấp cứu đưa người không phải bệnh nhân qua các chốt phòng dịch, qua nhiều địa bàn rất nguy hiểm. Nếu người được vận chuyển mang mầm bệnh sẽ rất ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước, nên những trường hợp này nếu bị phát hiện, cả tài xế và người thuê vận chuyển đều bị xử lý nghiêm.
|
Để ngăn chặn triệt để tình trạng trên, thiếu tướng Trung cho rằng, lực lượng công an phải tăng cường kiểm tra, với các phương tiện có dấu hiệu vi phạm cần dừng, kiểm tra kỹ hơn. Đặc biệt, quần chúng nhân dân cũng cần hợp tác, kịp thời cung cấp thông tin những trường hợp có biểu hiện vi phạm như lợi dụng xe cứu thương, xe "luồng xanh", xe cứu hộ vận chuyển hàng cấm, vận chuyển người trái phép qua các vùng dịch, để lực lượng chức năng kịp thời xử lý, không để vụ lợi cá nhân ảnh hưởng đến thành quả phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng phải đẩy mạnh để tài xế, người dân biết hậu quả, tránh vi phạm.
Bình luận (0)