Ở đất nước Nelson Mandela

15/12/2013 09:00 GMT+7

Những ngày này, đất nước Nam Phi tràn ngập thương tiếc vì sự ra đi của người anh hùng Nelson Mandela. Dẫu vậy, Nam Phi vẫn mở ra một màu xanh bát ngát của hy vọng về cuộc sống sau 20 năm xóa bỏ chủ nghĩa Apartheid.

 Người đàn ông da đen chụp giúp ảnh một gia đình người da trắng ở Mũi Hảo Vọng - d
Người đàn ông da đen chụp giúp ảnh một gia đình người da trắng ở Mũi Hảo Vọng - Ảnh: Thế Duy

1. Cape Town

Một cảm giác thật hồi hộp khi chuyến bay của Hãng hàng không Mauritius từ từ hạ cánh xuống sân bay Cape Town, thành phố cực nam của Nam Phi, cũng là thành phố tận cùng của lục địa đen. Một châu Phi hoang dã và huyền bí luôn là hấp lực cho bất cứ ai trên thế giới này ước ao một lần đặt chân đến. Cape Town lại càng quyến rũ hơn khi từ đây ta có thể “chạm” vào đất trời của một trong những địa danh nơi tận cùng thế giới - nơi mà ta có thể ngắm trời xanh, biển xanh của bên này là Ấn Độ Dương và bên kia là Đại Tây Dương khi đứng ở Mũi Hảo Vọng.

 

Hiện nay, có khoảng 40.000 người Việt đang sinh sống và làm ăn ở Nam Phi. Mỗi tháng Vietravel đều có tour đưa khách đi Nam Phi, có thể tham quan luôn đảo quốc Mauritius thuộc châu Phi, nằm ngoài khơi Ấn Độ Dương theo đường bay của  Air Mauritius. Theo ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Vietravel, thị trường du lịch Nam Phi của các hãng lữ hành VN đang tăng bình quân 20 đến 30%.

Cape Town mở ra dưới cánh máy bay là một vùng bình nguyên nhiều núi đá loang lổ với những bãi đào vàng, giống như đấu trường La Mã bị bỏ quên. Nhập cảnh dễ dàng, chứ không như câu chuyện “dân Nam Phi nhìn dân VN qua bên này chỉ để săn bắn tê giác”… Hapiness, một cô gái châu Phi thứ thiệt, đón chúng tôi bằng nụ cười ngà ngọc. Hapiness lớn lên khi chủ nghĩa Apartheid không còn ngự trị ở đất nước này, nhưng con đường phát triển của cô và những người Phi da màu cũng không phải chỉ có hoa hồng. Những chuyện “trả thù” của người da đen khi bị chủ người da trắng ngược đãi vẫn đâu đó xuất hiện. Câu chuyện 2 người da đen làm công đã “xử” thẳng tay vợ chồng cùng đứa con người chủ da trắng trên báo chí đầu năm 2013 vẫn còn gây chấn động ở Nam Phi. Nhưng với Hapiness, người Phi da màu giờ đủ bao dung để Nam Phi vẫn tồn tại với đa sắc tộc, cho sự phát triển mạnh mẽ ở đất nước cô. “Tôi nghĩ Nelson Mandela đã chỉ cho chúng tôi một cách sống về sự hòa hợp và vị tha cần phải có để Nam Phi đi lên. Nếu thù hận, chắc chúng tôi sẽ không có những sân vận động khổng lồ cho World Cup 2010 như các bạn thấy!”, Hapiness chia sẻ. Hình ảnh và nụ cười mà tôi bắt gặp ở Mũi Hảo Vọng khi một người đàn ông da đen nhiệt tình giúp chụp hình cho một gia đình da trắng đã cho tôi thấy rõ điều này của câu chuyện về lòng vị tha và hòa hợp.

2. Malay Quarter

Tôi càng thấm thía hơn về lòng vị tha khi nhìn những ngôi nhà nhiều màu có đánh số thứ tự ở thị trấn Malay Quarter. “Thị trấn Tắc kè hoa” đã trở thành cái tên quen thuộc ở Nam Phi và du khách hơn là tên gốc của nó - Malay Quarter. Không ai nghĩ rằng nơi này chỉ 30 năm trước thôi là những ngôi nhà không số, những “trại giam” nô lệ người Malaysia,

 Thị trấn “Tắc kè hoa”
Thị trấn “Tắc kè hoa”

Indonesia, mà người da trắng lúc ấy gọi là người Phi-Malay. Những ngôi nhà được các ông chủ người da trắng xây lên để cách ly những người nô lệ đến từ Đông Nam Á với thế giới người da trắng sống như ông hoàng, bà chúa ở vùng đất này. Giờ đây, Malay Quarter đúng như cái tên “Tắc kè hoa” khi mà những “ổ”, những “trại giam” ngày xưa đã biến thành những ngôi nhà có số với những màu sắc rất tươi vui. Có những dãy phố mỗi nhà là một màu, từ hồng, đỏ, xanh, tím, vàng đến cam, đen, trắng. Trong mỗi ngôi nhà đã có những tiện nghi hiện đại nhất, có những nụ cười của các em thơ, những nhóm thanh niên da trắng, da đen, da màu vui đùa chào mời du khách. Zera, một người bạn mới ở Nam Phi, cho biết Malay Quarter đã được xem là di tích quốc gia của Nam Phi và cũng đang hướng tới là di sản văn hóa của thế giới.

3. Johannesburg

Đen hay trắng khi mà bạn đặt chân đến thành phố lớn nhất của Nam Phi? Mọi người sẽ cho rằng, Johannesburg là thành phố của người da đen từ bao đời nay và nơi đây cũng chính là nơi người da đen đứng lên phản kháng dữ dội nhất chủ nghĩa Apartheid vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước. Chính cuộc đấu tranh bền bỉ của những người da đen như Nelson Mandela đã dẫn đến việc Đảng Quốc gia của Tổng thống Frederik Willem de Klerk phá bỏ dần chủ nghĩa Apartheid trong đời sống chính trị vào năm 1990 và cáo chung vào năm 1994, khi Đại hội dân tộc Phi (ANC) của Nelson Mandela chiến thắng. Một người bạn Nam Phi cho rằng, vào thời điểm khi ANC chiến thắng, nhiều người nghĩ người da trắng ở Johannesburg sẽ bị “tắm máu” vì chính mảnh đất này là nơi những ông chủ da trắng bóc lột “khô máu” người da đen nhất do có quá nhiều mỏ vàng và kim cương. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Một minh chứng hùng hồn là sân vận động Soweto được chính bàn tay của người Nam Phi (dù da trắng hay da màu) xây dựng cho World Cup 2010, trong ngày 10.12.2013 đã trở thành nơi mà cả thế giới nghiêng mình trước sự ra đi của Nelson Mandela. Và hình ảnh một người đàn ông da trắng vẽ mặt cho những đứa bé da màu mà tôi bắt gặp trên đường phố đã chứng minh Johannesburg vượt qua một khoảng cách vĩ đại của sự phân biệt màu da. 

 Người đàn ông da trắng vẽ mặt cho các em bé da đen
Người đàn ông da trắng vẽ mặt cho các em bé da đen

4. Pretoria

Những hàng phượng tím lặng lẽ vào buổi chiều ở thủ đô Pretoria khi tôi có mặt cách đây mấy tháng hình như cũng cảm nhận rồi sẽ đến ngày người anh hùng dân tộc Nam Phi phải ra đi (thời điểm này Nelson Mandela đang nằm viện). Còn những ngày này, những hàng phượng tím bất tận trên những con đường Pretoria (được xem là thành phố có nhiều phượng tím nhất thế giới) càng lặng lẽ hơn khi chứng kiến những dòng người khắp nơi đổ về tòa nhà Union, để hát những bài ngợi ca trong nước mắt tiễn biệt người anh hùng của họ và thế giới.

 Tượng Nelson Mandela ở một trung tâm mua sắm
Tượng Nelson Mandela ở một trung tâm mua sắm

Với Nelson Mandela, Pretoria có những dấu ấn không thể nào quên. Thành phố này đã chứng kiến ông cùng những đồng đội dõng dạc đòi công lý cho Nam Phi và dân da màu hơn 49 năm về trước. Đây cũng là nơi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào năm 1994, làm thay đổi cả một đất nước Nam Phi như ngày hôm nay.

Một buổi chiều, tôi đứng trước tòa nhà Union, nơi đặt thi thể của Nelson Mandela trước khi đưa về quê nhà Qunu an táng. Một cảm nhận khó tả khi mà mặt trời cứ như một quả cầu lửa chiếu thẳng vào cổng tòa nhà cùng bức tượng người lính với tuấn mã đang phi về phía trước - một khát vọng mang tên Nelson Mandela.

Cũng tại nơi này, tôi đã chạm tay vào bức tượng đồng giản dị đến… bất ngờ về Nelson Mandela giữa một quảng trường trong một trung tâm mua sắm. Không bục cao, bệ rộng, không hoành tráng, đồ sộ, Mandela như đi cùng mọi người hướng về phía trước, nụ cười tươi muôn thuở…

Và bên bức tượng đó là một hình ảnh rất đời và rất thật: đôi trai gái da màu đang hôn nhau say đắm mà tôi cũng đã kịp “mạo phạm” chụp một tấm hình của họ, để thấy tình yêu đã và sẽ sinh sôi nảy nở trên mảnh đất này…  

Cao Minh Hiển

>> Cái bắt tay lịch sử tại Johannesburg
>> Góc Sài Gòn ở Johannesburg
>> Nam Phi: Đấu súng tại Johannesburg

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.