Theo chân các lưu học sinh VN chuyên ngành diễn viên của Đại học Tổng hợp nghệ thuật Hàn Quốc (Korea National University of Arts – KNUA), Tuổi Trẻ tìm thấy một phần lời đáp của câu hỏi: vì sao diễn viên Hàn Quốc tài giỏi đến thế? Câu trả lời thật ngắn gọn: khổ luyện và chuyên nghiệp từ khi còn học nghề.
Ở KNUA - trường nghệ thuật có quy mô lớn nhất Hàn Quốc - có hai lưu học sinh người Việt đang theo học khoa diễn viên thuộc Trường Sân khấu - điện ảnh (School of drama): Quang Sự và Lê Hà.
|
SV Quang Sự và các đồng môn trong giờ học môn giải phóng cơ thể ở KNUA - Ảnh: T.Huyền |
Câu chuyện của... mồ hôi
Chúng tôi ủng hộ sự sáng tạo cá nhân Dù những bài tập hằng ngày và các môn học không hề đơn giản nhưng hầu như sinh viên đều thực hiện rất tự giác, tự nguyện, thoải mái và tự do theo đam mê của người làm nghệ thuật. “Chúng tôi ủng hộ sự sáng tạo cá nhân của sinh viên một cách không giới hạn, để họ trực tiếp tham gia sáng tạo và “làm” nghệ thuật (doing art)” - chủ tịch Trường KNUA Hwang Chi Woo nói. Ông nhấn mạnh những kiến thức và đặc biệt là kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy từ mái trường này sẽ là nền tảng để các nghệ sĩ tương lai sáng tạo bằng hết khả năng của mình khi tham gia công việc xã hội sau khi tốt nghiệp. |
Nhảy hiện đại chỉ là một môn học nhỏ trong khóa học bắt buộc về hình thể mà sinh viên phải học liền trong sáu học kỳ. Khóa học này giúp sinh viên hiểu về cơ thể mình, biết cách khám phá, bảo tồn, phát huy những thế mạnh của cơ thể như là “công cụ để làm nghề”. Nó bao gồm những bài tập giúp cơ thể được mềm mại, dẻo dai, linh hoạt và giúp người diễn viên “nói” được ý tưởng của mình qua các cử động từ ánh mắt đến cơ mặt, bàn tay… chứ không phải bằng ngôn từ. Để hoàn thành khóa học này, sinh viên phải trải qua một số môn như: giải phóng cơ thể, ứng dụng múa truyền thống Hàn Quốc, múa mặt nạ, mime (kịch câm), yoga, thái cực quyền… Đây cũng là những môn học mà sinh viên tốn nhiều mồ hôi, công sức nhất.
Suốt hai giờ liền không nghỉ, các sinh viên làm đủ các động tác uốn giãn cơ thể theo hướng dẫn của giáo viên. Đáp lại tiếng kêu
“Ap-po” (đau quá) của sinh viên, cô giáo vừa ôn tồn vừa nghiêm nghị: “Cố lên, em sẽ thành danh!”. Có hơn mười sinh viên mà chỉ một lát phòng tập rộng gần 500m2 bỗng trở nên ngột ngạt đối với họ. Mồ hôi nhỏ giọt trên sàn, thấm đẫm quần áo, bết vào tóc, loang loáng trên mặt… dù nhiệt độ phòng đã xuống dưới 20OC. Tôi bỗng nhớ đến những vết bầm tím khắp tay chân mà Lê Hà, sinh viên năm 3 của khoa, có lần đã “khoe” khi kể về sự khổ luyện của mình. “Có hôm chúng em luyện hàng giờ chỉ để… ngã cho đúng kiểu” - cô kể và bổ sung rằng mồ hôi lúc nào cũng nhễ nhại nên việc trang điểm trong giờ tập trở thành không cần thiết nữa.
“Sắc màu” của giọng nói
Lê Hà vào vai bà già giúp việc trong một vở kịch ở Trường KNUA - Ảnh: T.Huyền |
Bên cạnh việc luyện tập cơ thể, luyện tiếng nói sân khấu sao cho tự nhiên, bền bỉ, biểu cảm… cũng là những bài tập đầy nhọc nhằn. Để đạt được mục đích ấy, các diễn viên tương lai phải học thêm cả âm nhạc, học hát opera, hát nhạc hiện đại và cả nhạc truyền thống của Hàn Quốc. Các kỹ thuật trong lấy hơi, nhả tiếng... cần phải được thành thạo không chỉ để đạt yêu cầu điểm số môn học, mà còn để ứng dụng lâu dài khi hành nghề. Biến hóa giọng mình sao cho giống một người khác tuổi, khác quê và làm đủ thứ nghề khác nhau, lúc ăn, uống, lúc say, tỉnh, lúc chạy hay làm việc nặng nhọc… là một sự sáng tạo thú vị.
“Khi tôi thi kết thúc môn học này, giáo sư cho diễn bằng bất cứ ngôn ngữ nào mà sinh viên thích. Tôi diễn xong phần của mình, thầy và các bạn đều bảo: Tiếng Việt truyền cảm thật đấy. Chỉ có những người Việt tham dự là cười phá lên vì biết tôi không nói bằng tiếng Việt” - Quang Sự kể. Bắt được ý tưởng của thầy là ngay cả khi con người chung ngôn ngữ mà họ vẫn không thể hiểu hết nhau, và tiếng nói sân khấu nhiều khi cần sự biểu đạt qua nhiều yếu tố khác hơn là ý nghĩa từ vựng của câu nói, Quang Sự đã chọn một thứ ngôn ngữ “phi quốc tịch”, tức là tiếng nói không phải của bất cứ nước nào do anh... tự chế ra để diễn. Anh muốn chứng minh một điều ngược lại: ngay cả khi con người không biết tiếng của nhau và phải dùng thứ tiếng không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, họ vẫn hiểu được nhau qua “sắc màu” của giọng nói. Sự hài lòng của thầy giáo qua phần thi này đã bù đắp cho vô số ngày nghiền ngẫm trong thư viện và những đêm quên mình trong phòng luyện âm đầy đơn độc của anh.
Để hóa thân vào nhân vật, diễn viên tương lai còn phải học tự hóa trang, học các kinh nghiệm làm việc trong môi trường nghệ thuật. “Bỗng nhiên mình biến thành một nàng công chúa lộng lẫy, rồi lại thành bà già nhăn nheo, lụ khụ. Đó là những trải nghiệm thật thú vị của nghề nghiệp” - Lê Hà sung sướng kể về môn học này.
Theo Thanh Huyền / Tuổi Trẻ
(Từ Seoul)
Bình luận (0)