Ô nhiễm môi trường “ám ảnh”

11/12/2015 18:40 GMT+7

Tỉnh Quảng Nam thừa nhận đã “vỡ” chỉ tiêu về tỷ lệ khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó ở Quảng Bình, cử tri cũng hết sức lo lắng về ô nhiễm.

Tỉnh Quảng Nam thừa nhận đã “vỡ” chỉ tiêu về tỷ lệ khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó ở Quảng Bình, cử tri cũng hết sức lo lắng về ô nhiễm.

Nhà máy sản xuất Soda bị người dân phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm - Ảnh: H.X.HNhà máy sản xuất Soda bị người dân phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm - Ảnh: H.X.H
Tỉnh... đá kiểm tra cho Bộ
Câu chuyện xử lý ô nhiễm của Công ty CP sản xuất Soda - Chu Lai (đóng ở H.Núi Thành) tiếp tục làm “nóng” kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam lần này qua phần trả lời ý kiến cử tri. Trong khi cử tri H.Núi Thành đòi tỉnh phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác định tình trạng và mức độ ô nhiễm môi trường tại nhà máy sản xuất Soda, thì về phân cấp quản lý trách nhiệm này lại thuộc về... Bộ TN-MT. “Do báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT phê duyệt, nên UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ TN-MT sớm có kế hoạch thanh, kiểm tra hoạt động nhà máy. Nếu các biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu tiếng ồn hiện thời không đạt quy chuẩn cho phép thì xem xét điều chỉnh và xử lý theo quy định”, UBND tỉnh nêu trong văn bản trả lời cử tri. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam gửi công văn từ ngày 19.11 nhưng phản hồi của Bộ TN-MT lại quá chậm chạp. Tại cuộc họp báo thường kỳ đầu tháng 12, ông Nguyễn Chín, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Phó chủ tịch UBND tỉnh tỏ ra rất sốt ruột: “Vậy phải vận động nhân dân mở đường dây nóng, khi phát hiện nhà máy tiếp tục xả thải vượt chuẩn thì báo ngay cơ quan chức năng”. Trường hợp nhà máy Soda như một phần “minh họa” cho nỗ lực bất thành của tỉnh Quảng Nam xung quanh mục tiêu xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN. Cụ thể, kế hoạch xây 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN Đông Quế Sơn, cơ khí ô tô Chu Lai -Trường Hải, Tam Hiệp bất thành do gặp khó về nguồn vốn đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng… Vì thế, Quảng Nam vẫn dừng ở tỷ lệ 33,3% dù ban đầu hướng đến mục tiêu 83% số KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung và đành “chuyển giao” cho năm kế tiếp.
Thiếu kinh phí di dời
Ngày 10.12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình, đại biểu Lê Văn Khuyến (H.Bố Trạch) cho biết nhiều ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết như kiến nghị của cử tri xã Bắc Trạch về đền bù làm đê trải qua 3 kỳ tiếp xúc cử tri đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ông Khuyến cho rằng cần có định hướng để tiêu thụ nông sản mang tính ổn định hơn, không bị tư thương ép giá. Ông Khuyến ví dụ như chuyện trồng ớt, tư thương không ký hợp đồng với UBND xã mà họ ký với người dân rồi sau đó làm ăn tùy tiện; từ mức giá 20.000 đồng/kg ban đầu rồi xuống dần còn mấy ngàn đồng và thậm chí không mua, buộc người dân phải bỏ cây trồng. Cây sắn từ 2 triệu đồng/sào, năm ngoái xuống 1,5 triệu giờ còn 1,2 triệu. “Thế nên người dân không biết chuyển trồng cây gì, vì sợ trồng gì cũng bị ép giá”, ông Khuyến than vãn. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN-PTNT Phan Văn Khoa cho rằng vì giá thành cao trong khi giá các sản phẩm nhập lại thấp hơn nhiều nên bị cạnh tranh, thua thiệt. Vì vậy cần áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, dùng giống chất lượng cao, dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa. Một vấn đề các cử tri quan tâm nữa đó là ô nhiễm môi trường, nhất là tại TP.Đồng Hới như khu vực dân cư quanh nhà máy xi măng, nhà máy bao bì. Giám đốc Sở TN-MT Lê Minh Ngân cho biết đã có chủ trương di dời các nhà máy này nhưng gặp nhiều khó khăn trong kinh phí đền bù; các nhà máy này nằm ở những vị trí không đẹp nên việc bán đất chuyển đổi không khả thi. Tuy nhiên sắp tới UBND tỉnh sẽ tính toán các phương án thích hợp nhất để xử lý.
Thừa Thiên-Huế: Chỉ phát hiện những vụ tham nhũng nhỏ
Theo báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong năm 2015, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Cụ thể vụ ông Lê Văn An (P.Hương Văn, TX.Hương Trà) chiếm dụng quỹ của HTX với số tiền 249.498.876 đồng, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, xử lý. Viện KSND TX.Hương Trà đã truy tố bị can về tội và “Tham ô tài sản” và TAND TX.Hương Trà tiến hành xét xử công khai vụ án hình sự tham ô tài sản tại Trường tiểu học số 1 Tứ Hạ, tuyên phạt 3 năm tù giam đối với bị cáo Trịnh Minh Thế, nguyên hiệu trưởng và 2 năm tù giam đối với Hoàng Thị Nhung, nguyên kế toán của trường. TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa ra xét xử vụ án “Tham ô tài sản” tuyên phạt bị cáo Trần Quang Tuyến, thủ quỹ của Trung tâm Y tế H.Quảng Điền 9 năm tù và buộc bồi thường số tiền 292.680.044 đồng... Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã phát hiện vi phạm pháp luật, chính sách về đầu tư và thuế tại Công ty liên doanh Khách sạn Bờ Sông Thanh Lịch, hiện đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý.
Bùi Ngọc Long
Quảng Trị: Nhiều dự án bị thu hồi đất
Ngày 10.12, HĐND tỉnh Quảng Trị khai mạc kỳ họp thứ 18 khóa 6. Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay trong năm 2015, tỉnh Quảng Trị đã đạt nhiều thành quả về các mặt kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng... Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách tại kỳ họp đã nêu ra nhiều con số rất đáng chú ý. Cụ thể, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn chưa cao, 20% doanh nghiệp hòa vốn, 30% doanh nghiệp lỗ; 133 doanh nghiệp vi phạm, bị thu hồi giấy phép; 47 doanh nghiệp giải thể, 54 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động... Vì hoạt động kinh doanh kém hiệu quả nên nhiều dự án ngưng trệ, buộc phải thu hồi đất. Trong năm 2016, số dự án UBND tỉnh Quảng Trị đã trình lên HĐND đề nghị thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng là 384, tổng diện tích lên tới 1.704 ha.
Nguyễn Phúc
Đà Nẵng: Thu hồi dự án, không phải muốn là được
Liên quan đến kiến nghị thu hồi các dự án ven biển chậm tiến độ, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết mong muốn của cử tri là nhanh chóng xử lý, thu hồi nhưng thực tế “không phải muốn là làm ngay được”. “Trước hết xuất phát từ lịch sử việc giao đất. Khi chúng ta giao đất là chuyển quyền sử dụng và cho thuê đất nằm xen kẽ... Vì đã cho thuê đất xen kẽ nên muốn thu hồi dự án này thì phải thu luôn dự án khác và phải bồi thường cho chủ đầu tư”, ông Thơ nói và cho rằng: “Năm 2014 cũng xuất phát từ việc hỗ trợ nhà đầu tư, UBND TP cũng ký các văn bản cam kết với các nhà đầu tư, cho phép họ lùi lại được 2-3 năm. Bây giờ vẫn còn trong thời gian triển khai dự án mà người ta cam kết”. Cũng theo ông Thơ, khi đã thu hồi đất, UBND TP.Đà Nẵng sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, làm kiên quyết nhưng không sai luật. Đề cập đến vấn đề quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, theo ông Thơ đây là sự việc được dư luận hết sức quan tâm. Hiện đơn vị một nhà tư vấn Hàn Quốc được chọn thực hiện “đúng như quy trình dự án lớn” và đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Trước các ý kiến trái chiều, ông Thơ khẳng định: “TP sẽ thuê các nhà tư vấn nổi tiếng hơn nữa để đưa ra các phương án. Khi nào xong, TP sẽ công bố rộng rãi, lấy ý kiến thêm lần nữa”.
Hoàng Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.