Ô nhiễm môi trường do nuôi tôm tự phát

Mạnh Cường
Mạnh Cường
17/07/2020 08:42 GMT+7

Hàng chục ao nuôi tôm tự phát tại xã đảo Tam Hải (H.Núi Thành, Quảng Nam) trong thời gian dài đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Phạm Lắm (ở thôn Bình Trung, xã Tam Hải) cho biết tình trạng nuôi tôm tự phát diễn ra 2 - 3 năm nay. Việc nhiều hộ dân nuôi tôm tự phát đã để lại rất nhiều hệ lụy, nhất là ô nhiễm môi trường.
“Sau khi ao tôm bỏ hoang, ao nuôi đó trở thành bể chứa nước do các hộ dân nuôi tôm khác xả vào. Mùa nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên không tài nào chịu nổi”, ông Lắm ngao ngán.
Theo ông Lắm, vừa qua xã Tam Hải có xây dựng cống thoát nước chạy dọc gần các ao tôm tự phát thì một số hộ nuôi tôm đã đấu nối ống xả trực tiếp vào cống thoát nước. Nước thải từ ao tôm chưa qua xử lý cứ thế chảy thẳng ra sông Trường Giang, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Người dân không hiểu vì sao một đường kênh thoát nước do địa phương làm chủ nhưng lại để đấu nối vô tội vạ rồi xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường như vậy?”, ông Lắm đặt vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Hà (cũng ở thôn Bình Trung, xã Tam Hải) cho biết thêm người dân đã nhiều lần làm đơn gửi các cấp yêu cầu giải quyết dứt điểm về tình trạng nuôi tôm tự phát. Xã và huyện về kiểm tra nhiều lần nhưng rồi đâu lại vào đó. “Việc các hộ dân nuôi tôm đóng giếng gần khu dân cư khiến nguồn nước ngọt trong lòng đất dần dần bị nhiễm mặn, nhiễm phèn...”, bà Hà cho biết.

Khi nào mới giải quyết dứt điểm?

Ông Nguyễn Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho hay sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân về tình trạng nuôi tôm tự phát gây ô nhiễm môi trường, địa phương đã thành lập tổ kiểm tra các khu vực nuôi tôm nói trên và ghi nhận tình trạng đúng như dân phản ánh. Địa phương cùng với các ngành liên quan của H.Núi Thành đã tổ chức họp nhằm đưa ra hướng giải quyết. “Đối với những hồ nước tù gây mùi hôi thối, hiện địa phương đã xử lý xong bằng cách ngăn, hút toàn bộ bùn non, xử lý muối và vôi”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng việc giải quyết còn rất bất cập bởi “việc nuôi tôm phát triển kinh tế địa phương rất khuyến khích, nhưng hiện nay trên địa bàn xã Tam Hải có tình trạng mở rộng nhiều ao nuôi gây ô nhiễm môi trường”.
Còn bà Bùi Thị Hồng, Phó trưởng phòng TN-MT H.Núi Thành, cho hay việc này đã giao cho xã Tam Hải xử lý. UBND huyện cũng đã thành lập một tổ riêng trực tiếp tham mưu, xử lý. Tuy nhiên câu trả lời đến khi nào mới giải quyết được dứt điểm tình trạng nuôi tôm tự phát gây ô nhiễm môi trường thì tiếp tục bị bỏ ngỏ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.