“Bức tử” sông Cà Ty
Sông Cà Ty, một hình ảnh thơ mộng của thành phố du lịch Phan Thiết đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khi đi qua cầu Trần Hưng Đạo, nhiều người phải bịt mũi để tránh mùi hôi khó chịu bốc lên từ dòng nước. Toàn bộ nước thải chưa qua xử lí của hàng nghìn hộ gia đình hai bờ sông Cà Ty được xả thẳng vào dòng sông. Chị Liên nhà ở bên bờ sông cho biết: “Mỗi sáng sớm mùi hôi bốc lên không thể chịu nổi, nhất là khi thủy triều rút”.
Dòng sông Cà Ty "lộ nguyên hình" ô nhiễm khi triều xuống |
Chưa hết, hàng trăm hộ dân lấn bờ sông làm nhà tạm, hằng ngày nước thải sinh hoạt, rác được đổ thẳng xuống sông. Rồi ở bãi bồi giữa sông, hàng ngày dân xả không biết bao nhiêu chất thải xuống dòng sông. Đó là chưa kể hàng nghìn tàu thuyền neo đậu quanh cầu Dục Thanh, sinh hoạt trên thuyền đổ thẳng rác sinh hoạt, dầu nhớt xuống sông... Tất cả góp phần làm tăng độ ô nhiễm của dòng sông.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh là chủ dự án nạo vét và cải tạo sông Cà Ty. Hàng trăm hộ dân ở hai bên bờ sông hiện nay sẽ phải di dời để làm bờ kè, nhưng qui hoạch khu tái định cư cho dân hiện nay vẫn còn trên giấy. |
Mặc dù thành phố có hẳn một đội tàu thuyền chuyên đi vớt rác trôi trên sông, nhưng xem ra không thấm gì với mức độ ô nhiễm tăng từng ngày trên dòng sông này. Anh Bảy Tuấn, một ngư dân có nhà thuộc diện lấn sông cho biết: “Gia đình tôi làm nghề đi biển kiếm sống. Hằng ngày tôi ra biển, vợ ở nhà cạy sò thuê nuôi 3 đứa con, tiền đâu mà mua đất làm nhà. Cứ ở tạm khi nào Nhà nước bắt dỡ nhà thì tính sau”.
Đường phố cũng có mùi!
Do hệ thống thoát nước của thành phố quá già nua, xuống cấp nên chỉ một trận mưa khoảng nửa giờ là nhiều đoạn đường chìm trong biển nước, như đường Lê Hồng Phong (đoạn trước cổng Tỉnh đội); đường Nguyễn Du (trước cổng trường Tuyên Quang) hay đường Võ Hữu, Trần Hưng Đạo… Mùa khô, trên nhiều đoạn đường nước thải sinh hoạt ứ đọng, gây mùi hôi rất khó chịu cho người đi đường.
Phan Thiết là vùng sản xuất nước mắm với thương hiệu nổi tiếng cả nước. Nhưng việc sản xuất nước mắm ở một số cơ sở lại chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Trên đường đến “thủ đô” resort Mũi Né, chỉ từ chợ phường Thanh Hải (cầu Ké) đến giáp khu thu phí của Công ty Rạng Đông, hành khách lưu thông qua đây sẽ bị “tra tấn” bởi mùi nồng nặc của xác thải nước mắm, mùi tanh hôi từ bến cá Phú Hài ven đường.
Rác sinh hoạt từ khu nhà tạm này được thải trực tiếp xuống sông Cà Ty |
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Thanh Tiến - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phan Thiết cho biết: dù đã có hệ thống xử lí, nhưng nước thải y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận (ở TP Phan Thiết) vẫn chảy tràn ra đồng ruộng của dân. Rồi cơ sở sản xuất muối Đồng Lợi, trước đây sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở phường Bình Hưng, nay chuyển vùng lại làm ô nhiễm môi trường ở P.Tiến Lợi. Việc này, cử tri đã kiến nghị với HĐND thành phố nhưng chưa được giải quyết. Đó là chưa kể 73 doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nội ô thành phố đang gây ô nhiễm môi trường nước thải. Đặc biệt là chục cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu đang gây ô nhiễm nghiêm trọng trong các khu dân cư Mũi Né mà chưa hề được di dời, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch.
Cũng theo ông Tiến, thành phố đã có qui hoạch một bãi rác rộng 65 héc-ta từ sau năm 2000. Nhưng khi hình thành con đường mới 706B đi Mũi Né thì qui hoạch này không được thực hiện. Hiện, mỗi ngày TP Phan Thiết có đến 30 tấn rác thải chưa được xử lí. Thành phố đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm nghiêm trọng, chính quyền địa phương cần nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục, đừng để… “nước đến chân mới nhảy”!
Bài, ảnh: Quế Hà
Bình luận (0)