Có mặt tại cơ sở tái chế nhựa của ông Phạm Khắc Tuyến, ở khu Thi Đua 2, P.Tràng Minh, Q.Kiến An, ấn tượng đầu tiên là con mương chứa nước thải đen ngòm, nổi đầy váng xanh. Trong sân, hàng trăm bao tải chứa chai lọ nằm ngổn ngang, bên trong là khu nấu nhựa rộng chừng 15m2, 3 công nhân tay không bốc túi ni lông đưa vào máy xay. Cạnh đó là cỗ máy nấu nhựa chạy ầm ầm, mùi khét bốc lên sặc sụa.
Bà Trần Thị Quấy, 72 tuổi, nhà ở ngay trong khu cho biết: “Trời đã mát mà còn khó thở, mùa hè thì khổ hơn nhiều. Lo nhất là các cháu nhỏ, hít phải khí độc nên đau đầu, tức ngực. Nhiều khi nhà tôi phải đóng chặt cửa”. Chị Phạm Thị Nhung, cũng người trong khu Thi Đua 2 cho biết, cả làng có hơn 100 hộ mua bán, tái chế phế liệu, ước tính, mỗi tháng phường Tràng Minh tái chế khoảng 200 -250 tấn nhựa. Mỗi hộ tái chế nhựa thải ra môi trường từ 3 - 5m3 nước thải nguy hại, chưa kể nước thải sinh hoạt, chăn nuôi thải ra. Qua khảo sát, hầu như tất cả các hộ đều không có hệ thống xử lý nước thải, tất cả đều được đổ trực tiếp ra cống, rãnh, ao hồ chung của phường.
Tại làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng, xã Mỹ Đồng, H.Thủy Nguyên, một làng nghề đã được quy hoạch và sản xuất tập trung, tình trạng ô nhiễm vẫn rất nghiêm trọng. Trong tiếng búa đinh tai, chúng tôi đến một xưởng đúc ở xóm 2 khi hàng chục công nhân đang làm việc giữa khói lò và khói từ tàn than, rác thải bắt lửa bốc lên mù mịt. Chốc chốc họ lại chạy ra ngoài cho đỡ cay mắt rồi lại vào tiếp tục công việc.
Bà Nguyễn Thị Thu, ở thôn Phương Mỹ, cùng xã Mỹ Đồng chia sẻ: “Hằng ngày các xưởng cơ khí phát tiếng ồn đến đinh tai, nhức óc, còn mùi than khiến mọi người ngạt thở”. Bà Thu cho biết thêm, nhiều xưởng còn không có ống khói, nếu có cũng chỉ lấp lè tè, khí độc không bay đi được nên tạt vào các nhà dân xung quanh, làm các cháu nhỏ hay mắc bệnh về đường hô hấp. Cả làng nghề Mỹ Đồng hiện có 111 cơ sở sản xuất đúc kim loại và gia công cơ khí, làm cho môi trường không khí tại khu vực này bị ô nhiễm nặng.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục làng nghề ở Hải Phòng có môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND TP Hải Phòng, hiện nay trên địa bàn có 36 làng nghề đang hoạt động, với 23 làng nghề truyền thống và 13 làng nghề mới thuộc 30 xã, thị trấn. Số liệu quan trắc nước thải tại phường Tràng Minh năm 2007 cho thấy hàm lượng nitơ tổng, NH3-N, coliform đều vượt chỉ tiêu cho phép, đặc biệt hàm lượng coliform vượt tiêu chuẩn cho phép tới 800 lần.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhận định, việc đầu tư kinh phí cho việc xử lý môi trường tại các làng nghề hiện chỉ ở mức rất nhỏ, trong khoản chi 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hằng năm. Do đó ở các làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng, điêu khắc gỗ, sơn mài... hiện nay đều chưa có cơ sở xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, chưa có nơi phân loại, xử lý chất thải. Ông Điền cũng cho biết, thành phố đang lên kế hoạch, xây dựng một đề án về việc thu gom, xử lý nước thải, khí thải và chất rắn tại 6 huyện có làng nghề được công nhận, mỗi huyện là đầu tư 1 tỉ đồng.
“Hiểu được hậu quả của việc ô nhiễm môi trường là rất lớn nên chúng tôi đã từ chối cấp phép cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe người dân”, ông Điền nói.
Trong khi chính quyền TP chưa thể đầu tư cho việc bảo vệ môi trường các làng nghề thì vai trò của người dân và chính quyền sở tại là hết sức quan trọng. Có lẽ, trước khi đầu tư cho những dự án cụ thể, TP Hải Phòng cần phải làm cho người dân và chính quyền các làng nghề nhận thức được rằng, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của gia đình và tương lai của con cháu họ.
Nguyễn Đức
Bình luận (0)