Bà Huỳnh Thị Trà, 73 tuổi, sống ở KP1, P.Phú Hài cho biết: “Tất cả các nhà máy chế biến cá hấp trong làng chế biến hải sản Phú Hài đều tống hết nước thải chưa qua xử lý ra mương, rồi chảy vào sông Cái - P.Phú Hài”. Bà Trà dẫn chúng tôi đến cống thoát của khu chế biến thủy sản Phú Hài, một dòng nước đen và đặc quánh tuôn vào con kênh nhỏ. “Sát bờ kênh này có khoảng hơn 30 hộ dân phải ngày đêm hứng chịu mùi hôi thối, đến mức người lạ đến vào lúc buổi trưa là phát ói”, bà Trà nói. Không chỉ các hộ dân, mà phía đường chính nối Phan Thiết với Mũi Né cũng hôi kinh khủng. Chị Lan, một du khách từ TP.HCM ra nghỉ ở Mũi Né nói: “Đến khu vực làng nước mắm, hải sản, chỉ vài phút đi qua quãng đường này còn không chịu nổi mùi hôi thì không biết dân ở đây sống thế nào?”.
Sáng qua 20.8, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Bình Thuận Lê Văn Tiến cho biết: cá, tôm chết ở cửa sông Phú Hài (Phan Thiết) là do hiện tượng “thủy triều đỏ”. Trong khi đó, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Hai lại khẳng định: ô nhiễm ở khu vực chế biến thủy sản Phú Hài là “quá nghiêm trọng rồi”. |
Ngày 11.10.2008, Báo Thanh Niên đã phản ánh tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở “Làng nước mắm Phú Hài”. Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn “gia hạn” cho tất cả các cơ sở này đến hết ngày 31.12.2008 phải hoàn thành xong hệ thống xử lý nước thải, nếu không sẽ đình chỉ hoạt động. Nhưng cho đến nay, “sắp đến 31 tháng 12 năm sau rồi mà hơn 60 doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản ở làng cá Phú Hài... đâu vẫn còn nguyên đó”, một người dân khu vực này nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết Đặng Đình Hiếu, nói: “Tỉnh đã giao cho một đơn vị độc lập xây dựng khu xử lý nước thải tập trung với hình thức BOT ở khu vực này; nhưng triển khai khá chậm. Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi kiểm tra nếu cơ sở nào sản xuất, chế biến không đúng quy trình xử lý nước thải là xử phạt. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt thôi. Cuối cùng vẫn là phải có khu xử lý nước thải mới giải quyết được tận gốc vấn đề”.
Quế Hà
Bình luận (0)