Ở nhờ nhà vợ

09/08/2011 18:10 GMT+7

Nam nhi đại trượng phu thường nghĩ: “Thà ở chuồng heo còn hơn theo quê vợ”. Nhưng đàn ông Hàn Quốc thời nay thì khác!

Tờ báo tiếng Anh hàng đầu ở xứ kim chi, Chosun Ilbo, trích kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho hay con số nam giới khăn gói về nhà vợ tăng đến 3 lần trong vòng sau 2 thập niên, từ 18.088 năm 1990 lên 53.675 năm 2010. Khảo sát của Cơ quan thống kê Hàn Quốc công bố hôm 31.7 cũng cho biết một tỷ lệ đáng kể khác chọn cách sống cạnh nhà cha mẹ vợ. Trong khi đó, nữ giới lại đi theo chiều ngược lại. Hồi 1990, cả xứ kim chi có 444.634 thiếu nữ chịu về làm dâu, phục tùng nhà chồng; năm 2010 chỉ có 198.656 cô chấp nhận điều đó.

Điều đáng nói là, chuyện “theo em anh đi về” của các chàng trai xứ Hàn không phải chỉ phát sinh khi chàng lâm vào thế bí. Mà ngay khi còn ngồi trên ghế đại học, các chàng đã có tư tưởng sống nhờ nhà vợ rồi. Một nghiên cứu do website chuyên giới thiệu việc làm Albamon thực hiện hồi năm ngoái cho hay 64,1% nam sinh đại học nói rằng họ thích ở chung với bố mẹ vợ tương lai. Nhưng chỉ có 36,5% nữ sinh sẵn sàng sống với bố mẹ chồng.

Các chuyên gia nói xu hướng này đã hình thành một xã hội “nữ quyền kiểu mới”. Đi tìm động lực của hiện tượng này, họ nhận ra kinh tế là lý do chính, mà quan trọng nhất là việc chăm sóc con trẻ. Giáo sư xã hội học Hyun Taek-soo của ĐH Hàn Quốc nói: “Khi phụ nữ gần như lãnh mọi trách nhiệm chăm sóc con cái thì ở chung với cha mẹ họ là tiện hơn, bởi họ chỉ phải chăm con. Còn nếu ở nhà chồng, họ phải chăm sóc cả gia đình chồng nữa”.

Ngoài ra, phụ nữ Hàn Quốc ngày nay cũng có tiếng nói mạnh hơn trong gia đình, bởi họ cũng làm việc bên ngoài. Con số phụ nữ nước này là lao động chính của gia đình đã tăng từ 1,79 triệu năm 1990 lên 4,5 triệu năm 2010. “Điều này cho thấy cách nhìn nhận về vai trò giới tính truyền thống đã thay đổi”, giáo sư Kim Joong-baeck ở ĐH Kyunghee nhận định.

Những con chuột túi

Không chỉ nhờ vả cha mẹ trong việc chăm sóc con nhỏ, giới trẻ Hàn Quốc ngày nay còn có xu hướng dựa dẫm vào túi tiền của người già. Năm 2009, Tổ chức Hanul Education thực hiện một cuộc khảo sát trên 276 người đã lập gia đình, tuổi từ 30 - 40, ở thủ đô Seoul. Kết quả có 10,9% trả lời họ xin tiền cha mẹ để trang trải chi phí học tập của con mình. Trong số đó, 46,7% nói cha mẹ họ tự nguyện cho tiền; 33,3% xin thêm vì không kham nổi chi phí trường tư của con; 16,7% nói họ xin cha mẹ để sống thoải mái hơn.

Tệ hơn, nhiều cô gái đã lấy chồng cứ bám theo mẹ mỗi khi đi mua sắm. Theo một khảo sát trực tuyến tại Trung tâm mua sắm GMarket ở Seoul năm 2010, trong số 1.594 phụ nữ đã lập gia đình được hỏi, 46,8% nói họ thường đi với mẹ; 26% cho biết mẹ họ trả tiền toàn bộ; 19,9% có góp một phần. Chưa hết, 27,9% nói rằng nếu đi với mẹ, họ sẽ mua những món hàng đắt tiền hơn; 47,7% nói họ la cà lâu hơn khi đi cùng mẹ. Một quản lý ở cửa hàng Shinsegae nói rằng những cô gái dạng này đang ngày càng trở thành khách hàng quan trọng.

Trong khi đó, các nhà xã hội học gọi họ là “những con chuột túi”. Giáo sư Park Chan-ung ở ĐH Yonsei nói: "Thế hệ “chuột túi” thứ hai và thứ ba là một hiện tượng đặc biệt của Hàn Quốc, nơi mà cha mẹ gánh trách nhiệm vô hạn đối con cái, kể cả khi chúng đã lập gia đình riêng”. Một giáo sư khác ghi nhận: “Những bậc cha mẹ ít khá giả về kinh tế chịu áp lực rất lớn vì hiện tượng này”.

Thục Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.