Anh bạn gọi điện trước cả tháng rằng, khi về nước anh muốn đến chùa Bái Đính (Gia Viễn, Ninh Bình) để tận mắt xem các kỷ lục Việt Nam - và đề nghị tôi sắp xếp cùng đi chiêm bái vùng tâm linh thờ Phật - Thần - Tiên lớn nhất nước (chùa Bái Đính cổ và chùa Bái Đính mới đang xây dựng).
Người đàn ông mù lòa chơi bản đàn buồn bã và hát những lời ai oán về đời mình ngay cạnh những bức tượng La Hán (chụp tại chùa Bái Đính mới). |
Tôi chưa đến Bái Đính lần nào nên lật lại tài liệu, sách vở đọc để hâm nóng chuyến đi!
Đầu tiên là Bái Đính cổ. Minh đỉnh danh lam cảnh tự nhiên/Xưa nay thờ phụng Phật – Thần- Tiên... Hai câu thơ trích ra trong bài thơ của Tuần phủ Ninh Bình khẳng định rõ hơn đây là nơi thờ Phật-Thần-Tiên.
Vua Lê Thánh Tông cũng đã ngự lãm ở đỉnh Non Thần (chùa Bái Đính) và đề đại tự trên vách núi: Minh đỉnh lam. Trên đỉnh Non Thần có động thờ Phật; động thờ Thần Cao Sơn; động tiên: Tam tòa thánh mẫu…
Có lẽ vì ý nghĩa lịch sử, tâm linh sâu sắc nên năm 2003, nơi đây được chọn xây chùa Bái Đính mới – mệnh danh là trung tâm tâm linh lớn của Phật giáo Việt Nam với nhiều kỷ lục: Tam quan ngoại và tam quan nội lớn nhất Việt Nam; Tháp chuông, chuông và trống đồng lớn nhất Việt Nam; Pho tượng Quan Thế m bằng đồng lớn nhất Việt Nam; Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng lớn nhất Việt Nam; Ba pho tượng Phật Tam Thế lớn nhất Việt Nam; lễ cung nghinh Ngọc xá lợi lớn nhất Việt Nam…
Cuối tháng 2, khi thời tiết miền Bắc ấm lên chút ít, chúng tôi về Bái Đính.
Từ Hà Nội, chạy hơn 100 km, mất khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ, xe chúng tôi chầm chậm tìm biển hướng dẫn rồi dừng lại ở một ngã ba cách chùa Bái Đính khoảng 2km. Không biển chỉ dẫn, chúng tôi đang “bâng khuâng” ở ngã ba thì mấy anh thanh niên địa phương chạy đến gõ vào kính xe.
“Các anh đến chùa Bái Đính, bọn em sẽ dẫn đường đến sát chân núi, có chỗ gửi xe, giá trọn gói 150.000 đồng”. Chúng tôi gật đầu, người thanh niên chạy xe máy dẫn chúng tôi qua một con đường ngoằn ngèo, cắt ngang ngôi làng nhỏ. Chạy xe 15 phút là đến nơi: 150.000 đồng cho 1km đường! Chúng tôi rảo bước bắt đầu cuộc chiêm bái.
|
Đi giữa hai dãy tượng La Hán, một hình ảnh phản cảm đập ngay mắt: Bên một pho tượng La Hán người ta treo biển bán Cao dê với dòng quảng cáo Tình xuân viên mãn, kế bên là quán phở, có bán trứng vịt lộn. Quán xá xuất hiện khá nhiều, đáng chú ý là có bán bia, rượu, có mấy thanh niên mặt đỏ đang chén chú, chén anh. Ở quán đó đang phát bài hát nhạc tân thời, kiểu sầu đau, rơi rụng.
Dừng chân trước bát hương cộng đồng nơi thờ Tam tòa thánh mẫu, chúng tôi cùng một nhóm người thắp hương vái lạy trước khi vào bên trong. Đang nhập tâm thành kính thì bầu không khí bị phá tan bởi tiếng cười lớn của một thanh niên.
Anh ta cười thả phanh như đang ở nhà mình rồi văng một thứ tiếng lóng, tục tĩu đến tột độ. Tôi và những người khác không đủ bình tĩnh vì chẳng ai tài đến mức giả vờ không biết trước sự thô bạo đến hồn nhiên của anh chàng kia.
Mọi người nhanh chân vào trong, tránh anh ta như sợ bị đắc tội với thánh thần! Tôi nhìn thấy trên ngực áo anh ta có đeo thẻ, có lẽ được ban quản lý cấp phép hành nghề chụp ảnh ở đây?
Khi xuống núi chuẩn bị tiếp hành trình đến chùa Bái Đính mới nơi đang xây dựng đến năm 2015 mới hòan thành - anh bạn tôi nghỉ chân bên bậc đá, bắt chuyện ông viết sớ: “Ở đây cảnh đẹp, người địa phương rất cởi mở. Hơi tiếc là mấy cái quán dưới kia treo biển và kinh doanh thiếu tế nhị.
Bức tượng La Hán lại đứng cạnh biển hiệu Cao dê cho tình Xuân viên mãn có cái gì đó không ổn, đắc tội lắm…”. Ông viết sớ cười hiền: “Người ta cũng dẹp, cũng cảnh cáo nhưng có lẽ chưa dứt điểm”.
Đến Chùa Bái Đính mới, anh bạn tôi gần như bị thôi miên trước vẻ đẹp của tượng phật và độ hoành tráng của công trình. Anh bạn hỏi người hướng dẫn: “Tượng to thế làm sao đưa vào chùa?”. Người hướng dẫn cười: “Phải an vị tượng trước, sau đó mới xây chùa, chứ to thế, đưa vào cửa nào được!”.
|
Chiều ở Bái Đính yên bình, chúng tôi rảo bước và trầm trồ vẻ đẹp của các pho tượng, bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đúc tượng Ý Yên, Nam Định thì bất ngờ nghe một giai điệu ghi ta buồn bã thê lương, cùng giọng hát ai oán về thân phận, vang lên vừa đủ gây sự quan tâm.
Chúng tôi tiến gần, một người đàn ông trên 40 tuổi, bị mù, hai hốc mắt sâu hoắm, đỏ như máu đang chảy hát bên pho tượng La Hán. Anh ta hát (có lẽ tự biên, dựa trên nhạc một bài hát sến nào đó, quen quen) chúc mọi người may mắn, rủ lòng thương mà cứu giúp người bất hạnh này…
|
Hầu như ai ngang qua cũng bỏ một ít tiền vào nón lá. Rời khỏi cái góc buồn sầu này, sau khi đã bỏ vào nón lá người hát rong mấy đồng bạc lẻ, chúng tôi tiếp tục đi về phía những ngôi chùa nhỏ, theo lối hành lang bên trái. Bóng chiều rọi qua khung cửa, làm những bóng người đổ dài, lặng lẽ, yên bình.
Lại giật mình. Ngay ở cầu thang, một thanh niên bại liệt, ngồi ngay lối đi, bên cạnh là chiếc nón rách đựng tiền lẻ. Thêm mấy mét nữa, lại gặp một người đàn ông mù, miệng lặp đi, lặp lại: “Em xin, em cảm ơn. Em xin, em cảm ơn…”.
Anh bạn tôi lại gặp người đang quét chùa, hỏi: “Ông ơi, những người ăn xin ở đây là người địa phương và nhà chùa cho vào đây à?”. Ông cụ ngẩng lên: “Không, họ từ nơi khác đến. Bảo vệ đuổi thì họ đi, không thì họ lại đến đây”.
Rời Bái Đính ấn tượng mạnh nhất là những pho tượng, cảnh quan, người Ninh Bình hiền lành mến khách.
Nhưng trên đường về bạn tôi vẫn băn khoăn: “Những hình ảnh kia, không hiểu sao cứ mắc vào đầu mình, không có gì to tát nhưng ở chốn tâm linh cần phải tinh tế và nghiêm trang, mình vẫn thấy những hình ảnh này sẽ khiến du khách không vui, thậm chí đánh giá độ tinh tế của chúng ta khi làm du lịch. Cái nào xô bồ thì xô bồ, cái nào để thờ phải để thờ chứ…”.
Chúng tôi đến chùa với lòng thành kính, không mảy may ý định ghi lại những hình ảnh không vui mắt hay viết lên những cảm nhận băn khoăn về những gì diễn ra ở Bái Đính.
Nhưng bằng lòng kính Phật và sự yêu mến địa danh này, chúng tôi cực chẳng đã mới phải nêu những hình ảnh không đẹp với mong muốn nó sẽ không lặp lại, gây phiền lòng du khách đến chiêm bái!
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)