Bệnh tim
Đau thắt ngực có thể gây cảm giác rất giống ợ nóng. Nếu bạn trên 50 tuổi và bị ợ nóng, đặc biệt nếu bạn chưa trải qua cơn đau như vậy trước đây, đó có thể là đau thắt ngực. Khả năng này cũng có thể xảy ra ở người trẻ tuổi hơn; nhưng có các yếu tố rủi ro như huyết áp cao, tiểu đường, hoặc tiền sử bệnh tim của gia đình. Nếu rơi vào những trường hợp này, bạn phải hết sức đề phòng.
Loét dạ dày
Loét có thể gây cảm giác nóng và cồn cào, thường ở phần bụng trên. Cơn đau này có thể lên đến ngực. Thuốc giảm a-xít trong dạ dày có thể làm giảm cơn đau do loét. Nhưng loét dạ dày thường do Helicobacter
pylori, một loại vi khuẩn gây viêm thành bao tử, gây ra, vì thế cần uống kháng sinh để ngăn chặn sự nhiễm bệnh. Một số loại thuốc kháng viêm cũng có thể gây loét dạ dày.
Ung thư thực quản
Ung thư thực quản là bệnh hiếm gặp, nhưng bệnh cũng đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều nước. Theo các chuyên gia, ợ nóng có thể được xem như một dấu hiệu mắc bệnh ung thư thực quản. Bác sĩ có thể chỉ định tiến hành một cuộc nội soi trên nếu bạn bị ợ nóng kéo dài, đặc biệt nếu bạn hút thuốc hay uống rượu nhiều, vốn là những yếu tố rủi ro gây ung thư thực quản.
Liệt dạ dày
Việc kiểm soát bệnh tiểu đường không tốt có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh, vốn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của đường tiêu hóa. Tình trạng này gọi là liệt dạ dày, nó làm chậm đáng kể sự di chuyển của thức ăn qua dạ dày và có thể gây ợ nóng. Việc chữa trị bao gồm những thay đổi về chế độ ăn uống, chẳng hạn như dùng bữa nhỏ hơn, tránh chất béo và chất xơ, uống thuốc, và ở những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng, cần phải đặt ống dẫn thức ăn hoặc cấy ghép thiết bị tạo ra những xung điện bắt chước sự co bóp của dạ dày.
Viêm thực quản
Viêm thực quản có thể là hậu quả của chứng a-xít dội ngược. Tình trạng này có thể khiến bạn bị ợ nóng nhiều hơn, cũng như gây khó khăn trong việc nuốt thức ăn. Thực quản cũng có thể bị viêm do uống một số loại thuốc giảm đau nhất định cũng như thuốc chống loãng xương, đặc biệt khi bạn uống thuốc không kèm theo nước, khiến thuốc bị mắc lại ở thực quản.
Lo lắng
Dù lo lắng không gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), nó có thể gây ợ nóng và làm cho các triệu chứng của GERD trầm trọng hơn. Một người có thể bị cả ợ nóng liên quan đến lo lắng và ợ nóng liên quan đến GERD. Giảm lo lắng và stress bằng cách tập thể dục, thư giãn hoặc các liệu pháp liên quan có thể làm giảm ợ nóng.
Quyên Quân
Bình luận (0)