Ổ tạm - Truyện ngắn của Du Quang

04/09/2015 21:00 GMT+7

Nhu về nhà nhét ít đồ đạc vào ba lô dọn đến nơi ở mới. Nhưng thứ gì cũng thấy thừa thãi, nhấc lên đặt xuống rồi quyết định không mang. Thành ra cuộc chuyển nhà chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo, quyển sách gối đầu giường, đồ sạc pin điện thoại và mấy liều thuốc cúm.

Nhu về nhà nhét ít đồ đạc vào ba lô dọn đến nơi ở mới. Nhưng thứ gì cũng thấy thừa thãi, nhấc lên đặt xuống rồi quyết định không mang. Thành ra cuộc chuyển nhà chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo, quyển sách gối đầu giường, đồ sạc pin điện thoại và mấy liều thuốc cúm.
Ổ tạmMinh họa: Hồng Thiện Cường
Bà già lắc đầu, miệng càu nhàu chưa thấy đứa nào đi lấy chồng mà nhẹ tênh như thế. Còn nhẹ nhàng hơn mấy lần nó đòi bỏ nhà đi du lịch với giai. Những cái túi hình như không đủ chứa đựng sự nông nổi điên rồ. Nó đã sống như ngọn cỏ hoang bên bìa rừng hiu hắt. Bà già chưa bao giờ nắm bắt được ý nghĩ của nó nên cũng thất bại trong việc nuôi dạy đứa con gái nhỏ. Ông già trách ngày xưa lúc mang thai Nhu, bà già nghén ăn tạp toàn cây cỏ. Bạ cây gì cũng đút vào miệng nhai nên chắc nhựa cây đã nuôi cái thai đó lớn. Ông đã quen với cảnh nó hay đánh lộn, bỏ học chui vào một xó xỉnh nào đó làm thơ. Thỉnh thoảng nó lao như điên vào một kế hoạch chẳng thấy gì khả thi. Có hề chi vì nó nghĩ tuổi trẻ được quyền được sai lầm và làm lại. Nó không giống bất cứ ai trong gia đình, họ tộc này. Nhưng mỗi lần nghe ông già càu nhàu vậy Nhu đều đáp tỉnh bơ “con tưởng con ngông cuồng là do gien của bố?”. Bà già nghe vậy bụng dạ hả hê...
Nhu lấy chồng. Là thấy nó tuyên bố vậy chứ chẳng thấy nhà trai dạm ngõ, cũng chẳng hề có cưới hỏi gì. Nó dẫn người yêu về ra mắt một lần, ngồi ăn chung một bữa cơm thế là nghiễm nhiên trở thành con rể. Nó chẳng buồn bận tâm xem hai thân già nghĩ gì, bà con lối xóm dị nghị ra sao. Nhà nằm giữa chợ, những sạp hàng nối đuôi nhau chèo kéo khách tối ngày. Chợ đông thì thi nhau giành giật khách mà vắng vẻ thì ngồi buôn đủ thứ chuyện trên đời. Nhu luôn là chủ đề bàn tán của mọi người và là nỗi ê chề của bà già suốt bao nhiêu năm tháng. Con nhỏ ấy chống đối thầy cô. Con nhỏ ấy trốn học đi chơi. Nghe nói con nhỏ ấy bỏ học giữa chừng theo bạn đi buôn. Sao không tin? Trường đại học còn gởi cả giấy mời về cho gia đình, hôm qua bác bưu điện mới ghé tai tôi nói nhỏ. Buôn gì đấy à? Ai mà biết, con nhỏ ấy máu liều thì cái gì mà nó chẳng dám buôn. Mà nghe đâu nó mới bỏ theo trai. Yêu đương gì cái bọn trẻ con, được ba ngày lại đánh lộn nhau như trò hề. Nhà bà ấy chả biết dạy con, cứ mải buôn bán kiếm tiền. Nhưng tiền mà làm gì, khéo nó ôm cái bụng bầu lùm lùm về nhà thì đẹp mặt cả họ. Con cái bây giờ hở ra là hư, đẻ con thế thì đẻ ngay hòn sỏi cho đỡ cực. Mỗi lần Nhu đi qua là kéo theo cả trăm đuôi mắt. Họ dè bỉu con nhỏ ấy ăn mặc gì thấy gớm, quần áo te tua, tóc tai bù xù. Trên gáy nó mới có thêm hình xăm xanh lét. Nhu nghe như gió thoảng bên tai dù bà già đôi lúc gầm lên “mày sống cho ra hồn người một chút”. Kỳ lạ thật, Nhu thấy mình đang sống rất người.
Rồi cái tin Nhu lấy chồng lan ra khắp chợ chỉ sau buổi sáng dẫn Phong về. Đâu cũng thấy người ta chụm đầu to nhỏ hỏi nhau biết gì chưa? Con nhỏ nhà ấy theo không về nhà chồng. Một cơi trầu còn chẳng có nói gì lễ lạt. Cũng đáng thôi, con gái sống buông thả vốn làm gì có giá. Được người ta rước cho là may còn đòi hỏi cái gì. Bà già than thế là biếu không đứa con gái nuôi cực nhọc mấy chục năm trời. Ông già cười, chỉ sợ mấy hôm nữa người ta dắt về tận nhà trả lại. Chứ ông thừa biết con nhỏ không có thời gian để phân vân. Chúng thuê một phòng trọ đâu đó trong thành phố và gọi là tổ ấm. Chẳng cần phải nhìn tận mắt ông già cũng có thể hình dung ra căn phòng tạm bợ. Dư thừa những thứ phù phiếm và luôn thiếu thốn vật dụng thật cần. Chúng nghênh chiến với khó khăn, với nhiệt độ ngoài trời và vô vàn định kiến. Chúng có thể khiến cả thế giới ghen tỵ về hạnh phúc của mình. Dù bữa ăn đôi khi chỉ mì tôm và mọi sinh hoạt quẩn quanh bên chiếc đệm. Huống hồ con nhỏ vốn xoay xở rất tài. Nó đủ giỏi giang để không lo chết đói. Bà già nói bâng quơ:
“Ở nhà này có cái gien tạm bợ. Để rồi xem nó sống cái cảnh già nhân ngãi non vợ chồng ấy được bao lâu. Khéo có ngày lại chia đôi đến từng cái bát”. Ông già nhột, thấy đâu đó trong mình nhói một cái vu vơ...
Thời trẻ, ông cũng đã từng xốc nổi dẫn theo cô gái xinh đẹp nhất làng bỏ lên Tây nguyên sinh sống. Tuổi hai mươi như cánh rừng, chỉ biết xanh ngắt một màu. Không có gì ngoài tình yêu và hai bàn tay trắng. Chàng trai nghĩ có thể dẫn cô gái mình yêu đi khắp thế gian này, bỏ lại đằng sau bao trái ngang, cấm cản. Nhưng rồi cuộc tình ấy cũng chết yểu cùng mùa cà phê rớt giá. Chủ rẫy không có tiền trả công ngoài hai bữa cơm ăn không đủ no. Cô gái quá ngán ngẩm cảnh ở tạm bợ trong căn lều giữa rẫy. Mùa mưa dầm dề tưởng như nếu ngủ quên một giấc thì sẽ không còn cơ hội thức giấc. Cơ thể cũng sẽ rữa ra từng giọt ngấm vào lòng đất như mưa. Mùa nắng, cái nóng xối xả truy đuổi con người đến cạn kiệt sức lực. Nuốt một miếng cơm vào miệng còn thấy nóng bốc hơi. Cô gái lần đầu rời vòng tay mẹ đi xa đêm nào cũng khóc than số phận. Oán trách nhau khi gạo hết, tiền khan, ốm nằm co ro trong cơn thiếu thốn. Đến lúc ấy mới nhận ra mình chỉ có hai bàn tay trắng. Còn thứ cảm xúc bồng bột thuở ban đầu đâu phải tình yêu. Qua một năm dầm sương dãi nắng đã đường ai nấy đi. Kẻ bẽ bàng trở về, kẻ đơn độc tha phương kiếm tìm đường sống. Nên bây giờ mỗi lần thấy Nhu đeo ba lô bỏ nhà đi, miệng ông già mắng khơi khơi chứ trong thâm tâm xót xa vài mảnh cuộc đời mình sót lại trong hình hài con nhỏ. Ông nhìn thấy những mất mát mơ hồ chảy trong lòng nó. Nơi mà sự kiêu hãnh một khi đã tổn thương thì sẽ không cho phép bất cứ ai chạm đến...
* * *
Ổ thiên đường của đôi chim cu tạm gọi là đàng hoàng. Nhu lùng sục gần một tháng trời mới tìm được một căn phòng lý tưởng. Nhà chủ ít người không dùng đến nên cho thuê bớt tầng hai. Tiền thuê phòng bằng nửa tháng lương của Phong. Nhưng tụi Nhu không tiếc, vì chỗ ở luôn cần phải rộng rãi. Trong phòng không có đồ đạc gì ngoài giá sách và bàn làm việc. Rộng rãi quá thành ra Nhu được bày biện đủ thứ phù phiếm theo ý thích. Những bộ váy áo lòe loẹt bạn bè tặng vốn chỉ để treo trang trí. Ít hoa khô được mang về từ một cuộc chu du nào đó. Cả chục đôi giày đủ kích cỡ và màu sắc bày la liệt cho vui. Để mỗi sáng xỏ chân vào chúng và tự nhủ có những thứ đẹp đẽ mấy cũng không dành cho mình. Và cái tổ luôn luôn phải ấm áp một cách bề bộn nhất với chăn ấm đệm êm. Bà chủ nhà có lần ghé mắt vào ngó chơi đã suýt la lên vì tưởng đi nhầm vào căn phòng trẻ nhỏ. Sự bề bộn đáng yêu và ấm áp. Gối ôm vứt khắp nhà để mệt lúc nào cũng có thể ngả lưng ngay chỗ đó. Một chiếc đệm lớn được đặt ở giữa phòng, để đi làm về là thích thú buông thõng mình xuống đó. Cảm giác như trút sạch bách gánh nặng cơm áo, gạo tiền của cả một ngày dài. Nhiều khi chỉ muốn nằm bất động, nghe những âm thanh khe khẽ vọng vào. Cảm thấy đời bình yên đến mức Nhu sẵn sàng đánh đổi mọi thứ mà không nuối tiếc gì.
Phong sẽ về vào sáu giờ tối. Căn bếp nhỏ chỉ chờ có vậy là mùi vị lên hương. Nhu không thích nấu nướng sớm rồi phải ngồi đợi chờ. Thứ gì làm được cùng nhau sẽ gắng thu xếp để làm. Tụi Nhu nghĩ bữa cơm ngon không chỉ bởi món ăn mà còn là cảm giác vui vẻ cùng nhặt rau, xào nấu. Ở đời may mắn nhất vẫn là được ngồi ăn cơm cùng người tri kỷ. Đạm bạc mấy cũng vui, gắp cho nhau cọng rau cũng thấy xanh lòng. Dù thỉnh thoảng Phong có lỡ tay khi nêm gia vị. Và đôi khi thất bại thảm hại trong việc chế biến một món ăn kiểu Pháp. Có hề chi, sẽ nhắm mắt ăn hoặc chạy ào ra chợ mua đồ ăn khác. Sẽ không giống cảnh than vãn, càu nhàu của mẹ. Ôi những người mẹ, họ luôn muốn con mình hoàn hảo mà chẳng cần một lần thất bại nào. Những đứa trẻ không phải thần đồng nên cần có những sai lầm để thêm khôn lớn. Người lớn không chịu chấp nhận nên những đứa trẻ loay hoay không dám thử sức mình. Nhu cũng vậy, không dám nấu thêm những bữa ngon cho cả gia đình. Vì mẹ từng nhìn nồi cá kho bị cháy và buông ra “đồ ăn hại”. Không dám may tặng ai thêm bộ quần áo nào vì mẹ từng mang sản phẩm đầu đời của Nhu làm giẻ lau chân. Không dám bày tỏ yêu thương vì mẹ từng bĩu môi kêu “lắm chuyện”. Nhu chỉ có thể ngoan ngoãn, im lặng sống từ ngày này qua ngày khác. Hoặc là bung ra mà sống, đơn độc trong vỏ bọc bất cần. Nhu chọn cách thứ hai...
Ổ thiên đường này quá đủ đầy đối với Nhu dẫu người ta có gọi là ổ tạm. Kể cả mai này tụi Nhu không thể sống và yêu thương nhau được nữa thì cũng có gì phải nuối tiếc đâu. Hạnh phúc vốn chỉ tồn tại ở từng khoảnh khắc nhất định trong đời. Học phí cho sự trải nghiệm không phải lúc nào cũng thanh toán được bằng tiền. Xóm chợ với những sạp hàng nối dài mãi không hiểu nổi con nhỏ ngông cuồng ấy sống kiểu gì. Chỉ vì Nhu không trở thành con ngoan trò giỏi theo khuôn mẫu thông thường. Chỉ có Nhu mới hiểu mình đã sống đến tận cùng đam mê tuổi trẻ. Đối đãi với nhau chân thành nhất mà chẳng cần giàng buộc. Giống cuộc hôn nhân không váy cưới, không một lời chúc tụng. Chỉ toàn là nghi hoặc đậu trên môi người đời, họ đã không thể bao dung ngay cả một nụ cười đối với những cô gái như Nhu. Nên bà già không biết con nhỏ từng rất yêu xóm chợ của những ngày nghèo nàn xa lắc. Khi ấy, người ta quen chia sẻ hơn phán xét, nỗi đau nào cũng dễ được cảm thông. Bà già cũng không biết rằng rất nhiều lần khi bắt đầu nhóm lửa hoặc bật bếp nấu ăn, con nhỏ ước được tự tay chuẩn bị một bữa ăn ấm cúng. Bà già yêu căn bếp đến mức chẳng bao giờ cho Nhu động vào vì sợ mọi thứ đang yên lành bỗng trở nên xáo trộn. Và ông già cũng đâu biết Nhu vẫn thương từng sợi bạc trên mái đầu đẫm nước thời gian.
Một buổi chiều mùa thu nắng vàng tươi trên những nhánh cây bàng. Phong đóng thêm những chiếc đinh lên tường để treo vài khung ảnh. Nhu nằm đọc sách bà bầu và nghĩ xem mình nên nghén thứ gì. Phong trêu nên nghén rau cho lành để anh kiếm ít thùng xốp và bắt đầu gieo hạt. Khi nào đứa nhỏ ra đời, nhà phải gọn gàng hơn và đồ đạc cũng nên tươm tất. Mười năm nữa tụi Nhu sẽ mua nhà, đất đai đắt nên ước mơ cũng kéo dài suốt phần đời tuổi trẻ. Nhưng chẳng nên buồn rầu, Nhu hạnh phúc với những điều đang có. Những chiếc đinh trên tường rồi sẽ treo ảnh của một thiên thần nhỏ. Bao giờ con biết đi, Nhu sẽ dắt nó về chơi quanh phố chợ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.