Ô tô ở Đông Nam Á sẽ khó đạt chuẩn an toàn 5 sao của ASEAN ANCAP

Trần Hoàng
Trần Hoàng
25/05/2021 16:39 GMT+7

Với hàng loạt quy định mới về thử nghiệm đánh giá an toàn ô tô của Ủy ban đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á - ASEAN NCAP, ô tô bán trong khu vực sẽ phải bổ sung công nghệ an toàn nếu muốn đạt được xếp hạng an toàn 5 sao của ASEAN ANCAP.

Theo Ủy ban đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á - ASEAN NCAP, bắt đầu từ năm 2021 tổ chức này sẽ triển khai các quy định thử nghiệm an toàn và hệ thống chấm điểm mới đối với ô tô bán trong khu vực để xếp hạng chuẩn an toàn.
Các thử nghiệm mới yêu cầu các phương tiện phải được trang bị nhiều công nghệ hỗ trợ người lái hơn để giảm thiểu tai nạn liên quan đến hành khách và xe gắn máy.
Cụ thể, với quy định mới được ASEAN NCAP áp dụng trong giai đoạn 2021 - 2025, cơ quan này hiện sẽ xếp hạng an toàn các phương tiện theo bốn hạng mục khác nhau: Bảo vệ người lớn (40%), bảo vệ trẻ em (20%), hỗ trợ an toàn (20%) và an toàn cho người đi xe máy (20%). Trước đó, ASEAN NCAP chỉ chủ yếu tập trung vào việc thử nghiệm va chạm để đánh giá khả năng bảo vệ người lớn, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ an toàn của xe. Như vậy, với quy định mới ASEAN NCAP sẽ bổ sung thêm hạng mục đánh giá an toàn của ô tô đối với người đi xe máy.

ASEAN NCAP sẽ xếp hạng an toàn các phương tiện theo bốn hạng mục: Bảo vệ người lớn, bảo vệ trẻ em, hỗ trợ an toàn và an toàn cho người đi xe máy

Với hạng mục mới, ASEAN NCAP sẽ trao điểm cho những phương tiện được trang bị các công nghệ an toàn như hỗ trợ cảnh báo điểm mù, hệ thống đèn pha tự động, camera lùi và tính năng cảnh báo người đi bộ… Các tính năng này đều góp phần hỗ trợ người điều khiển ô tô phát hiện các phương tiện xung quanh xe, đặc biệt là xe máy để có thể giảm thiểu va chạm.
Cùng với việc bổ sung hạng mục đánh giá an toàn cho người đi xe máy, ASEAN NCAP cũng bổ sung các tiêu chí đánh giá hỗ trợ an toàn. Các mẫu ô tô muốn đạt được điểm số cao ở hạng mục này phải được trang bị đầy đủ các hệ thống như chống bó cứng phanh (ABS), phân phối lực phanh điện tử (EBD), kiểm soát ổn định thân xe điện tử (ESC) và nhắc nhở thắt dây an toàn (SBR).
Tiến sĩ Khairil Anwar Abu Kassim - Tổng Thư ký ASEAN NCAP cho biết: “Với quy trình này, chúng tôi không chỉ bảo vệ sự an toàn của người ngồi trên xe mà còn quan tâm đến an toàn của những phương tiện khác cùng tham gia giao thông, đặc biệt là người đi xe máy”.

Các mẫu ô tô được thử nghiệm theo quy định mới sẽ được ASEAN ANCAP áp huy hiệu màu đỏ thẩm

Bên cạnh ô tô, xe máy là phương tiện khá phổ biến tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu thống kê của các nhà nghiên cứu, số lượng người đi xe máy tử vong do xảy ra tai nạn, va chạm với ô tô tại Đông Nam Á hàng năm vẫn khá cao.
Sau khi ASEAN NCAP triển khai các quy định thử nghiệm an toàn và hệ thống chấm điểm mới, Perodua Ativa – mẫu xe Malaysia được phát triển cùng nền tảng với Toyota Raize và Daihatsu Rocky đã được thử nghiệm đánh giá. Kết quả, Perodua Ativa nhận được tổng cộng 83,4 điểm, qua đó được chứng nhận xếp hạng an toàn 5 sao của ASEAN ANCAP.
Để phân biệt với các phương tiện được thử nghiệm theo quy định cũ vốn được dán huy hiệu màu xanh lam, các mẫu ô tô được thử nghiệm theo quy định mới giai đoạn 2021-2025 sẽ được ASEAN ANCAP áp huy hiệu màu đỏ thẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.