Chỉ sau Thái về lượng xe nhập vào Việt Nam
5 tháng đầu năm, Thái Lan dẫn đầu cả nước với lượng xe nhập vào Việt Nam lên đến 7.200 chiếc, kế đó là xe từ Trung Quốc với 342 chiếc. Một khoảng cách khá xa song lượng xe nhập từ Trung Quốc đang vượt mặt cả các loại xe nhập từ các nước châu Âu, Mỹ. Những thương hiệu xe con nhập từ Trung Quốc chủ yếu là: BAIC, Zotye, Dong Phong (DMF), Geely, Luxgen...
Đây cũng là những mẫu xe đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay, song chưa từng chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng Việt. Lý do là số đông với người Việt, chiếc xe hơi ngoài phương tiện là một phần tải sản không nhỏ. Thế nên, tâm lý phải tậu xe có thương hiệu và chắc chắn chiếm phần lớn.
Tuy nhiên, lý thuyết trên có thể thay đổi khi "xứ sở của hàng nhái" đang ngày càng có nhiều nhà sản xuất liên tục tung ra các mẫu xe nhái y chang những mẫu xe sang nổi tiếng thế giới. Mới đây, một thương hiệu ô tô nhỏ tại Trung Quốc là Huansu công bố thông tin sẽ sớm ra mắt dòng xe X-Series "lấy cảm hứng" từ mẫu siêu xe Lamborghini Urus (Ý) có giá khoảng 15.000 USD, chỉ bằng 1/30 giá chiếc Lamborghini nguyên bản giá trên 488.000 USD.
Trước đó, các hãng xe nhỏ Trung Quốc cũng đã nhái thành công chiếc Zotye SR8 có dáng dấp không khác gì chiếc Porsche Macan, lộ liễu nhất là mẫu BX7 (BAIC - Trung Quốc) nhái mẫu F-Pace của Jaguar, chiếc Chery Tiggo 7 được cho là nhái Volkswagen Tiguan… Một chiếc xe "sang" của Trung Quốc chỉ có giá tầm 200-300 triệu đồng.
Dự kiến, Triển lãm Ô tô Quốc tế Việt Nam 2018 tổ chức vào tháng 10 tới đây, sẽ có sự tham gia một số mẫu nhái siêu xe của Trung Quốc được giới thiệu đến với người tiêu dùng Việt.
|
Người Trung Quốc cũng không mặn mà với xe nội địa
Không chỉ nhái siêu xe với giá rẻ bèo, nhiều mẫu xe phổ thông của Nhật, Đức, Mỹ cũng được Trung Quốc tăng cường nhái, bán tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang nhiều nước có mức thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam. Giá rẻ và ngoại hình luôn bắt mắt, song các mẫu xe nội địa của Trung Quốc theo nhiều người Trung Quốc tại Thượng Hải cho biết, đa số giới mới ra trường, cần xe đi làm giá rẻ mua hoặc người ở quê, tỉnh lẻ, nông thôn mua là chính.
Mấy năm trở lại đây, Thượng Hải bắt đầu có những chính sách siết xe hơi.
Năm 2015, Thượng Hải đưa ra quy định xe số chẵn đi ngày chẵn, xe số lẻ đi ngày lẻ. Tuy nhiên, chính sách đó bị phá sản chỉ sau 1 năm khi giới đi làm tại Thượng Hải thừa khả năng để sắm 2 chiếc ô tô có số chẵn và số lẻ để dùng thay phiên nhau trong tuần. Từ năm 2017 đến nay, chính quyền thành phố này tiếp tục đưa ra quy định bắt buộc người tiêu dùng phải có biển số xe trước mới được mua xe. Theo đó, giá một biển số xe luôn cao gấp mấy lần so với giá xe, với 18 vạn tệ (tương đương 30.000 USD)/biển số xe hơi. Tuy nhiên, có tiền cũng chưa chắc mua được biển số do trung bình mỗi tháng, cơ quan quản lý giao thông tại đây chỉ tổ chức quay xổ số phát hành 5.000 biển số xe/tháng. Và nhiều trường hợp chờ có được biển số xe mất cả năm chưa chắc có.
"Đây cũng là cách làm gây mất kiên nhẫn cho người mua xe có hiệu quả nhất, vả lại, chất lượng một chiếc xe hơi luôn tỷ lệ thuận với giá trị của nó. Để chọn một phương tiện vận tải đi chuyển hằng ngày, người Trung Quốc không “liều” chọn xe nội địa được", một nữ công chức tại Thượng Hải cho biết.
Khó để mua được biển số xe, nên khi mua xe, người Trung Quốc tại các thành phố lớn hiếm khi chọn xe thương hiệu nội địa để dùng, đa số họ chuộng xe nhập hoặc rẻ hơn là mua xe của Nhật được sản xuất lắp ráp tại Trung Quốc với giá rẻ hơn giá xe Nhật tại Việt Nam từ 30-50%.
Bình luận (0)