Ở TP.HCM có làng nghề đón tết: ‘Bếp ông Táo’ liệu có hết thời?

23/12/2022 13:36 GMT+7

Tháng chạp âm lịch sát tết, 20 người trong lò đất làm ‘bếp ông Táo’ cuối cùng ở khu Lò Gốm (Q.8, TP.HCM) vẫn miệt mài làm các đơn hàng chuẩn bị đón năm mới. Lớp thợ toàn người trên 50 tuổi, lớp trẻ không vào nghề, lò gốm lo… thất truyền.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân cũng thay đổi, những lò ‘bếp ông Táo’ một thời phổ biến nay cũng dần dà ít người sử dụng. Vì lẽ đó, số lò trong làng Lò Gốm chuyên sản xuất “bếp ông Táo” ở TP.HCM cũng dần mai một, đến nay chỉ còn duy nhất 1 lò của gia đình ông Trần Văn Tiếp (thường gọi ông Năm Tiếp) ở chân cầu Rạch Cây còn đỏ lửa.

Lò "bếp ông Táo" cuối cùng lo… thất truyền

Sinh ra ở làng nghề, cả đời theo nghề

Dưới trời nắng gắt, ông Nguyễn Văn Thơm (59 tuổi, ngụ P.16, Q.8) ngồi dưới lán trại chăm chú đắp tai lên từng chiếc lò vừa thành hình. Chiếc mũ lưỡi trai, chiếc áo sơ mi rách vai và cả tay chân đều lấm lem bùn đất, ông nở nụ cười tươi rói khi nhắc đến nghề.

Ông cho hay, đất để làm “bếp ông Táo” là đất sét, chủ yếu lấy ở miền Tây. Sau thời thanh niên làm ở xí nghiệp, ông Thơm vào cơ sở của gia đình ông Năm Tiếp rồi gắn bó tới nay ngót nghét 40 năm.

Lò làm "bếp ông Táo" nằm trên mảnh đất rộng khoảng 4.000 m2 của gia đình ông Năm Tiếp

Vũ phượng

Ngày mới vào nghề, ông phụ những việc đơn giản, người cũ chỉ người mới, cứ vậy thuần thục hồi nào không hay. Vừa kể chuyện, ông vừa thoăn thoắt lấy đất đắp 3 tai của bếp lò, áng chừng bằng mắt thường nhưng khoảng cách đều răm rắp, kích thước cũng ngang ngửa nhau.

Theo ông Thơm, một chiếc bếp lò hoàn chỉnh, ông được trả công 8.000 đồng. Trong ký ức của người sinh ra ở Lò Gốm, ông nhớ quanh khu có nhiều lò. Đa phần các lò nằm cạnh kênh, rạch để tiện vận chuyển đất, hàng hóa. Theo thời gian, chỉ còn lại lò ông đang làm tồn tại, xe ô tô cũng đã có thể vào tận nơi, việc giao nhận thuận tiện hơn.

Ông Thơm gắn bó với nghề gần 40 năm

Vũ phượng

Ông chia sẻ: “Làm nghề này tự do thời gian, ngày trước phải nuôi 2 con ăn học thì tôi làm tới 8 – 9 giờ tối. Nay con lớn, đi làm hết rồi, nó kêu tôi nghỉ nhưng tôi vẫn muốn tự làm kiếm tiền. Tôi làm vừa sức, 3 giờ chiều là về, đủ tiền tự mình xài, không nhờ con”.

“Bếp ông Táo” hết thời

Có thời gian, ông Thơm đưa con đến phụ việc ở lò gốm, nhưng thấy nghề bùn đất lấm lem, con ông chuyển việc khác. “Đó cũng là tình trạng chung, tụi trẻ giờ không theo nghề, toàn mấy ông bà già trong đây thôi. Trước dùng bếp này nhiều, 23 tháng chạp cúng ông Táo xong là người ta thay bếp mới, giờ toàn bếp từ, bếp điện, bếp gas. Như nhà tôi chỉ dùng bếp lò để nướng, 2 – 3 năm chưa hư nữa. Nhu cầu ít hơn, lò cũng ít”, ông nhận xét.

Gia đình ông Phương ngày trước cũng làm lò ở khu vực bến Phú Định

Vũ phượng

Ông Du Tấn Phương (60 tuổi) cũng cho biết, ngày trước nhà ông cũng có lò do cha ông làm chủ ở khu bến Phú Định. Nhưng khi cha mất, mấy anh chị em trong nhà cũng không ai theo nghề. Ông cũng đi tìm việc làm, nhưng vài năm trở lại đây thì quay về với nghề.

Ông nói, quận 8 ngày xưa có rất nhiều lò làm “bếp ông Táo”. Khi có chủ trương giải tỏa nhà ven kênh, nhiều lò giải nghệ, một số khác thì mang về miền Tây làm do công việc này đòi hỏi phải có mặt bằng lớn.

Công việc của ông Phương ở đây là dùng chiếc lưỡi liềm gọt cho mịn màng lại cái bếp để mang đi phơi, rồi nung. Quen nghề, lưỡi liềm ngọt xớt, chỉ nhìn qua là ông biết chỗ nào cần chỉnh, cần gọt.

Nghề đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay người thợ

Vũ phượng

“Nhà không còn ai theo nghề, có mình tôi à. Lớp trẻ bây giờ thì ăn học chữ nghĩa nên làm các công việc khác nhẹ nhàng hơn chứ vô vọc đất ai mà chịu. Nghề này không khá giả gì nên không ai thích làm nghề này đâu, không khá giả gì, đủ sống qua ngày thôi”, ông bộc bạch.

Lo… thất truyền

Bà Ngọc Hạnh (vợ ông Năm Tiếp) cho biết, thời thanh niên, chồng bà đi làm thuê ở lò làm “bếp ông Táo”, rồi đi bộ đội về mới bắt đầu mở cơ sở do chính mình làm chủ trên đất của gia đình khoảng 4.000m2.

Những chiếc lò sau khi được gọt sẽ mang đi phơi...

Vũ phượng

...sau đó là nung

Vũ phượng

Khoảng 5 năm trước, lò có tới 50 người cùng làm việc, già có, trẻ có. Mọi người vừa làm vừa nói chuyện rôm rả. Ở lò của gia đình, đa phần đều là người gắn bó với công việc từ 20 năm trở lên, có người làm đến khi hết sức. Đến nay, cơ sở chỉ còn khoảng 20 người trụ lại với nghề, chủ yếu U.50 – U.70.

“Người trẻ không vào làm, nghề này không ai làm đâu, con tôi cũng không theo nghề. Ngày trước khu này người ta làm bếp lò nhiều mà cũng buông hết rồi. Mà giờ thợ già hết rồi đâu có người mới đâu mà đào tạo. Nguyên năm nay lúc nào cũng nhiều hàng nhưng không có người làm. Không chỉ giao đi tỉnh, mà lò này còn xuất đi Úc, Mỹ, Canada phục vụ người Việt ở bển nữa”, bà nói.

Những người đang làm ở cơ sở đa phần đã gắn bó lâu năm

Vũ phượng

Công việc hối hả quanh năm và sẽ kết thúc vào ngày 23 tháng chạp

Vũ phượng

Theo thời giá, ngày trước lò nhỏ nhất chỉ chừng 4.000 đồng, ngày nay, nguyên vật liệu đều tăng, vận chuyển đắt, giá lò dao động từ 50.000 – 100.000 đồng. Thông thường, cơ sở của gia đình bà sẽ làm đến ngày 23 tháng chạp, dọn dẹp, cúng ông Táo rồi nghỉ tết.

“Chồng tôi lớn tuổi rồi, trước ở khu Lò Gốm này nhiều lò nhưng giờ nhìn quanh khu còn mình lò nhà mình. Có tâm huyết muốn duy trì nhưng tôi chắc cũng duy trì không nổi, thầy thợ nghỉ, mình cũng già, con thì không theo nghề”, bà chủ cơ sở tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.