(TNO) Đó là khẳng định của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (TP.HCM) tại buổi toạ đàm “Hình tượng rồng trong văn hoá truyền thống VN” do ông chủ trì thuyết minh tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu quán Huế (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) chiều 5.2.
Đến tham dự buổi toạ đàm có đông đảo văn sĩ, trí thức, các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên-Huế; nhiều ni sư, tăng ni phật tử tại Huế.
Nhà nghiên cứu Trình Đình Sơn cho biết ông vốn là người đam mê sưu tầm và nghiên cứu cổ vật. Từ lâu ông đã chú ý đến việc nghiên cứu biểu tượng về con rồng trong cổ vật, trong các công trình di tích, mỹ thuật… Theo đó có thể khẳng định con rồng ở VN khác biệt với rồng của nhiều nước khác.
Con rồng của các nước phương Tây là con vật quái ác, là biểu tượng bạo lực đáng sợ. Với Trung Quốc, con rồng luôn là biểu tượng của các bậc đế vương, họ luôn nhận mình là con của rồng. Trong khi đó với VN, dẫn truyền thuyết Lạc Long Quân và u Cơ, ông Sơn cho rằng ngay từ thời huyền sử rồng đã là tổ tiên, là cha mẹ của mọi người. “Truyền thuyết người Việt gắn với con rồng cháu tiên này cũng cho thấy khi người Việt chưa bị ảnh hưởng bởi các luồng văn hoá khác thì người Việt đã có một đời sống tự do, bình đẳng” - ông nói.
|
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biểu tượng con rồng cũng không hẳn chỉ dành cho bậc đế vương mà nó là của chung của cả dân tộc. Rồng không chỉ là biểu tượng của vua chúa mà rồng còn được vẽ trên các công trình đền chùa miếu mạo, thậm chí từ xưa được xăm trên thân thể con người.
Rồng đời nhà Trần, theo lời dạy của Phật hoàng Trần Nhân Tông thì “Nhà ta vốn là người vùng sông nước, đời đời ưa chuộng tính hùng dũng, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm hình rồng vào đùi để không quên gốc”.
Trong thời kì Bắc thuộc, để chống đồng hoá, người Việt cũng tìm cách giữ bản sắc riêng cho mình. Đó là chít khăn, nhuộm răng, mặc khố và đặc biệt là xăm hình rồng. Về sau, khi đã độc lập, thời Đinh, Lê thì rồng vẫn là con vật thuộc về cả dân tộc. Ngay khi vua Lý Thái Tổ định đô cũng lấy tên kinh đô nước Việt là “Thăng Long”, tức muốn cả đất nước hưng thịnh, thăng tiến, mạnh mẽ.
Theo ông Sơn, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, tùy sự hưng thịnh từng triều đại và sự ảnh hưởng của Nho giáo hay Phật giáo mà con rồng có những cách thể hiện khác nhau, tuy thế rồng bao giờ cũng là con vật thiêng liêng nhưng gần gũi với mọi người dân, nó thuộc về người dân chứ không phải là biểu tượng của bậc đế vương như nước khác.
|
Gia Tân
Bình luận (0)